QĐND Online - Cuối năm 2007, khi đang là Trưởng ban Hành chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng, Trung tá Mê Văn Đạt được tổ chức giao nhiệm vụ mới: Làm cán bộ tăng cường cho xã biên giới Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh để giới thiệu bầu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã. Nhận quyết định ngày 1-10-2007, Trung tá Mê Văn Đạt hăm hở vượt gần 100 cây số đến Đàm Thủy nhận nhiệm vụ.
Được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy với số phiếu tín nhiệm cao, anh bắt tay ngay vào công việc.
Còn nhớ lần đầu, ngay sau khi về xã, anh cùng cán bộ huyện xuống giải quyết vụ việc ở dự án thủy điện trên dòng Quây Sơn để sản xuất điện năng phục vụ đồng bào. Số hộ dân phải di dời là hàng chục hộ, hầu hết bà con ủng hộ dời nhà đi nơi khác, nhưng còn một số hộ vì chưa hiểu rõ chính sách, cho rằng cán bộ làm mất đất của dân, nên họ nhất quyết không chịu di dời. Đáng chú ý, trong số hộ dân lại có một gia đình cựu quân nhân; anh rất “cứng rắn” về lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Thử thách đầu tiên đặt lên vai tân Bí thư Đảng ủy xã. Anh cùng với một số đại diện các ban, ngành của xã xuống địa bàn, sau khi nghe vận động, giải thích, gia đình vẫn nhất quyết không nghe, chủ nhà còn nóng nảy đập bàn. Bí thư Đạt vẫn kiên trì, điềm đạm thuyết phục bằng những lý lẽ hợp tình hợp lý, lấy tư cách người lính để đánh thức lòng tự trọng của người cựu binh. Khi đoàn cán bộ ra về, tình hình vẫn khá căng thẳng. Thế nhưng hôm sau, người đàn ông nóng tính đó đã tìm lên trụ sở ủy ban xin lỗi anh Đạt và đồng ý chuyển nhà đi nơi khác vì lợi ích chung.
 |
Thượng tá Mê Văn Đạt hướng dẫn người dân địa phương kỹ thuật gieo trồng. |
Ngày mới về Đàm Thủy, thấy trụ sở, các phòng làm việc của Đảng ủy, UBND xã chưa gọn gàng, ngăn nắp, vốn quen với phong cách nhà binh, sạch sẽ, chuẩn chỉ, anh tiến hành “cải tổ”, đề xuất với cán bộ chủ chốt UBND đề ra các quy định về quản lý văn bản giấy tờ. Sẵn có lợi thế của một cán bộ tổ chức từng quản lý cả “kho” công văn tài liệu đâu ra đấy và khả năng sử dụng vi tính văn phòng thành thạo, anh trực tiếp làm mẫu, tập huấn tại chỗ cho cán bộ phụ trách các ban, ngành của xã về cách thức viết, lưu giữ văn bản trên máy vi tính; hướng dẫn cho cán bộ làm việc tại UBND xã từng thể thức văn bản và quy định rõ từng loại văn bản cụ thể. Ai chưa thạo soạn thảo văn bản thì được hướng dẫn thêm, ai hoàn toàn chưa biết thì Bí thư Đạt trực tiếp làm mẫu, rồi yêu cầu ghi nhớ, tập cho quen. Có cán bộ lại phản ứng nói rằng: “Từ trước đến nay, ở xã chưa bao giờ thấy Bí thư làm như thế; hơn nữa làm thế là lấn lướt Chủ tịch, là không đúng chức trách nhiệm vụ, Bí thư là chỉ làm công tác Đảng thôi...”. Nhưng Chủ tịch UBND Mã Tự Lý gạt đi ngay: “Ý kiến như vậy là gây mất đoàn kết, chia rẽ Chủ tịch với Bí thư. Nếu mình làm tốt thì trên đã không phải điều nó về…”.
Từ bước đột phá của Bí thư, công văn giấy tờ các loại của xã được sắp xếp, phân loại, lưu trữ khoa học, dễ lấy, dễ tìm. Quả thực, nghe thì dễ, nhưng để đổi mới được một lề lối làm việc thật không đơn giản và là một thành tích đáng nể!
Khi có chủ trương của trên về thí điểm chức danh, Mê Văn Đạt được Hội đồng nhân dân xã bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND xã. Trên cương vị Bí thư, Chủ tịch UBND xã anh lao vào công việc với lòng nhiệt tình không mệt mỏi. Anh đã cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã Đàm Thủy tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm túc đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt, triển khai nhiệm vụ công tác hàng năm; nghiên cứu quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Tổ chức tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVII, Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh và xã Đàm Thủy (nhiệm kỳ 2010-2015); xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng quần chúng nhân dân trên địa bàn. Anh cùng tập thể chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cơ quan, tổ chức đoàn thể trong xã và quần chúng nhân dân trên địa bàn theo quy định; chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình phối hợp, trên cơ sở đó tạo sức mạnh toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới.
Nhờ duy trì thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Đồn Biên phòng Đàm Thủy với Đảng ủy xã, qua đó góp phần phát huy tốt hơn vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương cũng như thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng. Anh chỉ đạo tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân ở các xóm trong địa bàn xã, tạo được không khí vui tươi phấn khởi, qua đó thúc đẩy phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Trong xây dựng tổ chức quần chúng vững mạnh, anh chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ; gắn việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Trong những năm 2008 - 2012, anh đã tăng cường chỉ đạo, đồng thời trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ các chi bộ làm tốt công tác phát triển đảng viên mới; đã tổ chức kết nạp được 50 đảng viên, đạt 123% so với kế hoạch; đã chia tách thành lập mới 6 chi bộ sinh hoạt ghép, thực hiện xóa bản trắng về chi bộ xong trước kế hoạch đề ra là một năm. Những năm qua, các chi bộ trực thuộc đều đạt trên 80% trong sạch vững mạnh, không có tổ chức đảng yếu kém; có trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đảng bộ xã 5 năm liền (2008-2012) đạt trong sạch vững mạnh.
Công tác cán bộ luôn được Mê Văn Đạt đặt lên hàng đầu. Anh đã chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất với tập thể Đảng ủy đưa cán bộ xã đi đào tạo và củng cố kiện toàn đầy đủ, kịp thời các chức danh sau đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 và sau bầu cử HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016. Tổng số cán bộ, công chức xã hiện có 20 đồng chí, trong đó 4 đồng chí có trình độ đại học, 1 cao đẳng, 12 đồng chí có trình độ trung cấp (trong số trung cấp có 2 đồng chí đang theo học đại học hệ vừa làm vừa học).
Anh đã cùng thường trực UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của xã sát tình hình thực tế của địa phương để đưa các loại giống cây trồng, giống mới có năng suất cao cho nhân dân đưa vào sản xuất; đã cung ứng được gần 12 tấn giống ngô, gần 1 tấn giống lúa; tổ chức được 11 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, ngô, chăn nuôi thú y cho nhân dân, có 650 người tham gia. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện dự án phát triển đàn bò, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đạt hiệu quả. Giá trị sản xuất canh tác trên 1ha đạt 27 triệu đồng; sản lượng lương thực cây có hạt đạt từ 100 đến 115% kế hoạch; bình quân lương thực đầu người hằng năm của xã đạt từ trên dưới 500kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người 7.200.000đ/năm. Hằng năm, đàn trâu, bò của xã đều tăng từ 6,7 đến 17%; nhiều nhà trước đây chỉ nuôi 1-2 con lợn/ năm, nhưng 5 năm gần đây, nhiều gia đình đã nuôi từ 5-30 con lợn/năm, điển hình là các hộ dân ở khu vực Lũng Phiắc, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ nghèo của xã năm 2008 chiếm 20,47% đến năm 2012 chỉ còn 8,49%.
Trong 5 năm, trên địa bàn xã đã kiên cố hóa được 9 kênh mương, xây được 2 đập nước; với các kênh mương tưới tiêu cho dưới 5ha, xã vận động nhân dân thực hiện phương châm Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu, ngày công và tổ chức xây dựng, đã làm được 1.647m mương. 5 năm qua, xã 16/18 xóm trong xã đã có đường bê tông, với tổng độ dài hơn 10.300m.
Thượng tá Mê Văn Đạt - Bí thư, Chủ tịch xã Đàm Thủy là một tấm gương sáng của người cán bộ biên phòng gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn trăn trở lo toan cho biên cương, xây dựng biên giới lòng dân vững chắc. Những việc làm và tấm gương của anh đã làm phong phú và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng: Đưa cán bộ Biên phòng về tăng cường giữ các chức danh lãnh đạo ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG THÁI