QĐND - “Bắt đầu “mùa xa vắng” rồi anh ạ!”. Vừa nói, người lính biên phòng tên Hanh vừa vẫy tay chào khi chiếc xe nổ máy đưa tôi rời bản Cò Pạc. Không sóng điện thoại, không các cửa hàng phục vụ sinh hoạt tối thiểu… Họ ở trong lõi rừng, giữa mênh mông cây, ngun ngút sương bay cùng gió ngàn, dốc đứng vực thẳm và con sông Giăng lắm ghềnh nhiều thác với tộc người Đan Lai để giúp họ định canh định cư, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ biên cương…
 |
Bản Búng kia rồi! Ảnh: Đỗ Tiến
|
Sau hai lần lội qua sông Giăng, đến khúc thứ ba thì chiếc xe gắn máy “chuyên dụng” của anh lính trinh sát Lương Thế Bình đã không thể nổ máy mà chỉ khậc khậc nhẹ mấy cái như tiếng ho người ốm rồi tắt lịm. Bình lắc đầu quay sang tôi: “Không ổn rồi. Để nó ở đây thôi, khi quay ra sẽ đi thuyền rồi khiêng lên chở ra trạm sau. Giờ thì chỉ còn cách duy nhất là hành quân bộ thôi!”.
Gần một tiếng leo dốc, lội sông nữa chúng tôi mới đến bản Búng-bản sâu nhất của người Đan Lai ở lõi rừng Pù Mát, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Bình bảo: Cuộc sống ở đây gần như tách biệt hẳn với thế giới ngoài kia. Sóng điện thoại ở bản Búng thì “trắng” hoàn toàn, còn Cò Pạc thì chỉ có duy nhất mười phân chỗ mỏm đá trên đỉnh dốc. Thế nên, các anh phải làm một cái chạc (giây), đặt hòn đá nhỏ phẳng ở trên rồi để điện thoại đã cắm tai nghe lên đó thì mới liên lạc được. Bình nói vui rằng, gọi cho thủ trưởng ngoài đồn và vợ ở nhà, cứ phải hết sức nhẹ nhàng, chứ cáu giận làm chệch điện thoại cái là mất sóng ngay!
Chúng tôi đến Tổ công tác biên phòng bản Búng đúng vào giờ ăn trưa. Đại úy, Tổ trưởng Trần Văn Thiện cười bảo: “May mà anh vào giờ này chứ muộn chút nữa thì chắc chẳng gặp ai ở nhà! Mà giờ này vào bản chẳng có ai đâu. Bà con đi làm măng hết rồi, phải đến 3-4 giờ mới về!”. Cái háo hức ban đầu chưa kịp nguôi thì đã nghe có tiếng bước chân lạo xạo leo dốc phía sau. Tôi ngoái lại thấy một người đàn ông chắc nịch với nước da săn bóng, mái tóc hơi xoăn đang cùng với Lương Thế Bình đi lại. Hóa ra, anh trinh sát viên nhạy bén rất hiểu ý tôi, đã tìm được một người dân tộc Đan Lai khá am hiểu cuộc sống dân bản. Anh là Lê Văn Bảo, trước đây vốn là Trưởng bản, mới nghỉ hồi tháng 5 vừa rồi. Anh Bảo nói rằng, nghe các cụ xưa kể thì người Đan Lai các anh vốn là một họ ở Thanh Chương, vì không cách gì thực hiện được chiếu của vua bắt phải làm một chiếc thuyền liền chèo và kiếm 100 cây nứa bằng vàng nên cả họ phải chạy trốn vào núi. Cứ dọc theo sông Giăng mà đi, cho đến khi cảm thấy không còn dấu hiệu gì của con người thì dừng lại. Cuộc sống chạy và chạy, trốn tránh con người, trốn tránh thú dữ đã tạo cho người Đan Lai những thói quen hoang dã và tạm bợ. Thói quen ấy lâu dần trở thành tục lệ như ngủ ngồi và bắc chạc ngang trên cây để ngủ. Người chết không để quá một tiếng đồng hồ sau đó bó bằng chiếu rồi dùng cây đặt dọc người buộc lại để khiêng ra nghĩa địa. Khi chôn thì không đắp nấm mà khỏa phẳng rồi làm một cái lều tạm sơ sài lên trên và không bao giờ đến chỗ mộ. Người chết không làm giỗ, mà chỉ thắp hương vào dịp Tết. Trai gái kết hôn cận huyết con chú lấy con bác, đẻ bao giờ hết trứng thì thôi! Canh tác thì cơ bản trông chờ vào thiên nhiên, làm lúa trên rẫy chẳng mấy khi được thu vì bị thú rừng phá, vì thế cả năm thiếu đói. Vào rừng đào măng cả tháng, lội suối trèo đèo mất hai ngày mang ra ngoài thị trấn chỉ đủ để đổi lấy vài cân muối…
Rồi anh hồ hởi khoe, bây giờ thì đã khác! Bộ đội Biên phòng hướng dẫn bà con làm lúa nước năng suất cao, cách chăn nuôi làm sao để trâu bò không bị chết. Ăn ở thế nào cho vệ sinh, lại có trạm xá để khám, chữa bệnh cho dân; giúp bà con làm đường bê tông trong thôn; vận động bà con bỏ phong tục kết hôn cận huyết... Trẻ con bây giờ được đến trường học hành. Ai không cho đi, các anh đến tận nhà vận động. Nhà cửa khang trang hơn, không còn tạm bợ như trước. Như nhà anh bây giờ là nhà gỗ 2 tầng có mái tôn, có ruộng trồng lúa nước. Trâu bò có 9 con cả thảy… Nhìn gương mặt hồ hởi của anh Bảo, tôi chợt nhớ đến nụ cười tươi rói của bà Vi Thị Kỷ mà tôi gặp ở bản Cò Pạc khi bà bảo, trước đây khổ lắm, chặt cây trong rừng thì có người bị gỗ đè chết, chở gỗ ở sông Giăng thì bị đuối nước, vậy mà vẫn quanh năm đói vàng mắt…
Về công việc giúp bà con của những người lính biên phòng, Đại úy Lô Văn Ngoan-Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Cò Pạc chia sẻ: Theo đề án ''Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai tại bản Búng và bản Cò Pạc”, 2 tổ công tác, mỗi tổ 4 người của Đồn Biên phòng Môn Sơn đã về nằm tại bản để giúp bà con. Các anh chia ra mỗi người phụ trách một số gia đình, xuống tận nơi hướng dẫn nhân dân chuyển đổi nhận thức, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất lao động như làm vườn trồng rau màu, chuyển đổi mỗi năm 1 vụ lên 2 vụ, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa... Mấy năm qua, bà con đã khai hoang phục hóa mới thêm 5,5ha ruộng trồng lúa nước, 5ha diện tích đất màu trồng cây lương thực ngắn ngày nhằm hỗ trợ cứu đói. Đầu năm 2012, các anh vận động nhân dân hai bản gieo trồng được 18ha diện tích lúa nước vụ xuân hè, khai thác tối đa quỹ đất bồi ven sông suối để tận dụng trỉa lạc, trồng ngô, đậu... được 13ha. Tất cả các hộ gia đình của hai bản đã triển khai làm vườn trồng rau màu, trong đó có một số hộ đang thực hiện mô hình phát triển chăn nuôi cá ao...
Chia tay bản Búng và Cò Pạc, hình ảnh hai cha con ông Bảo trên chiếc thuyền gỗ, một người ở mũi chống sào để thuyền không va vào đá ngầm, vách đứng; một người cuối thuyền điều khiển chân vịt máy vượt qua ghềnh thác trên sông Giăng để đưa chúng tôi về xuôi... cứ in đậm mãi trong đầu tôi. Tôi tin một ngày không xa, với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, bằng nghị lực của mình, tộc người Đan Lai sẽ ngày một phát triển, ấm no, hạnh phúc!
Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH HÙNG