Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Đại tá, TS Đinh Quang Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn nhấn mạnh, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sắp diễn ra là sự kiện chính trị quan trọng. Cuộc bầu cử được tổ chức ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công rất tốt đẹp; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...
Cùng với thành công đại hội Đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
Là đại biểu đầu tiên phát biểu tại tọa đàm, PGS,TS Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng, nói đến bầu cử phải nói đến nhà nước, tổ chức thật tốt kết quả bầu cử thì chúng ta mới có nhà nước pháp quyền. Bầu cử là hình thức giám sát tốt nhất, cao nhất của nhân dân, chỉ có thông qua bầu cử, người dân mới thể hiện được địa vị làm chủ của mình, thực hiện được quyền chọn ra người thay mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia.
Theo PGS,TS Lê Minh Thông, chỉ có qua bầu cử thì người được bầu mới trở nên tự tin hơn, vì thấy mình có “sức mạnh” thực sự; nếu bầu cử càng tốt, càng minh bạch thì tính chính đáng càng cao và sẽ được nhân dân tin tưởng hơn. Do đó cần tuyên truyền làm sao để người dân thực hiện việc bầu cử tốt nhất, thể hiện được sức mạnh niềm tin của cử tri; tỷ lệ bầu càng cao thì người được bầu càng tự tin vì đằng sau họ là nhân dân, vì được nhiều người tin tưởng giao phó và từ đó càng có trách nhiệm hơn với xã hội, với nhân dân.
PGS,TS Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm.
Cuộc bầu cử được tổ chức để người dân thực hiện quyền của mình, qua đó phát huy trách nhiệm của nhân dân, tăng tính dân chủ, đoàn kết, tăng sự đồng thuận xã hội, tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền, theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận của xã hội; qua đó bầu ra được những người đủ “tầm” nhất, để nhân dân vững tin hơn trong quá trình chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế.
Nêu ý kiến tại tọa đàm, Thượng tá Bùi Thị Lan Phương, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội cho rằng cần phát huy vai trò trách nhiệm của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Quân đội trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo Thượng tá Bùi Thị Lan Phương, kết quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp trong các nhiệm kỳ qua đã khẳng định những đóng góp quan trọng và vai trò, trách nhiệm, năng lực của các nữ đại biểu. Mặc dù các đại biểu nữ xuất hiện với tỷ lệ chưa thực sự cao nhưng qua thực tiễn tham gia công tác, các nữ đại biểu được đánh giá là không thua kém các đồng nghiệp nam về kiến thức, kinh nghiệm, thái độ, bản lĩnh và sự nhiệt huyết. Nhiều gương mặt nữ đại biểu dân cử tiêu biểu, thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cử tri. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có một nữ Chủ tịch Quốc hội, lần đầu tiên có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị; điều này cũng khẳng định phụ nữ có thể tham gia và có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực chính trị.
Thượng tá Bùi Thị Lan Phương, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội.
Thượng tá Bùi Thị Lan Phương chia sẻ, với số lượng đông đảo, tham gia trên nhiều lĩnh vực công tác, trên mọi miền của Tổ quốc, Phụ nữ Quân đội được đánh giá là đội quân tinh nhuệ, có tính kỷ luật cao, có mặt bằng khá đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ văn hóa, xã hội. Phụ nữ Quân đội được xác định là lực lượng cần thiết và không thể thiếu trong thực hiện các nhiệm vụ Quân sự, quốc phòng, trong việc góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến nay, toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ trong quân đội đã sẵn sàng tham gia bầu cử với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. “Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ từ phía các anh, hãy bỏ phiếu cho các nữ đại biểu đủ điều kiện tham gia ứng cử, để phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ quân đội nói riêng được đóng góp nhiều nhất, trên mọi cương vị cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN công bằng, dân chủ, văn minh” - Thượng tá Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, thành viên Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền của Hội đồng bầu cử Quốc gia phát biểu tại tọa đàm nhất trí cao với chủ đề của buổi tọa đàm. Đồng chí đánh giá, chủ đề này không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi hẹp mà mang tầm quốc gia; thấy được vai trò, trách nhiệm, niềm vinh dự tự hào của ĐBQH, những người sẽ thay mặt nhân dân tham gia bộ máy chính quyền.
Đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, thành viên Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền của Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng tự hào nhắc lại những kỷ niệm là đại biểu trong 2 nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, được các cử tri, cán bộ, chiến sĩ theo dõi, động viên, ủng hộ, tạo sức mạnh cho đại biểu; qua đó thấy được niềm vinh dự, trách nhiệm tự hào, xác định trách nhiệm lớn hơn đối với nhân dân, “là người đại biểu của nhân dân tại Quốc hội thì phải tích cực phát biểu, nêu lên những nguyện vọng, phản ánh của nhân dân”…
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, thành viên Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền của Hội đồng bầu cử Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.
Đại biểu Lê Như Tiến cũng thông tin, thời gian qua, trong quá trình đi giám sát tuyên truyền bầu cử thì thấy nhiều địa phương đã có các chương trình tập huấn riêng cho phụ nữ, thanh niên, cho cử tri về kỳ bầu cử lần này. Việc tuyên truyền về các ứng cử viên bình đẳng như nhau, không phân biệt các giai tầng xã hội… Theo đại biểu Lê Như Tiến, các ứng cử viên khi thực hiện chương trình hành động, tiếp xúc cử tri phải nắm được, hiểu được về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa bàn nơi mình ứng cử, qua đó mới có thể thực hiện, hoàn thành tốt nhất chương trình hành động của mình; “để không chỉ là chương trình hành động suông mà là thiết thực, có sức hút, được cử tri quan tâm, lưu ý, bầu mình vào HĐND các cấp và Quốc hội đúng và chính xác”-Đại biểu Lê Như Tiến lưu ý.
Là phóng viên từng theo dõi phản ánh hoạt động của Quốc hội gần 3 năm và thường xuyên viết bài cho chuyên mục Làm thất bại Chiến lược Diễn biến hòa bình trên Báo Quân đội nhân dân, Trung tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Bạn đọc-Cộng tác viên của Báo QĐND có thời gian tìm hiểu những thủ đoạn này. Chia sẻ một số thông tin tại cuộc tọa đàm, Trung tá Nguyễn Văn Minh cho biết, kỳ bầu cử năm nay, lợi dụng internet và mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều thủ đoạn xuyên tạc, kích động, gây rối, chống phá bầu cử một cách tinh vi. Những âm mưu đen tối này cần được nhận diện và kiên quyết đấu tranh, đưa ra ánh sáng.
Trung tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Bạn đọc-Cộng tác viên của Báo QĐND.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Minh, để đấu tranh làm thất bại các chiêu trò phá hoại bầu cử cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử, với một số nội dung: Tuyên truyền về những điểm mới, những nét tiến bộ trong công tác bầu cử; tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể hơn để người dân hiểu biết về Quốc hội vai trò đại biểu Quốc hội, văn hóa nghị trường; xử lý nghiêm các trang mạng thông tin xuyên tạc, phá hoại bầu cử; vâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên phản ảnh về Quốc hội. “Những người làm công tác này phải có kiến thức về chính trị, pháp luật, phải có kinh nghiệm và am hiểu về hoạt động của Quốc hội”, Trung tá Nguyễn Văn Minh nêu ý kiến.
Bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ, là tình cảm và trách nhiệm của cử tri
Tại buổi tọa đàm, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam, người đã tham gia 13 cuộc bầu cử Quốc hội trước đây đã kể lại cảm xúc, tình cảm của mình về những lần đi bầu cử. Đó là những kỷ niệm, ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Mỗi lần đi bầu cử đều có kỷ niệm riêng nhưng sâu sắc và ấn tượng nhất với ông vẫn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa 1 (ngày 6-1-1946) và bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa VI (ngày 25-4-1976), bầu cử thống nhất Tổ quốc.
Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ, tại cuộc bầu cử Quốc hội Khóa 1, khi được cầm lá phiếu trên tay đã có một cảm giác lâng lâng, thấy mình được hít thở không khí của tự do, từ hôm nay mình là công dân của nước Việt Nam độc lập, được cầm “Lá phiếu của tự do” đi bầu cho Bác Hồ và ai cũng muốn trong lá phiếu của mình có tên của Bác. Ông cũng kể lại những kỷ niệm trong quá trình tham gia tuyên truyền và bảo vệ công tác bầu cử vì khi đó cũng có một số đối tượng có những hình thức chống đối, gây hấn, tuyên truyền phản động đối với cuộc bầu cử sắp tới và cũng đã có những đồng đội của ông phải đổ máu, hy sinh…
Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ kỷ niệm tại buổi tọa đàm về lần đầu tiên đi bầu cử.
Là một cử tri trẻ, tại cuộc bầu cử sắp tới sẽ lần đầu tiên được thực hiện trách nhiệm chính trị cao cả này, sinh viên Trần Thị Thúy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham dự buổi tọa đàm cũng tâm sự: Cầm lá phiếu trên tay, chắc hẳn mỗi người trẻ đều có những cảm xúc đặc biệt khi bản thân mình được lựa chọn, ghi vào lá phiếu bầu những người mà mình tin tưởng, có đủ “Tâm, tài, đức, trí” sẽ tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất. Đây là niềm vinh dự, là quyền làm chủ thực sự của người dân nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.
Sinh viên Trần Thị Thúy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham dự buổi tọa đàm.
Theo sinh viên Trần Thị Thúy, mỗi lá phiếu của tuổi trẻ sẽ góp phần quan trọng việc quyết định chất lượng của việc bầu cử, lựa chọn người xứng đáng là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND hay không. “Vì vậy, các bạn sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội là chủ nhân quyền lực chính trị của mình. Nên trực tiếp đi bầu cử để không trao niềm tin sai chỗ”, Trần Thị Thúy nói.
Đại diện cho lực lượng Thanh niên Quân đội, Trung tá Trần Viết Năng, Phó trưởng Ban TNQĐ khi tham gia phát biểu tại tọa đàm nêu lên những nội dung về công tác bầu cử mà Ban TNQĐ đã triển khai và qua đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ Quân đội đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo Trung tá Trần Viết Năng, trong quân đội, thanh niên là lực lượng chủ yếu, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của quân đội, chiếm khoảng 75% quân số toàn quân, mặc dù số lượng cử tri là thanh niên quân đội chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số cử tri cả nước, nhưng đại đa số là cử tri lần đầu được thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân cầm lá phiếu đi bầu cử. Mặt khác, họ cũng chính là những chiến sĩ xung kích trong đội quân công tác tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bầu cử, vì vậy dù không phải là lực lượng quyết định nhưng cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cuộc bầu cử nếu như không được tuyên truyền, giáo dục, định hướng sâu sát.
Trung tá Trần Viết Năng, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội phát biểu.
Thực hiện công tác chuẩn bị cho bầu cử lần này, Ban Thanh niên Quân đội đã quán triệt đầy đủ, sâu sắc các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, QUTW, Bộ Quốc phòng, TCCT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tập trung vào các nội dung tuyên truyền về bầu cử nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng cho đoàn viên, thanh niên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nhận thức đúng về vai trò trách nhiệm của người công dân khi cầm lá phiếu trên tay thực hiện quyền công dân của mình; đồng thời đã gắn công tác tuyên truyền với phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử. Tập trung tuyên truyền theo 5 giai đoạn với nhiều hình thức phong phú, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phát động các đợt thi đua, lập thành tích xuất sắc chào mừng cuộc bầu cử.
“Sắt son niềm tin với Đảng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và để tham gia tổ chức, thực hiện thành công cuộc bầu cử, tuổi trẻ toàn quân xác định phải được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong tham gia thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đồng thời phải tham gia thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử”, Trung tá Trần Viết Năng khẳng định.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác bầu cử
Nguyên là Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đồng chí Nguyễn Trọng Phúc khi phát biểu tại tọa đàm cho rằng, các cuộc bầu cử gần đây đã ngày càng thể hiện, gắn được với nhà nước pháp quyền (NNPQ). Tuy nhiên, về cuộc bầu cử sắp tới, đồng chí nêu lên hai vấn đề. Đó là, nên tập trung tuyên truyền làm sao cho nhân dân hiểu được NNPQ xã hội chủ nghĩa là như thế nào vì đây là đặc trưng của Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hai là Đảng lãnh đạo NNPQ như thế nào để nhân dân hiểu được thấu đáo, qua đó phản bác được các luận điệu sai trái, thù địch.
Đồng chí Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng tại buổi tọa đàm.
Đồng chí Nguyễn Trọng Phúc cũng đồng tình với ý kiến của PGS,TS Lê Minh Thông, thông qua bầu cử là thể hiện sự hoàn thiện của NNPQ và Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện được tư tưởng về NNPQ. Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc cũng nêu lên 6 đặc trưng của NNPQ hiện nay: tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát; pháp luật chi phối mọi quan hệ xã hội; NNPQ phải đảm bảo quyền con người và quyền công dân; xây dựng NNPQ phải tôn trọng luật pháp quốc tế; thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo đồng chí, vai trò lãnh đạo của Đảng ở đây chính là nguyên tắc của đảng lãnh đạo, cầm quyền: nắm nhà nước, chi phối nhà nước; đề ra cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng; Đảng quyết định tổ chức bộ máy của Nhà nước; giới thiệu cán bộ, Đảng viên ưu tú nắm bộ máy của mình từ Trung ương đến địa phương; giám sát, kiểm tra các hoạt động của Nhà nước.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Phúc, tại cuộc bầu cử lần này, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử được thể hiện chặt chẽ vì có thực tiễn; đã làm rõ, khẳng định mối quan hệ, vai trò của Đảng mà chúng ta đang giải quyết, đó là: Giữa cơ cấu và chất lượng (cơ cấu là tất yếu, nhưng chất lượng trong cơ cấu rất quan trọng); Dân chủ và tiêu chuẩn (để tự ứng cử hay giới thiệu) - Hiệp thương giới thiệu chính là thể hiện sự dân chủ, căn cứ vào tiêu chuẩn để giới thiệu đại biểu; Giữa quyền làm chủ của dân và phải tuân thủ pháp luật (vừa phát huy quyền làm chủ vừa phải tuân thủ); Mối quan hệ giữa dân chủ trong lựa chọn của mỗi cử tri gắn với trách nhiệm của cử tri (đi bầu là trách nhiệm, nghĩa vụ, không được đi bầu cử thay.
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Truyền tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm.
Đồng chí Lê Truyền, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, đây là lần thứ hai chúng ta bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp trong cùng một ngày, do đó cần tuyên truyền chung để người dân nắm được tổng thể, từ đó mới dễ tuyên truyền cụ thể; cần tuyên truyền để cử tri nắm chắc được các ứng cử viên, để làm sao khi đi vận động tới từng thôn xóm sẽ tạo điều kiện và có thông tin hai chiều càng nhiều càng tốt, qua đó tạo điều kiện cho ứng cử viên được trao đổi, đối thoại với cử tri.
Theo đồng chí, việc Báo QĐND tổ chức buổi tọa đàm này đã thể hiện được vai trò của báo chí rất quan trọng trong công tác tuyên truyền về bầu cử, góp phần tạo ra nhận thức và quá trình thực hiện bầu cử của nhân dân được tốt hơn. “Nếu báo chí làm tốt thì tôi tin rằng chúng ta sẽ làm tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới đây”- đồng chí Lê Truyền nói.
Tham gia buổi tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đã làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi công dân trong việc tổ chức, thực hiện cuộc bầu cử đúng pháp luật. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản chất của nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vấn đề cốt lõi để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công là phải bảo đảm cho cuộc bầu cử đúng pháp luật. Do đó, tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng với tinh thần, trách nhiệm của người quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, hãy là những cử tri mẫu mực, không những tham gia bầu cử đúng pháp luật mà còn có trách nhiệm động viên, hướng dẫn những thành viên trong gia đình mình và cử tri nơi đơn vị đóng quân tham gia bầu cử đúng pháp luật…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phát biểu.
Kết luận buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND khẳng định, các ý kiến tham luận đã làm rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện bầu cử là tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân năm 2016.
Các đại biểu trò chuyện, trao đổi bên lề buổi tọa đàm.
Tham luận của các đại biểu cũng đã nhấn mạnh về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác bầu cử; góp phần tạo sự thống nhất trong toàn Đảng; sự đồng thuận trong toàn xã hội, bảo đảm thực hiện thành công cuộc bầu cử; chủ động đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử; chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta; hiểu được tình cảm, trách nhiệm của các lực lượng thanh niên, phụ nữ Quân đội, của thế hệ trẻ, là lực lượng đông đảo dẫn đến thành công của cuộc Bầu cử.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, các đại biểu đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; việc tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các cấp, các ngành; của các lực lượng vũ trang đối với cuộc bầu cử. Để sự lãnh đạo của Đảng được hoàn thiện và có hiệu quả cao hơn, chúng ta phải đảm bảo sự lãnh đạo được hiện thực hóa; vai trò của báo chí, tuyên truyền cần đầy đủ, chính xác để người dân hiểu và thực hiện tốt.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cũng nhấn mạnh tới vai trò của Quân đội nhân dân, của lực lượng vũ trang và khẳng định đây sẽ là những người nghiêm túc, mẫu mực, tham gia trách nhiệm nhất trong cuộc bầu cử lần này, thực hiện tốt nhiệm vụ của Quân đội và góp phần vào thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.