QĐND - Đó là bức thư do Trung úy Doãn Tiến, Quân tình nguyện Việt Nam viết lúc Giao thừa Tết Mậu Dần 1988 trên đất Cam-pu-chia, để gửi cho người yêu của một người lính tình nguyện khác, với lời tha thiết: “… Mồng Hai Tết, anh sẽ xuống thăm mộ và thắp hương cho Hùng, bởi ở nơi đây, ngoài anh ra, Hùng không còn ai thân thiết nữa. Anh sẽ thay Sơn, thay gia đình làm công việc và nghĩa vụ của một người thân trong gia đình”.
 |
Trao vật kỷ niệm về liệt sĩ Hà Tiến Hùng tại gia đình nhân lễ giỗ liệt sĩ ngày 4-10 âm lịch năm 2013.
|
Chuyện xảy ra đã gần 30 năm. Tốt nghiệp Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật ô tô Khóa 5 (1984-1987), Trung úy Hà Tiến Hùng về thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chào bố mẹ, chào các em và người yêu Hoàng Thị Sơn-kỹ thuật viên xét nghiệm ở Phòng Y tế huyện, với lời hẹn sau Tết Mậu Dần (1988) sẽ thu xếp làm đám cưới. Thế nhưng, vào công tác ở Quân khu 9 vừa được 2 tháng 4 ngày, anh hy sinh và là liệt sĩ duy nhất trong 299 đồng chí cùng tốt nghiệp ra trường.
… Trưa 6-11-2013, tức 4-10-2013 âm lịch. Thị trấn Hát Lót lộng gió mùa Đông Bắc. Căn nhà của mẹ Nguyễn Thị Giang ấm dần lên khi bà con hàng xóm và bộ đội dự lễ giỗ liệt sĩ Hà Tiến Hùng-con trai của mẹ, đã tề tựu. Trước bàn thờ di ảnh liệt sĩ Hùng nghi ngút khói hương, chị Hoàng Thị Sơn trân trọng trao cho chúng tôi một bức thư được viết bằng mực màu xanh lá cây, nét chữ rắn rỏi trên nền giấy kẻ ô ly, dài hơn một nghìn từ. Chị Sơn xúc động thổ lộ: “Đây là kỷ vật đặc biệt. Nó mang tình cảm cao đẹp của những người lính đi làm nghĩa vụ quốc tế, trong đó có anh Hùng của chúng tôi”.
Đoạn đầu của bức thư thật khó quên: “Pô-chen-tông, 16-2-1988. Hoàng Sơn xa thân!… Mặc dù chúng ta chưa hề biết mặt nhau, nhưng anh cảm thấy rất là gần gũi, như có một cái gì đó ràng buộc vô hình giữa anh, Hùng, Sơn và gia đình bạn. Đêm nay là đêm 30 Tết (chính xác là đêm 29. Tháng Chạp này thiếu, không có ngày 30-PX) của người Việt Nam ở trong nước cũng như của những người con xa Tổ quốc làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn. Tết ở đây không có tiết Xuân, không có hoa đào, không có bánh chưng xanh, pháo đỏ, không có những hương vị ngày Tết mà anh được tận hưởng thời ấu thơ. Chỉ có nắng. Nóng đạt đến đỉnh cao của mùa khô Cam-pu-chia. Nhưng dù sao thì những người lính bọn anh cũng không quên được phong tục của người Việt mình; đang rộn rã chuẩn bị đón Giao thừa và những lời chúc Tết qua chiếc đài bán dẫn. Riêng anh không thể nào nhập vui được. Đọc lại thư của em, anh không cầm nổi nước mắt. Và anh cầm bút biên thư cho em…”.
Chị Sơn lặng nhìn xa xăm rồi ngậm ngùi: “Điều rất quan trọng là, qua thư này, em biết được chính xác sự hy sinh của anh Hùng. Đồng thời, nó cũng giúp em xóa đi nỗi ưu tư không biết những ngày Tết năm ấy có ai hương khói cho anh Hùng không!”.
“… Theo yêu cầu của Sơn, anh sẽ kể lại toàn bộ quãng hành trình ngắn ngủi của Hùng. Ngày 23-8-1987, anh và Hùng lên tàu vào Nam, ngày 12-9 thì tới trạm T84 thuộc Quân khu 9, đặt bên đất Cam-pu-chia. Từ đây, anh công tác ngay tại Tiểu đoàn vận tải ở Pô-chen-tông. Hùng sẽ đi Sư đoàn 4 (Kô Kông). Trước ngày Hùng đi, hai anh em tâm sự với nhau suốt đêm… Ngày 24-9, Hùng có mặt tại đơn vị, làm Trung đội trưởng Trung đội xe ô tô có 20 chiến sĩ, thuộc Tiểu đoàn vận tải của sư đoàn… Vào mùa khô, các đơn vị vận tải bắt đầu hoạt động mạnh. Đợt đầu tiên, anh và Hùng cùng tham gia chiến dịch VT-87, bảo đảm cho bộ đội Việt Nam rút quân về nước... Ngày 24-11 (4-10 âm lịch) năm 1987, Hùng tổ chức vận chuyển từ Tà Beng Rung lên Phà Muối. Khi tới đèo 200 thì bị lính Pôn Pốt phục kích. Chúng bắn 3 quả đạn B40 vào chiếc xe có Hùng và 6 sĩ quan nữa. Tất cả đã hy sinh. Lúc đó là 11 giờ 30 phút. Đơn vị đưa các thi hài về mai táng ở Tà Beng Rung. Quân tư trang của Hùng bị đạn phá, hầu như không còn gì. Chỉ còn bằng lái xe ô tô, bằng tốt nghiệp và một số ảnh; trong đó có một hình cô gái bế đứa nhỏ… Hùng đi rồi. Bỏ lại thằng bạn thân đi từ ngoài Bắc vào! Anh đánh dấu mộ Hùng…”-bức thư của Trung úy Doãn Tiến viết.
Mọi người cùng chia sẻ với chị Sơn. Như thế là ở nơi chiến trường trên đất bạn, anh Hùng có anh Doãn Tiến gần gũi, thân thiết, cũng đỡ buồn vì nỗi nhớ quê hương. Khi hy sinh, anh Hùng được anh Doãn Tiến chăm lo hương khói như người nhà. Chị Sơn và mọi người cũng tự hào về anh Hùng và những người lính Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn. “Suốt ngày hôm đó anh như thằng điên. Nhưng nhiệm vụ của người lính không cho phép dừng lại. Tiếp tục chỉ huy đơn vị hành quân trong tâm trạng xót đau. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng đơn vị của anh cũng bị sốt rét, bị địch phục kích, tổn thất xe và người. Hôm nay được quây quần bên nhau, không thể không nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống. Trong đó có thằng bạn của mình. Mồng Hai Tết, anh sẽ xuống thăm mộ và thắp hương cho Hùng, bởi ở nơi đây, ngoài anh ra, Hùng không còn ai thân thiết nữa. Anh sẽ thay Sơn, thay gia đình làm công việc và nghĩa vụ của một người thân trong gia đình…”. Cuối bức thư là bài thơ: “Hùng ở đâu” do anh Doãn Tiến viết sau ngày Trung úy Hà Tiến Hùng hy sinh: “… Đã gọi suốt những cánh rừng/ Đã gọi suốt những chiều mây/ Nhưng Hùng không thưa nữa!/ Vành vô lăng tưởng vẫn còn đâu đó!/ Tiếng gọi dội lại nơi tôi/ Nhập vào hồn tôi bao ngày rồi thổn thức!/ Hùng ở đâu? Bánh xe đầu đỉnh dốc/ Pháo hiệu báo rồi. Hùng ở nơi đâu?/ Hùng đã không đến kịp những cây cầu/ Cửa mở tung rồi nhưng Hùng không đến kịp!/ Đêm thắng trận trở về quờ tay tìm bạn/ Chúng mình nghiêng ngửa thương đau.../ Đêm ấy tôi đã đi vào rừng sâu/ Gió nhiều quá, những vì sao đương thức/ Người và xe một màu bụi đất/ Tôi gọi Hùng kiên nhẫn dưới trời đau!.../ Biết chẳng thể tìm Hùng nữa đâu/ Sao lạ quá, chúng mình luôn vẫn gọi/ Như không thể, không thể nào cản nổi/ Trời xanh kia vắng tín hiệu của Hùng…”. Ký tên: DOÃN TIẾN.
Từ lá thư viết trong đêm trừ tịch nói trên và sự móc nối thông tin, Ban liên lạc Khóa 5-Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật ô tô (1984-1987) đã tổ chức thành công việc tìm và đưa hài cốt của liệt sĩ Hà Tiến Hùng-người chiến sĩ “Ngã vào lòng đất vẫn con trai” bên nước bạn Cam-pu-chia, về an nghỉ trên quê mẹ…
Lễ giỗ đã thành. Trên ban thờ, đôi mắt của liệt sĩ Hà Tiến Hùng như đang nhìn mọi người với biết bao điều nhắn gửi. Chị Sơn xúc động, nói: “Anh Hùng ơi! Từ hôm nay, mọi người đã biết thêm về anh và những người lính tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Cam-pu-chia, qua bức thư anh Doãn Tiến gửi về quê mình từ mùa xuân năm ấy. Điều đó cũng rất cần thiết phải không anh!”.
Ngoài trời, nắng vàng lung linh chiếu nghiêng nghiêng sườn dốc. Những chùm hoa hai bên lối ngõ lên nhà mẹ Giang rực rỡ sắc hương.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG