Để hiểu được ý nghĩa lớn đó, đầu tiên chúng ta phải hiểu dịch vụ roaming là gì? “Roam” trong tiếng Anh là sự đi lang thang. Trong viễn thông, dịch vụ roaming quốc tế là dịch vụ chuyển vùng, cho phép một người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có thể “dùng nhờ” sóng của nhà mạng ở nước ngoài khi người đó sang quốc gia ấy. Nhà cung cấp dịch vụ di động tính thêm phí chuyển vùng dữ liệu cho người sử dụng đó. Người Việt Nam ta thường có câu: “Đất có thổ công, sông có hà bá” để chỉ mỗi không gian sẽ có một chủ nhân riêng. Và chủ nhân ấy có quyền đưa ra quy tắc, luật lệ trên không gian ấy.
Bởi thế, chi phí dịch vụ roaming quốc tế thường rất cao và không giống nhau có những nước lên tới hơn 100.000 đồng/phút gọi và nghe cũng mất hàng chục nghìn đồng/phút, thậm chí trước đây nhận tin nhắn cũng mất tiền. Đã có không ít “thảm họa” về giá cước roaming, sau những chuyến đi công tác nước ngoài, chi phí điện thoại có thể lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí nhiều hơn nếu thiếu biện pháp kiểm soát dung lượng cuộc gọi và sử dụng internet. Vì thế, việc hạ giá cước roaming, để tiến tới bỏ cước roaming, luôn là điều mà người dân toàn cầu mong đợi. Thực hiện bỏ cước roaming chính là một biểu hiện rõ ràng của tư duy toàn cầu hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, để con người trên khắp thế giới trở nên gần nhau hơn. Nhưng đó là điều không dễ thực hiện bởi lợi ích của từng quốc gia nhưng trực tiếp là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.
Các nhân viên bán hàng của Unitel (thương hiệu Viettel tại Lào) giới thiệu dịch vụ cho người dân một tỉnh miền núi của Lào. Ảnh: QUỲNH MAI
Tháo gỡ rào cản về phí chuyển vùng trong viễn thông là vấn đề được đặt ra từ khá lâu và đã được các nước ASEAN bàn thảo rất nghiêm túc. Năm 2013, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) các nước ASEAN đã thảo luận về vấn đề này. Chính sách này có thể mở rộng áp dụng cho các dịch vụ kết nối khác trong khu vực. Lúc đó, Bộ trưởng CNTT&TT In-đô-nê-xi-a Ti-pha-tun Xem-bi-rinh (Tifatul Sembiring) thể hiện hy vọng rất lớn, khi nói rằng, mục tiêu là công dân ASEAN không cần phải trả phí chuyển vùng khi thực hiện cuộc gọi trong phạm vi các nước ASEAN. Chính sách nói trên sẽ làm lợi cho kinh tế ASEAN vì giảm chi phí liên lạc.
Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, đại diện nhà mạng StarHub (Xin-ga-po) gàn ngay rằng: Còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của đề nghị này và chưa có tiền lệ về việc miễn phí cước chuyển vùng trên thế giới! Đồng tình với quan điểm của đại diện StarHub, Mắc-cớt Xtây-grô-vơ (Markus Steingrover)-Giám đốc hãng nghiên cứu Detecon châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ, mục tiêu như vậy là “quá tham vọng”, ngay cả những nước châu Âu cũng chưa đưa ra yêu cầu nào như vậy.
Ni-côn Mắc Co-mích (Nicole McCormick), một nhà phân tích cao cấp tại hãng nghiên cứu Ovum thì quả quyết rằng, dù lý thuyết khu vực ASEAN tính chuyện miễn cước roaming đáng hoan nghênh, nhưng thực tế có lẽ phải mất nhiều năm mới có thể hiện thực hóa. Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân đã nhiều năm thảo luận về vấn đề tương tự, song tới giờ vẫn chưa thành công.
Châu Âu là một trong những châu lục mà giá cước viễn thông rất đắt đỏ. Về mặt chính trị cho tới kinh tế, châu Âu đã cố gắng xây dựng cả châu lục thành một ngôi nhà chung. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ thị thực để người dân có thể tự do di chuyển từ nước này sang nước khác như trong một quốc gia. Tuy nhiên, riêng về cước viễn thông thì giữa các quốc gia châu Âu hiện vẫn còn những bức tường vững chắc. Với người dân của “lục địa già”, cước roaming là một trở ngại khiến nhiều người lo lắng nhất mỗi khi sang các nước láng giềng. Khi ra khỏi biên giới thì cuộc gọi sẽ bị tính cước roaming quốc tế với mức 2USD/phút và cước roaming data thì đắt hơn 500 lần cước data ở Việt Nam. Và đây cũng chính là một lực cản cho kinh tế châu Âu, bởi mật độ di chuyển thường xuyên của người dân thuộc các nước trong khối là rất lớn. Để xóa bỏ điều này, từ năm 2013, EU đã muốn thực thi chính sách viễn thông nhằm đạt được mục tiêu hạ thấp mức cước chuyển vùng khu vực, ngang bằng phí chuyển vùng nội địa. Theo tính toán của các nhà kinh tế thì về lâu dài, các nhà mạng sẽ hưởng lợi với chính sách hủy bỏ phí roaming, vì người tiêu dùng sẽ sử dụng điện thoại nhiều hơn khi ở nước ngoài, đặc biệt là truy cập internet, điều này cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế và các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, những nỗ lực cải tổ để tạo ra một vùng duy nhất trong toàn châu Âu vẫn chỉ là ước muốn. Theo tính toán, việc chấm dứt các loại phí roaming sẽ khiến doanh thu các nhà mạng sụt giảm ngay 2%, khiến nhiều nước chần chừ. Thông tin cho đến thời điểm này, EU mới dừng lại ở mức tiến hành bỏ phiếu thông qua bỏ cước roaming từ sau tháng 6-2017. Tuy nhiên, ngay cả mốc thời gian này cũng chưa chắc chắn. Bởi đến nay, EU vẫn chưa thống nhất về mức trần giá bán buôn giữa các nhà mạng để cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp-người dân.
Nói thế để thấy tính cách mạng của đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen và Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít (Thongloun Sisoulith) khi nghe đề xuất này đã rất hoan nghênh. Khác với các trường hợp nêu trên, cần một thời gian dài bàn thảo nhưng chưa có kết quả. Đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc bỏ cước roaming giữa ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia đã được thực thi ngay từ ngày 1-1-2017. Viettel, Metfone (thương hiệu Viettel tại Cam-pu-chia) và Unitel (thương hiệu Viettel tại Lào) đã cùng nhau hiện thực hóa đề xuất ấy. Người dùng di động của ba nhà mạng trên đã được thực hiện chính sách giá cước một quốc gia, gọi điện cho nhau như là gọi trong nước, thực hiện cuộc gọi và sử dụng internet khi ở hai nước còn lại cũng như ở trong nước. Giá cước thoại chỉ còn 2.000 đồng/phút, nhắn tin còn 500 đồng/tin, nhận cuộc gọi không mất phí. Đáng chú ý, đây cũng là ba mạng viễn thông đứng đầu ba quốc gia về số lượng người dùng và vùng phủ sóng.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nhìn nhận rằng, cái được lớn nhất của chính sách bỏ cước roaming sẽ thắt chặt hơn tình cảm láng giềng, đoàn kết, thân thiện, gần gũi như anh em trong một nhà và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa ba nước. Theo tính toán trước mắt, Viettel sẽ phải hy sinh lợi ích doanh nghiệp mỗi năm lên tới hàng triệu USD để thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, cái được thu lại thì chưa thể hình dung hết, vì lượng người dùng có thể sẽ tăng vọt do giá cước rẻ và doanh thu sẽ tăng theo.
“Người ta nghĩ viễn thông là đắt đỏ, chi phí cao, điện thoại thông minh chỉ dành cho người giàu, nhưng Viettel lại nghĩ viễn thông là giá rẻ cho mọi người, trong đó có người nghèo. Người ta nghĩ viễn thông chỉ ở thành phố, với mật độ người dùng lớn, nhưng Viettel lại nghĩ viễn thông là ở khắp nơi, cả ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. Đó là triết lý của Viettel.
Tư duy của Viettel về viễn thông là tư duy “thế giới phẳng”, không hề có rào cản nào. Cũng chính tư duy ấy mà Viettel đã tạo ra một cuộc cách mạng về giá cước và hạ tầng viễn thông tại thị trường Việt Nam trước đây và thị trường các nước mà Viettel đang đầu tư. Còn nhớ, tại thị trường Việt Nam vào năm 2000, việc sử dụng điện thoại di động là điều xa xỉ. Mức cước đã đắt lại tính tiền theo từng phút rất bất hợp lý cho người dùng. Không những thế, không gian viễn thông Việt Nam lúc ấy được chia thành 8 vùng, với giá cước vùng 1 rẻ nhất là 3.500 đồng/phút, vùng đắt nhất lên tới 7.500 đồng/phút. Từ khi có sự xuất hiện của Viettel, giá cước nhanh chóng hạ xuống còn rất rẻ. Người sử dụng dịch vụ được tính tiền một cách sòng phẳng theo từng giây, cả nước Việt Nam chỉ có một mức giá duy nhất.
Tôi không thể quên cuối năm 2009, một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phát biểu trong một hội nghị rằng, đồng chí rất xúc động vì đến một huyện nghèo và nhìn thấy một chú bé đang ngồi trên lưng trâu nghe điện thoại. Đó là bước tiến thần kỳ của ngành viễn thông Việt Nam. Và điều thần kỳ ấy đã góp phần phát triển kinh tế đất nước, giúp nhiều vùng miền của Tổ quốc thoát nghèo.
Khi thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài, Viettel cũng đã mang triết lý “thế giới phẳng” ấy đến các nước nghèo. Tại những nước đó, trước khi Viettel tới, dịch vụ viễn thông nói chung và điện thoại di động nói riêng là xa xỉ, người nghèo không bao giờ dám mơ sẽ được sử dụng. Tôi đã tới Mô-dăm-bích, một quốc gia nghèo của châu Phi. Trước khi Viettel đầu tư vào thì hạ tầng viễn thông tại Mô-dăm-bích chỉ tập trung ở thành phố. Tại làng Mun-đô, tỉnh Dăm-be-ri-a không hề có một chiếc điện thoại nào. Ông Ray-mu-đô Quê-bô, một người dân trong làng cho biết, cả đời ông chỉ quanh quẩn ở làng, gần như chẳng đi đâu. Ông có người anh sống tại thủ đô Ma-pu-tô, thỉnh thoảng muốn hỏi thăm, nhưng nơi có điện thoại để gọi lại cách nhà ông đến hàng chục cây số. “Hôm qua thì tôi nhận được tin là anh ấy đã qua đời từ vài tháng trước. Thế mà tôi không hề biết gì cả”, ông R.Quê-bô đau đớn nói.
Với triết lý và cách làm của mình, Viettel đã xóa dần những nỗi đau cách trở thông tin ấy. Người Viettel luôn nghĩ rằng, thông tin là dành cho mọi người và thông tin chính là một điều kiện tiên quyết để con người có thể vượt lên, xóa đói nghèo, phát triển kinh tế.
Khi cả thế giới đang say mê đọc cuốn sách “Thế giới phẳng: Lịch sử vắn tắt thế kỷ XXI” của Tôm Phri-đờ-men (Tom Friedman) và đã nghĩ đến những viễn cảnh thế giới đại đồng, tất cả trong một nhà, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế, thì bất ngờ lại xuất hiện cuốn “Thế giới cong” của Đây-vít M.Xích (David M.Sick). Nội dung của cuốn này toát lên một ý rằng thế giới không đơn giản như Tôm Phri-đờ-men tưởng. Thế giới “phẳng” hay “cong” còn phụ thuộc rất lớn vào ý muốn của con người, phụ thuộc vào lợi ích của con người. Nếu con người biết chia sẻ lợi ích, các quốc gia biết chia sẻ lợi ích cùng hành động vì mục tiêu chung thì thế giới sẽ ngày càng “phẳng” hơn. Còn nếu các lợi ích vị kỷ vẫn chi phối con người, chi phối chính sách quốc gia thì thế giới sẽ luôn cong, sẽ luôn bị bẻ cong, luôn có các góc khuất bất hợp lý, bất bình đẳng.
Ngành viễn thông là một ngành công nghệ cao. Sự phát triển của công nghệ có thể khiến đời sống thông tin của con người trở nên phong phú hơn, kết nối con người tốt hơn. Đây là ngành có thể tiên phong trong thực hiện thế giới phẳng. Nhưng có thực hiện được việc đó hay không thì còn phụ thuộc vào việc những người trong cuộc có hành động vì mục tiêu chung hay không.
Vì thế, việc thực hiện bỏ cước roaming giữa ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia sẽ là một minh chứng sống động, thuyết phục về thế giới đại đồng, thế giới phẳng. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về mặt công nghệ, Viettel hoàn toàn có thể biến tất cả các mạng của mình tại 10 quốc gia Viettel đang đầu tư, kinh doanh chỉ như một mạng, không tính cước roaming. Cách nghĩ, cách làm của người Viettel, của người Việt Nam trong ngành viễn thông có thể sẽ tác động lan tỏa khắp thế giới.
HỒ QUANG PHƯƠNG