QĐND - Nhân ngày nghỉ đẹp trời, tôi đưa con trai vừa "tốt nghiệp lớp một" đến tham quan triển lãm "Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam” đang trưng bày tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy-Hà Nội). Thú thực là khi đưa con đến đây tôi cũng chỉ mong muốn có được nhiều thêm những giây phút bên nhau giữa hai cha con, nhưng không ngờ cháu làm tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cháu biết nhiều về Bác Hồ hơn tôi tưởng. Ví như lúc cháu chỉ vào tấm bản đồ có vẽ những điểm mà Bác đã đi qua rồi giải thích rằng: Bác Hồ đi qua những đất nước này bằng tàu thủy; hay Bác Hồ thời trẻ bị giặc bắt... Tôi hỏi: "Làm sao con biết được những điều đó?". Cu cậu hồn nhiên: "Con học ở trường, thầy cô dạy mà!".

Con tôi dừng lại rất lâu, xem rất chăm chú những bức tranh biếm họa mà Người vẽ khi còn làm việc tại Báo Le Paria (Người cùng khổ) rồi nói rất ra dáng “ông cụ non”: "Vậy ra đây là tranh của Bác Hồ vẽ hả bố?". Tôi tự hào nói: “Đúng vậy! Con thấy Bác Hồ vẽ có đẹp không?”. “Đẹp ạ, nhưng con không hiểu!”. “Con không hiểu ở chỗ nào?”. “Ở những chữ ghi trên bức tranh ấy”. Con tôi đưa tay chỉ những dòng chữ viết bằng tiếng Pháp trong tranh. Ái chà, đây quả là một vấn đề khó với tôi. Tôi vội giải thích rằng đấy là Bác ghi bằng tiếng Pháp, mà tiếng Pháp thì bố cũng không biết. Con tôi nói đầy vẻ... thông thái: “Bố lấy điện thoại ra xem đi”. Đây quả là “thế bí” vì thường ngày tôi hay tra từ điển trên điện thoại. Tôi lúng túng một hồi rồi cũng tìm ra phương pháp xử trí.

Tranh biếm họa và thư trao đổi của Nguyễn Ái Quốc tại triển lãm "Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam".

Tôi vờ xem điện thoại rồi chỉ vào bức tranh giải thích: “Đây nhé, đây là “ông thực dân”, ông thực dân là người đi xâm chiếm nước khác. Ông biến người nước khác thành nô lệ, trong đó có những người Việt Nam ta. Và bức tranh Bác Hồ vẽ là chế nhạo “ông thực dân” to béo ngồi trên xe kéo này đang bắt nạt một người dân Việt Nam gầy gò, khốn khổ”. Con tôi gật đầu ra vẻ đồng ý. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Và ngay lúc đó tôi chợt nhận ra rằng, đâu cần phải biết chữ mới hiểu tranh châm biếm của Bác. Thông điệp giản dị, dễ hiểu; nét vẽ tháu, mộc và đều lột tả hết thần thái nhân vật. Vậy là bằng cách diễn tả lại tranh, tôi đã “đọc” hết chú thích trong từng bức tranh biếm họa Bác vẽ.

Có câu chuyện của cụ Vũ Đình Huỳnh kể trong cuốn sách Bác Hồ một tình yêu bao la (NXB Kim Đồng-2010): Trong dịp hội nghị Phông-ten-lơ-blô ở Pháp, Bác đã đến thăm người bạn cũ là họa sĩ Pi-cát-xô. Hai người trò chuyện, vẽ tranh, khi chia tay, Pi-cát-xô nhận xét tranh của Bác, những bức biếm họa vẽ trên tờ Le Paria, rằng:  “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Họa sĩ nói thêm: “Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ.”

Hôm nay, tôi thực sự ấn tượng khi được xem những bức tranh của Người.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG