(Tiếp theo và hết)

QĐND - Với nhiều “thủ pháp” và “cẩm nang” tài tình, các chiến sĩ biệt động đã qua mắt lực lượng tuần tra và hàng chục bốt đồn địch giữa thanh thiên bạch nhật để vận chuyển vũ khí vào nội đô Sài Gòn, cất giấu trong những căn hầm bí mật. Có lúc, họ thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc một cách hy hữu như chuyện thần kỳ…

Sẵn sàng hy sinh khi bị lộ

Trong quá trình vận chuyển vũ khí bằng đường bộ vào nội đô Sài Gòn, các chiến sĩ biệt động hoạt động theo nguyên tắc ngăn cách về nhân sự và nhiệm vụ. Theo đó, mỗi chiến sĩ được giao một nhiệm vụ, một công đoạn riêng biệt, phụ trách đoạn đường từ đâu đến đâu, nhận ám hiệu gì và từ ai. Nhiều chuyến hàng người giao không biết người nhận là ai, điều quan trọng là phải đúng ám hiệu và những miêu tả trước đó. Toàn bộ quá trình được tổ chức sắp xếp, tính toán vô cùng khéo léo và khoa học nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia cũng như vũ khí. Đại tá Trần Minh Sơn cho biết thêm: Mỗi chiếc xe làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào nội đô Sài Gòn đều cài sẵn một khối thuốc nổ và nụ xòe. Trong quá trình vận chuyển, nếu bị địch phát hiện, chiến sĩ biệt động sẽ giật nụ xòe, sẵn sàng hy sinh để bảo đảm bí mật.

Vũ khí được cất giấu tại căn hầm bí mật nhà ông Năm Lai.

Anh em ông Chín Ten và giao liên Hai Phiên, Ngọc Huệ đã nhiều lần chở vũ khí bằng xe bò ra Quốc lộ 22, giao cho cơ sở của ta vận chuyển vào Sài Gòn. Một trong số những người thường xuyên nhận những chuyến hàng đặc biệt trên chính là chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Ba (bí danh Ba Bảo). Chiến sĩ biệt động Trần Nhương, cùng đơn vị và là cháu của ông Ba Bảo kể lại: Sau khi được tuyển chọn vào Đội 159, chú Ba Bảo được tổ chức giao tiền mua chiếc xe tải hiệu Peugeot 203 dùng để chở hàng hóa từ ngoại thành vào nội đô. Sau đó, được cấp trên giao nhiệm vụ bằng mọi cách phải vận chuyển được vũ khí từ ngoại thành vào Sài Gòn, phục vụ cho các trận đánh và kế hoạch lớn.

Trong thời gian ngắn, ông Ba Bảo nhanh chóng thông thuộc địa bàn, đường đi, mối lái và đặc biệt là các trạm gác, lính kiểm soát từ Tây Ninh, qua Củ Chi về Sài Gòn. Tuyến đường này là trục giao thông quan trọng giữa các căn cứ bàn đạp của ta là Củ Chi với chiến trường Sài Gòn nên địch thường xuyên kiểm tra gắt gao. Dọc tuyến đường, có hàng chục trạm kiểm soát, trong đó, trạm Hồng Châu là khét tiếng nhất. Bình thường, mỗi trạm chỉ có 10 đến 20 tên cảnh sát nhưng riêng trạm Hồng Châu thường xuyên có hơn 30 tên. Đây là trạm quan trọng bởi chỉ cần qua trạm này là có thể rẽ trái đi xa lộ Đại Hàn, rồi đi các quận: Bình Triệu, Thủ Đức, Gò Vấp hoặc đi thẳng thì về nội đô Sài Gòn.

Một chiều cuối năm 1967, như bao lần khác, ông Ba Bảo đánh xe lên Thái Mỹ (Củ Chi) để nhận hàng. Sau khi nhận hàng gồm chiếc tủ thờ và mấy thanh gỗ từ hai ông già Chín Ten và Năm Đây. Ông xếp gọn gàng sau thùng xe và nổ máy chạy thẳng về Sài Gòn. Qua đoạn đường xóc, bỗng dưng xe nhảy chồm lên, một khúc gỗ rớt xuống. Ông Ba Bảo dừng xe thì thấy một khúc gỗ nứt toác, để lộ trái đạn cối 82. Ông vội vàng kiếm dây buộc lại khúc gỗ và bỏ lên ca-bin. Đi một đoạn, đột nhiên một tốp lính ngụy chạy ra chặn xe, xin đi nhờ. Tên chỉ huy mang hàm trung sĩ ngồi trên ca-bin, chân hắn gác lên tấm gỗ, trong khi những tên còn lại ngồi sau thùng xe. Ba Bảo lo lắng khúc gỗ dưới chân hắn có thể làm lộ trái đạn nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh. Cũng may, hắn mải quan sát đường nên không để ý khúc gỗ, được chằng buộc khác thường.

Đến cây xăng ở Suối Cụt (giáp ranh Củ Chi và Tây Ninh), một nhóm cảnh sát bắt dừng xe, xem xét giấy tờ và định kiểm tra xe. Tên trung sĩ ngồi trong ca-bin thấy vậy, thò đầu ra nói:

- Thôi nè! Cho ông đi luôn mày.

Tụi cảnh sát và bọn lính thường không ưa nhau nên tên cảnh sát miễn cưỡng khoát tay ra hiệu cho xe đi. Vừa đi, nhóm lính trên thùng chửi xuống:

- Đ… má nó! Không chịu ra trận ở đây mà khám!

Tới Củ Chi, nhóm lính nhảy xuống. Xe đi được một đoạn, lại có tên lính ngụy khác xin đi quá giang. Cũng nhờ tên lính ngồi phía trước mà qua các trạm, trong đó có trạm Hồng Châu, một cách dễ dàng.

Lần khác, gần tới Tết Mậu Thân 1968, xe ông Ba Bảo chở vũ khí gần tới trạm Hồng Châu thì đụng ngay phải chiếc xe Vespa của một tên cảnh sát chìm. Ông muốn đền tiền cho qua nhanh nhưng tên cảnh sát nhất quyết không chịu, có lẽ hắn muốn bắt cả ông và xe về đồn. Hai người đang giằng co thì một tên cảnh sát khác phóng xe máy tới. Ông Ba Bảo nghĩ thầm: Tên này mà giở trò xét xe thì nguy hiểm. Tới nơi, hắn hỏi:

- Cái gì đấy?

Tên lái xe Vespa hằm hằm:

- Ông này đụng xe tao, móp bảng số. Tính sao mầy?

- Thì để ông ấy thường tiền cho rồi? Tên cảnh sát kia nói

- Đấy, thầy coi, tôi cũng đang xin thầy đây thường tiền. Ông Ba Bảo mừng quá đỡ lời.

- Thường 3000 đi ông. Tên lái xe Vespa càu nhàu tuyên bố. 

Thực ra, cái xe hỏng sửa chưa đến 2000 đồng nhưng lúc này không quan trọng, ông đưa tiền rồi lên xe phóng đi. Cũng nhờ vụ đụng xe, mà mấy tên cảnh sát ở trạm Hồng Châu cũng cho qua luôn bởi chúng nghĩ hai tên cảnh sát kia đã khám xét rồi.

Căn hầm bí mật của nhà thầu khoán

Ông Ba Bảo vận chuyển vũ khí tới nội đô Sài Gòn thì giao lại cho một cơ sở khác tiếp nhận, cất giấu vũ khí vào các hầm bí mật. Chiến sĩ biệt động thành Mai Hồng Quế (tức Năm Lai, bí danh Năm U.S.O.M) là người thường xuyên nhận hàng của ông. Ông Năm Lai là nhà thầu khoán lớn, được cấp thẻ tự do ra vào dinh Độc Lập và chuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều nhân vật "cỡ bự" của chính quyền Sài Gòn. Hồi đó, vũ khí chuyển về Sài Gòn bằng nhiều cách nhưng còn nhỏ giọt và tốn nhiều công sức. Với nhiều đặc quyền riêng, chiến sĩ biệt động Năm Lai được cấp trên giao nhiệm vụ thực hiện những “phi vụ làm ăn lớn”.

Hai chiến sĩ biệt động, Năm Lai (người đứng) và Ba Bảo trên ca-bin chiếc xe vận chuyển vũ khí. Ảnh tư liệu

Năm 1965, ông Năm Lai bán 2 căn biệt thự lớn dùng tiền mua một số căn nhà khác và phương tiện nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch lớn. Ông được giao nhiệm vụ xây dựng các hầm chứa vũ khí bảo đảm lâu dài và tuyệt đối bí mật. Bà Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai), vợ của ông Năm Lai kể lại: Sau khi mua được nhà địa chỉ 287/68-70-72 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), chồng tôi một mình xây dựng hệ thống hầm bí mật. Hầm có kích thước dài hơn 8m, ngang 2m, cao 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm. Miệng hầm và nắp hầm do chính ông Năm Lai tự tay lắp đặt. Để làm công việc quan trọng này, ông phải đợi đến lúc nửa đêm khi mọi người yên giấc mới bí mật tiến hành. Điểm đặt miệng hầm được chọn gần cầu thang và nắp đậy được cấu tạo bằng 6 miếng gạch dính liền có chốt vặn. Chỉ cần dùng khoen đính chốt nhấc bổng nắp lên là có khoảng trống vừa một người chui xuống.

Tháng 12-1964, nhà thầu khoán bắt đầu tiếp nhận vũ khí từ căn cứ về nội thành. Vì điều kiện ngăn cách bí mật lúc bấy giờ nên hai chiến sĩ biệt động Năm Lai và Ba Bảo không biết nhau. Điểm hẹn cho lần giao vũ khí đầu tiên trên đường Trần Quý Cáp, gần Rạp hát Nam Quang. Ông Ba Bảo ngồi đợi trên ca-bin và mở tờ báo Chính luận ra đọc. Vừa đọc báo được khoảng 10 phút thì có một người đàn ông đầu đội mũ phớt màu xám, tiến đến bên cửa xe hỏi:

- Có phải anh đang coi tờ báo Chính luận không?

- Phải, tôi đang coi tờ Chính luận.

Đúng mật khẩu và hình dáng mô tả, hai chiến sĩ biệt động bàn giao xe cho nhau. Ông Năm Lai lái xe vòng qua các phố Phan Đình Phùng, Cao Thắng để cảnh giác địch trước khi cho xe vào nhà để chuyển vũ khí xuống hầm. Chuyến xe chở vũ khí về lần đầu được thiết kế bên trong hai bộ ván ngựa rất nặng, trong chứa những quả đạn B.40, B.41, thuốc nổ TNT, C4… nhưng một mình ông vẫn đưa toàn bộ số vũ khí trên xuống hầm an toàn. Bà Đặng Thị Thiệp nhớ lại: Có những lúc hai vợ chồng phải vờ to tiếng, cãi nhau hay đập đồ đạc trong nhà để át đi tiếng động khi chuyển vũ khí xuống hầm. Thời điểm đó, nếu địch phát hiện ra 1 khẩu súng của cách mạng là chủ nhà bị xử bắn ngay. Nguy hiểm như vậy nhưng ông Năm Lai đã vận chuyển thành công gần 3 tấn vũ khí xuống hầm.

Đại tá Trần Minh Sơn nhận xét: Căn hầm quả thật là một kỳ công, sống giữa lòng địch, một mình đào hầm, xây dựng hầm, vận chuyển hàng chục tấn đất đá ra khỏi hầm mà địch không hề phát hiện. Đây là hầm được chuyển về nhiều chuyến vũ khí nhất (3 chuyến) và là hầm có số lượng vũ khí lớn nhất trong số các hầm vũ khí được xây dựng tại nội thành. Giữ kho vũ khí hàng tấn an toàn tuyệt đối trong nhiều năm để chờ thời cơ cách mạng. Có ai ở trong cảnh như thế mới thấu hiểu hết nỗi lo lắng, tinh thần trách nhiệm và một thần kinh thép của người chiến sĩ thầm lặng như anh Năm Lai đã vượt qua. Sự nguy hiểm là cả gia đình anh như chỉ mành treo chuông...

Cùng với căn hầm của ông Năm Lai, trong nội thành Sài Gòn còn có nhiều căn hầm khác chứa vũ khí, góp phần làm nên những trận đánh huyền thoại, hào hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

MINH NGUYỄN

Kỳ 1: Những chiếc ghe có phép "tàng hình"

 

Kỳ 2: Cây đại thụ và những bông hoa trên vùng đất thép