QĐND - “Mặc dù xa tổ quốc, gia đình, nhưng từ khi có bố mẹ nuôi Việt Nam, nhiều lưu học sinh Cam-pu-chia đã có thêm những mái ấm gia đình mới, từ đó tình cảm với Việt Nam được nhân lên gấp nhiều lần. Các em chính là những “mầm ươm” hữu nghị và chắc chắn sẽ trở thành những “cậy đại thụ” tương lai của tình đoàn kết Cam-pu-chia-Việt Nam”. Ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia,  đã khẳng định như vậy khi chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về phong trào nhận đỡ đầu lưu học sinh Cam-pu-chia của Hội.

Ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia.

Với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia đã và đang không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên mọi mặt, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, cấp học bổng cho học sinh Cam-pu-chia sang học đại học, sau đại học, thực tập, nghiên cứu và bồi dưỡng ngắn hạn, Việt Nam còn phát động chương trình đỡ đầu các em. “Đây là một sáng kiến có ý nghĩa lớn của Hội hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia nhân dịp hưởng ứng Năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cam-pu-chia. Thông qua các hoạt động giao lưu trong gia đình người nhận đỡ đầu, các hoạt động tìm hiểu phong tục tập quán của Việt Nam và tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của các em học sinh Cam-pu-chia, phong trào  nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Cam-pu-chia, động viên các em học sinh Cam-pu-chia phấn đấu học tập tốt, góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc”, ông Vũ Mão cho biết .

Hiện có hơn 1000 lưu học sinh Cam-pu-chia đang sinh sống và học tập tại Việt Nam, trong đó có khoảng 600 em theo học ở  các trường phía Bắc. Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia cho biết, sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực ở cả hai miền Nam, Bắc. Mặc dù số lượng đăng ký nhiều nhưng vì chương trình mới đang ở trong giai đoạn thí điểm nên thông qua Đại sứ quán Cam-pu-chia, Hội đã ngẫu nhiên chọn 49 em ở miền Bắc có hoàn cảnh khó khăn nhất. Sau khi phát động, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. 49 em  được 14 gia đình của các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia hoặc những cán bộ từng có thời gian công tác ở Cam-pu-chia và một số cán bộ Trung ương Hội nhận đỡ đầu (có gia đình nhận đỡ đầu nhiều nhất là 4 em). Các bậc cha mẹ đã đón các em về nhà giới thiệu với người thân, cùng sinh hoạt trong không khí gia đình ấm cúng, động viên giúp đỡ các em bằng những việc làm thiết thực.

Hội cũng thường xuyên tổ chức hoạt động giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà, hiểu biết thêm về lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước, trau dồi thêm tình cảm yêu mến về đất nước và con người Việt Nam. Thời gian qua, Hội đã tổ chức cho các em gặp mặt và giao lưu với cựu chuyên gia và cựu quân tình nguyện tỉnh Vĩnh Phúc, dự đón Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khơ-me tại Trường Hữu nghị 80, thăm quan và dự lễ khánh thành quần thể chùa Khơ-me tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... Tại TP Hồ Chí Minh, hằng tuần Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Trụ trì chùa Phổ Minh đồng thời là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, mời các sinh viên Cam-pu-chia đang học tập trong thành phố đến nghe giảng về đạo Phật, dùng bữa trưa cùng các phật tử tại chùa…

“Việc các gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu các lưu học sinh Cam-pu-chia không đơn thuần là giúp đỡ các cháu lúc khó khăn, mà đó là các  trái tim đón nhận nhau, gắn kết với nhau. Thông qua chương trình này, các cháu đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới, nền văn hóa mới. Có rất nhiều lưu học sinh Cam-pu-chia đang học tập tại Việt Nam, họ sẽ trở thành những đội ngũ cán bộ nòng cốt của Cam-pu-chia sau này và cũng chính là “cầu nối” góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Khi được nghe báo cáo về chương trình, Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni (Norodom Sihamoni) và Thủ tướng Hun Xen (Hun Sen) rất hoan nghênh, đánh giá cao và bày tỏ cảm kích với sáng kiến của Hội”, ông Vũ Mão chia sẻ.

Là người trực tiếp tham gia, có lẽ hơn ai hết, chính các lưu học sinh Cam-pu-chia là người cảm nhận rõ nhất về chương trình “ươm mầm hữu nghị” này. Có thể giá trị vật chất chỉ mang tính khích lệ, thế nhưng sự quan tâm, động viên của những người bố, người mẹ Việt Nam đã sưởi ấm lòng các em khi xa nhà. Câu nói “làm việc ở Việt Nam hay Cam-pu-chia em cũng đều có bố mẹ, có gia đình; Việt Nam và Cam-pu-chia bây giờ đều là nhà của em” mà bạn Thlang Xô-phan-ni, sinh viên Trường Đại học Xây dựng, từng có dịp chia sẻ với người viết bài này, đã phần nào cho thấy ý nghĩa và sức lan tỏa lớn của chương trình.

Bài và ảnh: LÂM TOÀN