QĐND - Đó là khẳng định của bà Men-Sam-On, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia về mối quan hệ láng giềng thân thiện Việt Nam - Cam-pu-chia tại chương trình gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân hai nước lần thứ III. 35 năm qua, kể từ khi đất nước được hồi sinh, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia luôn khắc ghi công lao, tình cảm và sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam - đại biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế cao đẹp.

Các đại biểu Việt Nam -Thanh niên Việt Nam - Cam-pu-chia cùng giao lưu văn nghệ.

Trong chuyến đi cùng đoàn công tác của Hội hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, tôi được chứng kiến những tình cảm tốt đẹp, sâu sắc giữa những người bạn chí tình, chí nghĩa. Từ ánh mắt, cử chỉ, nụ cười đến lời nói, việc làm… của các thành viên đều toát lên sự chân thành, thân thiết. Ngay cả Phó thủ tướng Men-Sam-On cũng rất hòa đồng, gần gũi. Bà nói tiếng Việt rất thạo và cho phép chúng tôi xưng hô cô, cháu trong quá trình trò chuyện, phỏng vấn. Bà từng tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn năm 1975. Từ đó đến nay, bà đã nhiều lần sang thăm Việt Nam. Trên cương vị Phó thủ tướng thường trực Cam-pu-chia hiện nay, bà còn đảm đương chức Chủ tịch Hội hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kiên Giang đầu tháng 8-2012, Phó thủ tướng Men-Sam-On, chia sẻ: “Đất nước Việt Nam tươi đẹp đang trỗi dậy từng ngày. Con người Việt Nam thân thiện, hiền hòa và mến khách. Tôi rất ấn tượng với những thành tựu mà Việt Nam đã giành được, trong đó có sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lớn mạnh ấy sẽ là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho đất nước chúng tôi”. Theo hồi tưởng của Phó thủ tướng, ngày bà tham gia chiến đấu trong đội hình quân giải phóng tiến về Sài Gòn, đất nước Việt Nam còn nghèo khó bởi chiến tranh tàn phá suốt mấy chục năm. Thế nhưng khi vừa hòa bình, thống nhất, thể theo nguyện vọng của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam lại tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế, vượt mọi khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt Yêng Xa-ry. Nhắc lại những kỷ niệm năm xưa, Phó thủ tướng Men-Sam-On khẳng định: “Nếu không nhờ sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, toàn diện của Việt Nam, đặc biệt là sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ tình nguyện thì đất nước Cam-pu-chia không có được như ngày hôm nay. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn, chân thành của Đảng, Nhà nước, quân đội, chuyên gia và nhân dân Việt Nam đã dành cho nhân dân Cam-pu-chia trong mọi giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ diệt chủng, tìm kiếm hòa bình, hòa hợp dân tộc và khôi phục phát triển đất nước”.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng quà lưu niệm Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Men-Sam-On.

Không chỉ trong những năm chiến tranh mà ngay cả hiện nay, tình cảm, sự giúp đỡ vô tư của Việt Nam với đất nước chùa Tháp vẫn vẹn nguyên, nồng thắm. Ông Kim Thea, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Svay-riêng kể: “Tại tỉnh Svay-riêng, nhiều bà con nhân dân rất xúc động vì những tình cảm thân thiện của nước bạn Việt Nam. Có người bị mù hai mắt, được các bác sĩ Việt Nam phẫu thuật miễn phí mang lại ánh sáng, họ đã sung sướng thốt lên: “Nhờ có Việt Nam mà tôi được nhìn thấy đất nước Cam-pu-chia, nhìn thấy cả thế giới”. Gần đây, vào đầu tháng 6-2013, Trung tâm hỗ trợ phát triển dân tộc (Hội dân tộc học Việt Nam) và Hội hỗ trợ người già, người cao tuổi TP Hồ Chí Minh đã đưa đoàn y, bác sĩ sang khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hàng ngàn người nghèo, người cao tuổi tỉnh chúng tôi… Chỉ thế thôi cũng đủ chứng tỏ mối quan hệ khăng khít và sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Việt Nam đối với các địa phương Cam-pu-chia”.

Cũng trong chuyến thăm, làm việc tại Kiên Giang, các đại biểu nước bạn đã bày tỏ tình cảm gắn bó, quý trọng đối với nhân dân Việt Nam. Ấn tượng sâu đậm nhất là hình ảnh quân tình nguyện Việt Nam đồng cam cộng khổ, tận tình giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia, chăm sóc người già, trẻ em chu đáo. Bà Khong-Sun-Eng, Phó tỉnh trưởng tỉnh Kom-pông-chàm, tâm sự: “Những người bạn chí tình Việt Nam từ lâu đã trở nên thân thiết với chúng tôi. Những năm chiến tranh, quân tình nguyện Việt Nam đã quên mình chiến đấu vì sự sống của đồng bào chúng tôi. Rất nhiều người đã ngã xuống cho đất nước Cam-pu-chia hồi sinh. Bởi vậy, bộ đội Việt Nam còn được nhân dân Cam-pu-chia gọi với cái tên rất đỗi thân thương, ngưỡng mộ: Đội quân nhà Phật. Nghĩa tình cao đẹp ấy mãi in đậm trong tâm trí thế hệ chúng tôi”.

Suốt hành trình chuyến công tác, tôi luôn đồng hành cùng anh Suôn-cham-roeun, phiên dịch viên, người từng có 7 năm học tập tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Anh thổ lộ: “Trước khi sang Việt Nam du học chúng tôi được nghe giới thiệu về truyền thống văn hóa, về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. Điều đó đã giúp tôi yên tâm, tin tưởng khi rời xa quê hương đi du học. Và quả thực, trong lúc chúng tôi đang bỡ ngỡ, các bạn sinh viên Việt Nam đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi hòa nhập với môi trường mới, nhanh chóng ổn định để học tập, công tác. Những việc làm nghĩa tình của các bạn trẻ Việt Nam xuất phát từ tình cảm hữu hảo và truyền thống yêu chuộng hòa bình đã góp phần tô thắm hình ảnh Việt Nam trong lòng nhân dân chúng tôi”. “Anh có định sang Việt Nam hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ không?” - Tôi hỏi. Anh Suôn-cham-roeun quả quyết: “Có chứ! Sau chuyến công tác này tôi sẽ đăng ký thi tuyển đầu vào. Nếu được chấp thuận thì giờ này sang năm tôi lại có mặt ở Việt Nam trên cương vị thí sinh rồi”.

Các đại biểu Việt Nam - Cam-pu-chia chụp hình lưu niệm trong chương trình gặp gỡ hữu nghị lần thứ III.

Tới thăm Khu di tích lịch sử Đoàn 125 - nơi ra đời lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia, tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302 (Quân khu 7) đóng quân tại đó đã ân cần, nồng nhiệt đón tiếp đoàn nước bạn như những người thân về dâng hương liệt sĩ. Lặng lẽ viếng thăm từng ngôi mộ, đọc tên từng liệt sĩ, bà Prak Chan-so-kha, Phó tỉnh trưởng tỉnh Preah Si-ha-nouk nói với chúng tôi: “Tại tỉnh Preah Si-ha-nouk có một khu tưởng niệm liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp tái thiết Cam-pu-chia. Những ngày lễ, Tết chúng tôi thường tới đó dâng hương tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ anh hùng ấy. Hôm nay, nhìn sự khang trang, sạch đẹp của khu tưởng niệm liệt sĩ Cam-pu-chia trên địa phận Đồng Nai chúng tôi càng thêm hiểu và biết ơn tấm lòng cao cả của các bạn Việt Nam đối với những người con ưu tú của quê hương chúng tôi”. Đồng cảm với suy nghĩ của bà Phó tỉnh trưởng Preah Si-ha-nouk, Thiếu tướng Trần Văn Hùng, Phó chính ủy Quân khu 7 nhấn mạnh: “Tục ngữ Việt Nam có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Chúng ta là những người hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Việc làm nghĩa cử này trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc chúng tôi. Liệt sĩ Cam-pu-chia cũng như liệt sĩ Việt Nam. Họ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Thế hệ hôm nay phải nhớ và tri ân họ bằng những việc làm cụ thể vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia ngày càng bền chặt”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH