QĐND - Hơn 10 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn Cam-pu-chia, cán bộ, chiến sĩ các Đội K (Đội quy tập liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ ở Cam-pu-chia) của Quân khu 9 đã gieo vào lòng người dân nơi đây lòng cảm mến vô bờ. Không chỉ bởi các anh luôn giữ trọn cái nghĩa với đồng đội năm nào, mà còn vẹn nguyên chữ tình với bà con phum, sóc trong hành trình tri ân trên đất bạn...
Buổi đầu gian khó
Nhớ lại những ngày đầu sang đây làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ phải “độc lập tác chiến”. Người dân còn e ngại, không biết bộ đội Việt Nam sang đây để làm gì. Đại tá Phạm Khắc Điệp, Đội trưởng Đội K92 (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang), kể: “Đội thường đóng quân ngoài bìa rừng, sáng đi tìm mộ liệt sĩ, chiều quay về lán trại. Công tác vận động quần chúng trong thời gian này rất gian nan, nhất là khi mình đào tìm mộ liệt sĩ, nhiều người dân còn “nghi ngờ” bộ đội Việt Nam sang đây tìm… vàng! Nên khi đi khảo sát, hầu như họ không chịu cung cấp thông tin”.
Ban đầu, ở các đội chỉ vài người biết tiếng bạn hoặc anh em chỉ học được vài câu chào hỏi xã giao, còn lại chủ yếu “nói” bằng tay. Rồi khi đã dần thông thạo tiếng bạn, các anh lại tiếp tục học phong tục, tập quán của người dân bản địa. Theo lời Đại tá Phạm Quang Trung, Đội trưởng Đội K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang), phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng bạn) đã được hình thành từ trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến thời gian làm nhiệm vụ quốc tế đánh đuổi Pôn Pốt giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, được bộ đội ta vận dụng hiệu quả và đến hôm nay, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vẫn còn mãi khắc ghi trong lòng nhân dân nước bạn. “Khi mình đi khảo sát ở các phum, sóc, thấy gia đình nào nghèo thì mình cho gạo, gặp khi người dân đang cày ruộng mình cũng xắn tay áo làm cùng. Những ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ còn tranh thủ giúp dân sửa nhà, đường giao thông nông thôn, trường học; cả đến chuyện phát rẫy, tỉa bắp, thu hoạch lúa…, anh em đều nhiệt tình giúp đỡ bà con. Vì vậy, nhân dân quý bộ đội Việt Nam lắm, có người còn cùng anh em ra tận nơi để phụ đào tìm hài cốt liệt sĩ nữa”, anh Trung nói.
 |
Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện quân dân y Đồng Tháp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân huyện Pray-sa-đach, tỉnh Prây-viêng (Cam-pu-chia). |
Còn nhớ lần ghé thăm Đội K91 (Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp) ở huyện Prây-sa-đach, tỉnh Prây-viêng, chúng tôi thật sự xúc động trước tấm lòng của các anh. Buổi sáng khi nấu cơm xong, mấy chiến sĩ lại mang sang chiếc chòi dựng tạm gần khu vực đội đóng quân. Buổi trưa, rồi đến chiều cũng vậy. Thấy chúng tôi tò mò, Thượng úy Lê Trọng Vũ, Phân đội trưởng Phân đội 1 cho hay, chiếc chòi đó là của 4 em học sinh, xin huyện đội dựng tạm lên để tiện việc đi học. Tình cờ, lúc đi làm về ngang qua, thấy các em ăn cơm, mấy anh em trong đội không kìm được nỗi cảm thương. Bữa cơm chỉ mỗi trứng vịt dầm nước mắm với mấy cọng rau dại. “Thương các em quá, chúng tôi đem chuyện ấy trình bày và chỉ huy đội đã nói ngay: Của ít lòng nhiều, mỗi bữa kêu anh em nấu dư ra một ít để giúp các em được no lòng mà đến trường. Vậy là hôm nào cũng vậy, mỗi khi nhận cơm từ tay các chiến sĩ, các em cứ rối rít cảm ơn”, anh Vũ cho biết.
Đại tá Ngô Minh Chánh, Đội trưởng Đội K90 (Cục Chính trị), bồi hồi kể: “Lần ở xã Tuaprít, huyện Kan-đal-stưng, tỉnh Kan-đal, chứng kiến bà con quá khổ, có nhiều người mặc quần áo rách bươm, hỏi ra mới biết, cơm hai bữa còn không đủ no, lấy tiền đâu mà mua quần áo mới. Vậy là mấy anh em đóng góp đi mua quần áo về tặng cho bà con và mỗi nhà 20kg gạo, 2 thùng mì tôm…”.
Cứ như vậy, hành trình đi, tìm, hỏi, sống cùng bà con, dần dần đã thấm đẫm tình thương yêu giữa bộ đội Việt Nam và nhân dân nước bạn.
Nhân lên nghĩa nặng tình sâu
Địa bàn các Đội K của Quân khu 9 hoạt động chủ yếu là vùng sâu, vùng xa và đồi núi. Đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, nhất là việc chăm sóc sức khỏe. Nơi nào cũng vậy, thấy bộ đội Việt Nam đến, bà con thấy yên cái bụng. Hôm gặp anh Nin Prây, ở ấp Daco, xã Đom-bo-krong, huyện Phomsruchrong, tỉnh Công-pông Spư đến Đội K93 xin thuốc, anh cho biết: “Cả nhà tui hay bị bệnh tiêu chảy. Mỗi lần như thế, mọi người chỉ biết xoa dầu hoặc chườm nước nóng nhưng cũng không bớt. Vậy mà mấy anh em cho lọ thuốc, uống 2 viên thôi, một lát là đỡ liền. Thế nên tui đến để xin vài hộp “thủ” trong nhà cho yên tâm”.
Được biết, hằng năm, các tỉnh biên giới thuộc Quân khu 9 đều tổ chức các đoàn y sĩ, bác sĩ sang để khám bệnh, cấp thuốc cho hàng nghìn lượt người dân nghèo nước bạn. Thượng tá Tô Văn Tám, Phó chủ nhiệm Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp, đã nhiều lần dẫn đoàn y sĩ, bác sĩ bệnh viện quân - dân y tỉnh sang đây công tác, tâm sự: “Đa số những người đến khám thường bị sốt rét hoặc các bệnh viêm nhiễm do điều kiện sinh hoạt, vệ sinh vì nguồn nước không bảo đảm. Có trường hợp bệnh rất nặng nhưng do không được khám và điều trị sớm nên bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Nhìn những cụ già phải có người dìu đi khập khiễng từng bước nặng nhọc, có chị mặt mày xanh xao, hốc hác do mắc chứng suy tim và nhất là các em nhỏ cơ thể gầy sọp đi vì bị suy nhược cơ thể khiến chúng tôi không khỏi xúc động…”.
Lần cùng Đoàn y sĩ, bác sĩ quân - dân y của tỉnh An Giang sang tỉnh Tà Keo, nơi Đội K93 đang đóng quân khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, các thành viên trong đoàn cho biết, mỗi điểm đến, số lượng người dân luôn vượt xa so với dự kiến ban đầu. Ông Coi Soc Khol (63 tuổi) vui mừng nói: “Điều kiện chăm sóc y tế ở vùng nông thôn như ở đây rất thiếu thốn, nếu bệnh chỉ hái lá thuốc nấu uống, thấy đỡ thì thôi. Nếu bệnh nặng, phải lên tận bệnh viện tỉnh điều trị. Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khá thì như thế, còn như hoàn cảnh chúng tôi thì đành chịu, vì chi phí để khám và chữa bệnh thường rất đắt. Vì thế, hay tin bác sĩ sang đây, cả đêm chúng tôi mừng không ngủ được”. Còn chị Thuơn Út phấn khởi: “Ở vùng quê thế này, đâu phải lúc nào bệnh cũng có thuốc uống. Bà con chúng tôi quý thuốc lắm, có để sẵn trong nhà là thấy yên tâm, lỡ đêm hôm cảm sốt là có ngay”.
Cảm động lắm những tình cảm của người dân Cam-pu-chia dành cho bộ đội Việt Nam. Chúng tôi nhớ mãi mùi vị của nước thốt nốt được bà con lấy trên cây từ sáng sớm đưa tận tay từng anh em giữa cái nắng oi nồng thay cho tình cảm chân thành. Cái tình, cái nghĩa của bộ đội Việt Nam với người dân Cam-pu-chia luôn chứa chan, đong đầy, sự yêu thương, cảm mến của bà con đối với các anh cũng vậy, ngọt ngào và đằm thắm biết bao! Những tình cảm thiết tha, trìu mến ấy như được nhân lên, thắt chặt, bền vững, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.
Bài và ảnh: THẾ HIỂN