QĐND Online - Trước sự tàn sát đẫm máu của bọn diệt chủng Khơ-me đỏ đối với dân tộc Campuchia, và sự xâm phạm trắng trợn lãnh thổ nước ta của tập đoàn phản động Pôn Pốt, đầu tháng 12 năm 1977, những người yêu nước chân chính ở Campuchia đã anh dũng đứng lên lãnh đạo nhân dân vùng dậy đấu tranh, lật đổ chế độ diệt chủng.

Theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước mở cuộc tiến công tiêu diệt địch, giúp  bạn phát triển lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động.

Trung đoàn 66 được tăng cường tiểu đoàn xe tăng và thiết giáp, pháo binh, phòng không, công binh và ô tô vận tải làm nhiệm vụ thọc sâu đánh thẳng vào sở chỉ huy và hậu phương quân khu miền Đông của địch.

Sau hai ngày khẩn trương làm công tác tổ chức và hiệp đồng tác chiến, đúng 4 giờ sáng ngày 21- 12- 1977, đội hình chiến đấu thọc sâu của trung đoàn sẵn sàng bước vào tiến công địch. 5 giờ 30 phút, hoả lực của sư đoàn và quân đoàn bắt đầu bắn phá các mục tiêu của địch. 6 giờ sáng, các đơn vị trong sư đoàn nổ súng tiêu diệt địch, đánh chiếm địa bàn có lợi. 7 giờ, nhận lệnh của sư đoàn, toàn bộ đội hình thọc sâu của trung đoàn bắt đầu hành tiến, tiến công tiêu diệt địch. Phát hiện thấy lực lượng ta, Sư đoàn 4 của địch tổ chức ngăn chặn rất quyết liệt trên trục đường 22, từ Plong đến ngã ba đường số 7.

Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam. Ảnh tư liệu

Trung đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng, thiết giáp, pháo binh và cao xạ nổ súng tiêu diệt địch, tiếp tục phát triển chiến đấu. Trước sức mạnh tiến công bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta, quân địch bị tiêu diệt, lực lượng còn lại bị đẩy ra xa hai bên, bộ đội ta nhanh chóng tiến lên đánh chiếm ngã ba đường 22 nối với đường 7, phát triển về phía Sở chỉ huy quân khu miền Đông của địch. Quân địch vội vã điều lực lượng phía sau ra ngăn chặn, chúng rải mìn chống tăng và bộ binh trên các trục đường. Phát hiện trên đường tiến quân có mìn, trung đoàn sử dụng hoả lực và bộ binh đánh địch, bảo vệ cho lực lượng công binh tiến lên khắc phục vật cản để phát triển tiến công. Thấy xe tăng và bộ binh ta tạm dừng, quân địch tổ chức lực lượng đánh vào hai bên sườn, nhằm ngăn chặn không cho bộ đội ta phát triển chiến đấu. Trung đoàn sử dụng hoả lực chi viện cho bộ binh và xe tăng tiêu diệt địch, đánh tan các đợt phản công của chúng, sẵn sàng tiến công.

Khi công binh khắc phục vật cản xong, bộ binh và xe tăng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch ở Bắc cao điểm 79, phía Tây Bắc Krếch. Quân địch dựa vào công sự và địa hình có lợi trên điểm cao để ngăn không cho xe tăng và bộ binh ta tiến vào. Trung đoàn đã tổ chức đợt hoả lực mạnh, bắn ngắm trực tiếp của xe tăng, pháo binh và phòng không đi cùng, chế áp ghìm đầu quân địch, chi viện cho bộ binh và xe tăng xung phong đánh chiếm Sở chỉ huy quân khu miền Đông.

Sau 30 phút tiến công, bộ binh và xe tăng ta đã tiêu diệt và đánh chiếm được sở chỉ huy của kẻ thù. Gần 10 giờ sáng, lực lượng tác chiến phía trước và lực lượng ngăn chặn của địch bị tiêu diệt, quân phản kích và sở chỉ huy của chúng cũng bị đánh tan. Lực lượng địch còn lại hoảng loạn tháo chạy về phía sau.

 Đánh chiếm được sở chỉ huy quân khu miền Đông của tập đoàn Pôn Pốt, trung đoàn đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình chiến đấu, tiếp tục thọc sâu đánh chiếm căn cứ hậu phương mặt trận miền Đông của địch ở khu vực Đầm Be. Lực lượng mạnh của địch ở phía trước nhanh chóng bị đánh tan, lực lượng phía sau chống cự yếu ớt rồi rút chạy. Bộ binh và xe tăng ta chuyển sang truy kích tiêu diệt quân thù.

11 giờ ngày 21-12-1977, bộ binh và xe tăng ta đã làm chủ toàn bộ căn cứ hậu phương của địch. Trung đoàn phát triển tiến công sang Chông Chếch, bắt liên lạc với Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia. Thấy bộ đội Việt Nam tiến sâu vào đất nước mình chỉ để tiêu diệt kẻ thù, không giết hại dân thường, đốt phá nhà cửa, cướp bóc của cải như bọn Pôn Pốt đã tuyên truyền, nhiều người dân đã trở về các phum, sóc để sinh sống, loại bỏ những sợ hãi ban đầu. Bộ đội Việt Nam còn cấp thuốc chữa chạy cho những người dân bị ốm đau, những người bị bọn Ăng Ca đánh đập. Sau thời gian ngắn, tình cảm giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam trở nên khăng khít. Họ gần gũi, bày tỏ tình cảm thân mật với bộ đội Việt Nam.

Thông qua phiên dịch, chúng tôi tuyên truyền, vạch rõ tội ác của bọn Khơ-me đỏ, khuyên người dân Campuchia nên đi theo mặt trận đoàn kết dân tộc, đứng lên đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, cứu dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng; xây dựng đất nước hoà bình, thịnh vượng, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc hơn. Bộ đội Việt Nam tiến quân sang đất Campuchia chỉ nhằm trừng phạt kẻ thù, giúp đỡ mặt trận đoàn kết dân tộc. Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Campuchia và mong muốn xây dựng biên giới hoà bình và hữu nghị.

Trong lúc tình cảm quân dân 2 nước ngày càng gắn bó, thì chúng tôi nhận được mệnh lệnh rút quân về nước. Để đảm bảo cuộc rút quân của trung đoàn được an toàn, suốt chặng đường dài hơn 30km trên đất nước bạn, mọi công tác chuẩn bị của bộ đội diễn ra rất khẩn trương, nhưng vô cùng bí mật, quyết không cho kẻ thù nhận biết tổ chức phục kích, gây tổn thất cho các đơn vị.

Chỉ huy trung đoàn họp bàn để tìm ra phương án rút quân hợp lý và an toàn nhất. Trước giờ rút quân chúng tôi sử dụng bộ binh lùng sục, truy quét, tiến công đẩy địch ra xa. Tận dụng tiếng súng nổ và trời tối, một tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng, pháo binh và cao xạ lui quân trước, chỉ huy, cùng hai tiểu đoàn bộ binh lui quân sau. Đội hình từng khối khi rút quân cách nhau từ 300 đến 500 mét. Mỗi khối tổ chức ra lực lượng đi trước, lực lượng bảo vệ hai bên sườn và lực lượng bảo vệ phía sau. Quá trình rút quân các lực lượng phải tăng cường quan sát để kịp thời phát hiện quân địch bám theo và phục kích, sẵn sàng chuyển sang tiến công tiêu diệt. Do tổ chức rút quân chặt chẽ, lại giữ được bí mật, nên toàn đơn vị trở về nước an toàn, trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo lệnh của sư đoàn, trung đoàn lại tiếp tục tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Lực lượng bộ binh chiếm lĩnh trận địa, củng cố chốt bảo vệ đường biên, các đơn vị hoả lực vào chiếm lĩnh trận địa, lực lượng cơ động vào khu vị trí ém quân sẵn sàng đánh địch bảo vệ biên giới. Chỉ huy các cấp và cơ quan tổ chức rút kinh nghiệm sau đợt tiến cộng, để bổ sung kinh nghiệm tác chiến.     

(còn nữa)

Kỳ 2: Đánh địch bảo vệ vững chắc tuyến biên giới

Kỳ 1: Tiến về biên giới quét sạch quân diệt chủng khỏi Tây Ninh

Thiếu tướng PGS TS BÙI THANH SƠN