QĐND - Tây Nguyên có 4 tỉnh: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum tiếp giáp các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, với chiều dài 420km đường biên. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên về rừng với diện tích 2,8 triệu héc-ta và tài nguyên đất đỏ bazan có diện tích 1,5 triệu héc-ta, thích hợp phát triển cây công nghiệp dài ngày và nghề rừng cho hiệu quả kinh tế cao.

Về phát triển kinh tế-xã hội, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ngành sản xuất cà phê của Tây Nguyên với diện tích 560.000ha, sản lượng 1,25 triệu tấn cà phê nhân, chiếm 90% sản lượng cà phê cả nước, mỗi năm đóng góp gần 30% GDP toàn vùng. Ngoài ra, Tây Nguyên đang sản xuất 250.000ha cao su, 25.000ha hồ tiêu, hình thành nhiều vùng chuyên canh chè, điều, ca cao, rau quả và cây ăn trái. Đây cũng chính là những thế mạnh để Tây Nguyên mở rộng đầu tư, hợp tác phát triển trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia (CLV), Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) nói chung và với các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia nói riêng.

Vườn cao su của Công ty Cao su Đắc Lắc đầu tư trồng tại Đông Bắc Cam-pu-chia.

Thực tiễn cho thấy, với vị trí địa lý cùng những điều kiện tự nhiên, xã hội khá tương đồng nên trước đây, cũng như giai đoạn hiện nay, giữa Tây Nguyên với các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia luôn có sự gắn kết, kề vai sát cánh, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đến cuối năm 2013, vùng Tây Nguyên với các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia gồm: Mun-đun-ki-ri, Rát-ta-na-ki-ri, Cra-chê và Stung Treng đã hình thành một cơ chế và duy trì được mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị trên nhiều phương diện, từ hợp tác thương mại, đầu tư, đến ổn định chính trị, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các địa phương thường xuyên cử đoàn lãnh đạo cấp tỉnh đi thăm, làm việc, dự các hội nghị, hội thảo, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về phát triển kinh tế, quản lý và bảo vệ biên giới. Hằng năm, hai bên phối hợp tổ chức các hội nghị luân phiên để đánh giá kết quả hợp tác, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tới, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ hai nước.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc với Ban Liên lạc đối ngoại Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, ngày 16-12-2013.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Tây Nguyên và các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia đã đầu tư hạ tầng và khai thông các cặp cửa khẩu: Bu Prăng (Đắc Nông)-Đăk Đam (Mun-đun-ki-ri), Đăk Peur (Đắc Nông)-Busara (Mun-đun-ki-ri); chuẩn bị đầu tư, nâng cấp cặp cửa khẩu Đăk Ruê (Đắc Lắc)-Chi Miết (Mun-đun-ki-ri) thành cửa khẩu chính. Từ năm 2008, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đường dân sinh đấu nối với tuyến đường bộ từ Gia Lai, Kon Tum đi tỉnh Rát-ta-na-ki-ri, bảo đảm thông thương thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại và trao đổi hàng hóa của nhân dân hai bên. Từ năm 2010 đến nay, tiếp tục đầu tư các tuyến đường từ cửa khẩu Đăk Peur (Đắc Nông) đi huyện Pét-chăn-đa (Mun-đun-ki-ri), xây dựng đường dây tải điện 220kV Đăk Peur-Pét-chăn-đa, xây dựng chợ biên giới Ô-gia-đao.

Trên lĩnh vực thương mại và đầu tư, ngoài các doanh nghiệp của Nhà nước như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã và đang triển khai hàng chục dự án trồng cao su tại các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, doanh nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hợp tác, ký kết đầu tư trồng mới khoảng 45.000ha cao su tại các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, đến nay, đã trồng được 27.000ha cao su, đồng thời, đã hoàn thành việc đầu tư văn phòng và trung tâm thương mại, nhà máy chế biến gỗ, sơ chế ván dăm tại vùng này. Trên tinh thần đoàn kết, gắn bó, quân và dân các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực hỗ trợ nhân dân Cam-pu-chia trong phòng, chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên tổ chức các đợt hỗ trợ lương thực, thực phẩm, khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân các tỉnh biên giới Cam-pu-chia.

Với vị trí chiến lược và là địa bàn có chung 420km đường biên, Quân khu 5 của Việt Nam và Quân khu 1 của Cam-pu-chia đều có chương trình hợp tác, bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới. Các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh Mun-đun-ki-ri, Rát-ta-na-ki-ri tổ chức định kỳ hội nghị giao ban, trao đổi các đoàn công tác cấp tỉnh và các đơn vị LLVT, nhằm đẩy mạnh, tăng cường phối hợp quản lý chặt địa bàn biên giới, chống xâm nhập vượt biên; không để các thế lực thù địch và các phần tử phản động lợi dụng địa bàn biên giới để thực hiện âm mưu và hành động chống phá. Về công tác phân giới cắm mốc, đến nay trên tuyến biên giới, hai bên đã khảo sát và xác định xong 42/60 vị trí mốc, tương ứng với 63/84 mốc (đạt 75%) và đã cắm xong 62/84 mốc (đạt 73,8%), đã tiến hành phân giới đường biên tại thực địa đạt 73%. Các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia tiếp tục tạo điều kiện cho các đội chuyên trách của bộ CHQS các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thực hiện có kết quả công tác khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, hồi hương liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Cam-pu-chia qua các thời kỳ.

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Lắc tặng quà đơn vị bảo vệ biên giới Cam-pu-chia.

Trong chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên vào trung tuần tháng 12-2013 vừa qua, ông Hang Thol, Phó trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cam-pu-chia cảm ơn sâu sắc những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng; đánh giá cao kết quả hợp tác, phát triển giữa Tây Nguyên với các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, nhấn mạnh thành quả đó tiếp tục góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH-VĂN NHƯƠNG