QĐND - Sau ngày 7-1, Cam-pu-chia cơ bản được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, song tình hình đất nước vẫn còn vô cùng khó khăn, phức tạp. Tuy thất bại nhưng lực lượng Pôn Pốt còn khá lớn, lại được các thế lực phản động quốc tế “hà hơi tiếp sức” nên ra sức tìm cách tiếp tục chống phá cách mạng. Trong khi đó, hậu quả của chế độ diệt chủng để lại hết sức nặng nề, đẩy đất nước vào tình trạng rối ren, nhân dân lâm vào cảnh thiếu đói, bệnh tật trầm trọng. Quân tình nguyện Việt Nam cùng chính quyền cách mạng mới thành lập phải giải quyết nhiều nhiệm vụ cấp bách để ổn định tình hình. Một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong những ngày đầu sau giải phóng là cứu đói, ổn định đời sống nhân dân.

Thời kỳ đầu, việc giúp dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất chủ yếu do các đơn vị quân tình nguyện đang làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt thực hiện. Trước thảm cảnh người dân đói nghèo, bệnh tật, gia đình ly tán, các đơn vị bộ đội đã sẻ cơm, nhường áo, giúp dân bước đầu ổn định đời sống, chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Các đơn vị quân tình nguyện đã huy động nhiều phương tiện đưa bà con về quê cũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 1.000.000 người dân bị xáo trộn, hoặc bị lùa theo khi quân Pôn Pốt rút chạy đã được đưa về quê cũ; được giúp đỡ một phần lương thực, thuốc men, dụng cụ sản xuất. Một số nơi, các đơn vị bộ đội Việt Nam, Cam-pu-chia còn tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, mở lớp học, tổ chức cho dân đi lấy các kho lương thực của địch cất giấu trong rừng, tổ chức dân gieo trồng rau màu và lúa ngắn ngày...

Bà mẹ Cam-pu-chia rót nước cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu

Một vấn đề cấp bách nảy sinh sau giải phóng là giúp Cam-pu-chia giải quyết nạn đói. Do đường lối cực đoan của Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, tình hình sản xuất lương thực của Cam-pu-chia rơi vào tình trạng sút kém, năng suất thấp, trong khi đó, bọn phản động cầm quyền thu vét thẳng tay nên nạn đói ở Cam-pu-chia diễn ra rất nghiêm trọng và kéo dài từ năm 1976. Sau giải phóng, từ những tháng giữa năm 1979, tình hình nạn đói ở Cam-pu-chia bắt đầu lan rộng và ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của các địa phương, tháng 7, tháng 8-1979, số người thiếu đói có thể lên tới trên dưới 3 triệu và số lương thực cứu trợ mỗi tháng lên tới 2 vạn tấn.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Cam-pu-chia rất quan tâm đến việc cứu đói cho nhân dân, đặt vấn đề cứu đói như cứu hỏa, quyết tâm không để nhân dân bị chết đói. Từ chủ trương trên, Chính phủ Việt Nam đã mở chiến dịch vận chuyển cứu đói và phục vụ sản xuất nông nghiệp trước mắt ở Cam-pu-chia. Chiến dịch bắt đầu từ giữa tháng 6-1979, do Phó thủ tướng Đỗ Mười trực tiếp chỉ đạo, có nhiệm vụ huy động, chuyên chở lương thực cứu đói và thóc giống cùng một số thuốc men, hàng tiêu dùng thiết yếu, nông cụ hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia.

Tại Cam-pu-chia, Quân tình nguyện Việt Nam không chỉ tập trung vận chuyển cứu đói, tập trung giúp chính quyền các cấp tổ chức, vận động nhân dân làm mùa và trồng các loại rau màu, cây lương thực ngắn ngày để giải quyết nạn đói, mà còn trực tiếp tham gia sản xuất cùng nhân dân, vừa giúp giải quyết được sức lao động, vừa tạo điều kiện thắt chặt mối quan hệ giữa bộ đội với nhân dân. Được sự hỗ trợ hạt giống của Việt Nam, sự giúp sức của chuyên gia và bộ đội tình nguyện, đến ngày 28-7-1979, trên toàn lãnh thổ Cam-pu-chia đã gieo trồng được 167.000ha cây lương thực, trong đó có 120.000ha lúa, 47.000ha màu…, góp phần quan trọng giải quyết nạn đói vào dịp cuối năm 1979.

Các LLVT Quân khu 9 đã đ­ưa 7.700 gia đình trở về quê cũ làm ăn, huy động lực l­ượng và vật liệu xây dựng nhà ở giúp 1.600.000 dân Cam-pu-chia ổn định nơi ăn ở. Lực l­ượng hậu cần cấp quân khu trong những tháng cuối năm 1979, đầu năm 1980 đã vận chuyển 10.000 tấn lư­ơng thực, 1000 tấn hạt giống, gần 2000 con giống (gồm trâu, bò, lợn), 20 máy cày, bừa, hơn 13.000 công cụ cầm tay, hàng vạn dụng cụ gia đình giúp nhân dân Cam-pu-chia khắc phục nạn đói, phục hồi sản xuất.

Quân khu 7 đã giúp đỡ vận chuyển 55.825 ng­ười dân từ biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan trở về các địa phư­ơng; huy động hàng nghìn tấn gạo, hàng vạn cây, con giống, công cụ sản xuất từ các đơn vị và các tỉnh trong quân khu gửi sang giúp đỡ nhân dân các tỉnh Công Pông Chàm, Công Pông Thom, Bát-tam-bang, Xtung Treng, Xiêm Riệp.

Trên địa bàn 4 tỉnh đông bắc Cam-pu-chia, các đơn vị thuộc Quân khu 5 tập trung ph­ương tiện vận chuyển (chủ yếu bằng ô tô), hai đợt dân (290.536 người) về quê cũ làm ăn. Các tiểu đoàn địa bàn kết hợp chặt chẽ với nhân dân địa phư­ơng xây dựng 386 ban tự quản, cứu đói cho 114.644 ngư­ời. Nhân dân về đến đâu đư­ợc bộ đội giúp đỡ ổn định nơi ăn chốn ở, đ­ược cứu đói, hỗ trợ công cụ, cây, con giống phát triển sản xuất…

Trong 6 tháng đầu năm 1979, Quân đoàn 4 đã giúp đỡ đưa hơn 83.000 lượt người về quê cũ làm ăn; bàn giao cho quân đội cách mạng Cam-pu-chia một khối lượng lớn chiến lợi phẩm gồm: 5000 tấn lúa, 100 tấn muối, 117 xe ô tô các loại, hơn 100 tấn đường, 70.000 hộp sữa và hơn 30.000m vải. Với tình cảm quốc tế trong sáng, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 đã tiết kiệm, giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia 247 tấn gạo, góp 271.000 ngày công lao động xây dựng và sửa chữa 186 trường học, 1 trại trẻ mồ côi; 32 bệnh xá, 9.181 nhà ở, khám bệnh và cấp thuốc cho gần 120.000 lượt người.

Với sự nỗ lực không ngừng của Nhà nước Việt Nam cũng như của bộ đội tình nguyện đã góp phần quan trọng giúp Cam-pu-chia từng bước đẩy lùi nạn đói, ổn định đời sống nhân dân ngay trong những ngày đầu, tháng đầu được giải phóng.

Cứu đói, chữa bệnh, cấp cây, con giống giúp dân phát triển sản xuất tưởng như­ là việc bình thường nh­ưng ở vào thời điểm mà mọi sức lực của người dân Cam-pu-chia đã cạn kiệt, khi mà kẻ thù ra sức gieo rắc tâm lý hoang mang, thù địch và tìm mọi cách chia rẽ, thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, thì nhiệm vụ giúp dân của các đội công tác vô cùng nặng nề và nguy hiểm. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh, nhiều người mang thư­ơng tích suốt đời trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu đói, cứu đau, giúp nhân dân Cam-pu-chia phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nhớ về việc này, đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia kể lại: “Sau giải phóng, nhân dân Cam-pu-chia rất sung sướng vì được tự do nhưng lại lâm ngay vào cảnh đói. Họ đã bị đói dài ngày rồi, phần lớn lại bị sốt rét, rách rưới… Anh em bộ đội quân tình nguyện của ta thì chẳng nề hà gì cả, cứ xông vào cứu họ. Người còn đi được thì anh em dìu đi. Người không đi được thì anh em cõng họ về doanh trại, bón cháo, cho uống thuốc, rồi tắm giặt cho họ… Có thể nói, cứu đói, cứu đau là một thời kỳ đã đi vào lịch sử. Chúng tôi đi sang đó đều cảm nhận rất rõ rằng, nếu chậm giải phóng thì sự diệt chủng sẽ mang tính lây lan rất lớn với tốc độ cao. Sự diệt chủng không chỉ dừng lại ở sự bắn giết mà ở chỗ dân bị kiệt sức, ốm đau, bệnh tật mà chết hàng loạt…”[1].   

Sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, hết mình của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đối với Cam-pu-chia trong công tác cứu đói, cứu đau, ổn định đời sống nhân dân trong thời gian đầu sau giải phóng mãi mãi được nhân dân Cam-pu-chia ghi nhớ. Đúng như Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun Xen đã viết về việc khắc phục nạn đói: “Nhà nước đã sử dụng mọi khả năng, biện pháp tổng hợp để giải quyết vấn đề khó khăn này, nhưng chúng ta đã biết, nhà nước ta không có cơ sở vật chất, ngân quỹ ngoài số lương thực ít ỏi lấy được của bọn Pôn Pốt để lại… Trong hoàn cảnh gay go này, sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam là vô cùng quan trọng. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời viện trợ lương thực, thuốc men và hàng tiêu dùng để phân phát cho nhân dân khi thiếu thốn. Ngoài viện trợ của Chính phủ Việt Nam, chúng ta còn thấy viện trợ của nhân dân Việt Nam thông qua từng gia đình. Hàng chục vạn gói quà được gửi qua các tỉnh của Việt Nam kết nghĩa với các tỉnh Cam-pu-chia. Trong số viện trợ này, chúng ta thấy có cả những gói gạo 1kg, gói muối 1kg, thậm chí có cả quần áo. Điều đó cho chúng ta thấy, đó là quà viện trợ của từng gia đình Việt Nam gửi cho từng gia đình người dân Cam-pu-chia. Về phần Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia cũng đóng góp một phần lớn vào việc giải quyết nạn đói ở Cam-pu-chia. Các đơn vị quân tình nguyện đã có lệnh hay không có lệnh của cấp trên đều đem các khẩu phần lương thực, thuốc men của mình chia cho nhân dân Cam-pu-chia, thậm chí, còn nhận nuôi toàn bộ trong một thời gian dài đối với những người dân vừa chạy khỏi hàng ngũ Pôn Pốt, nhận nuôi những người già yếu và trẻ mồ côi… Chấm dứt nạn đói cần được tính vào thành quả cách mạng chúng ta đã giành được”[2].

Đại tá PHẠM HỮU THẮNG
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

[1] Khuất Biên Hòa. Đại tướng Lê Đức Anh. Nxb QĐND, H 2005, Tr 166.

[2] Hun Xen. 10 năm quá trình Campuchia (1979-1989). Người dịch Nguyễn Văn Đảm, Ban Đối ngoại TƯ Đảng CSVN, năm 2003, tr74. TLLT tại Viện LSQS VL3411.