QĐND - "Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội nhà Phật" là chủ đề của cuộc gặp mặt, giao lưu, tôn vinh chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam từng giúp Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng do Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử (Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam) tổ chức sáng 4-1, tại Hà Nội. Cuộc gặp mặt được tổ chức từ sáng kiến và đề xuất của Báo Quân đội nhân dân và được Báo Quân đội nhân dân, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam bảo trợ thông tin.
Tới dự cuộc gặp mặt có bà Men Sam Om, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam; ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia; Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; gần 800 đại biểu là cựu chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự thuộc 84 đầu mối đơn vị truyền thống của 12 tỉnh, thành phố phía Bắc…
Nghẹn lòng nhìn nhau sau mỗi dòng ký ức
Trước khi bước vào cuộc giao lưu, bên hành lang hội trường, CCB Phạm Ngọc Hạnh xúc động nhận ra người thủ trưởng cũ của mình là Thiếu tướng Trần Văn Hùng, nguyên Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Ông bảo: “Lâu lắm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau, lần gặp nào chúng tôi cũng thấy nghẹn lòng khi nhớ về những đồng đội từng chia ngọt sẻ bùi và vĩnh viễn nằm lại chiến trường nước bạn”. Ông Hạnh quay ra ôm chặt từng đồng đội, luôn miệng hỏi thăm những người lính Sư đoàn 2 cùng chiến đấu cách đây hơn 30 năm rồi tranh thủ “báo cáo” với thủ trưởng cũ: “Em đã có hai lần trở lại thăm chiến trường nước bạn và đưa hài cốt của hai đồng đội hy sinh trở về quê hương. Có lẽ em sẽ còn đi tiếp, vì cho tới nay hình ảnh 7 đồng đội ngã xuống do chính tay em vuốt mắt ở vùng giáp biên giới Thái Lan vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí”.
 |
Bà Men Sam On, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia và các đại biểu tại cuộc gặp mặt. |
Cùng dòng hồi ức với các cựu chiến sĩ tình nguyện, ông Phạm Văn Chung, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 339 (Quân khu 9) vốn xuất thân là công nhân của nhà máy cơ khí Giải phóng cho biết, ông có hai kỷ niệm khó quên trên chiến trường Cam-pu-chia, và tiếc rằng đó đều là sự hy sinh, mất mát. “Đó là thời điểm 1980-1981, chính mắt tôi đã chứng kiến hình ảnh hơn 30 chiến sĩ của ta vừa bị sốt rét, vừa bị thương, vậy mà họ lại tiếp tục bị trúng đạn pháo của địch. Chúng tôi nhìn thi thể anh em bị hất tung lên mà không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Lần khác, ở Công-pông-xpư, khi chúng tôi tiến công một kho vũ khí của địch, lúc đạn pháo cày xới làm bật tung các hầm, hào thì bất ngờ lộ ra một kho… sọ người. Lúc ấy, chúng tôi mới biết đấy là nơi kẻ thù từng tàn sát người dân vô tội”, ông Chung kể.
Dòng hồi ức về những lần rơi nước mắt của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), đã khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động, bởi đó là những kỷ niệm sâu sắc về tình đồng đội, về những tháng năm gian khổ mà ông và đồng đội từng sát cánh cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia. “Chiều 24-10-1977, khi đi thị sát khu cửa khẩu Xa Mát giáp biên giới Cam-pu-chia, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều thi thể người dân vô tội trong một ngôi làng của tỉnh Tây Ninh bị quân Pôn Pốt giết hại. Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền không kìm lòng được, ông chỉ bật lên hai tiếng “Tiến ơi” rồi nức nở khóc. Trong chiến trường, chưa khi nào chúng tôi phải chứng kiến một khung cảnh lạnh lẽo, hoang tàn và có đông dân lành bị giết hại như vậy”. Trung tướng Khuất Duy Tiến còn kể một câu chuyện xúc động khác, đó là khi một phân đội của Sư đoàn 320 bị lính Pôn Pốt vây hãm, qua hệ thống điện đài, họ vẫn thể hiện quyết tâm và gửi lời chào “Vĩnh biệt thủ trưởng!”. “Ngay sau đó, trong ống nghe, thấy tiếng súng đạn chát chúa, biết là kẻ địch đã tấn công quân mình, tôi và anh em tác chiến ngồi bên cứ nhìn nhau mà khóc”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.
Rất nhiều cựu chiến binh, cựu chuyên gia coi cuộc giao lưu là dịp để họ hàn huyên, tâm sự sau nhiều năm chưa gặp lại, nhưng không phải ai cũng toại nguyện. Có mặt trong hội trường lớn và đi lại giữa rất nhiều hàng ghế, CCB Phùng Xuân Chính (Sư đoàn 307, Quân khu 5) vẫn không tìm được ai là đồng đội cùng đơn vị với mình trong thời gian 1979-1983 ở chiến trường Cam-pu-chia. Ông Chính buồn rầu tâm sự: “Có lẽ thời gian hơn 30 năm đã quá dài nên tôi không thể nhận ra anh em, hoặc cũng vì đồng đội còn bận mải mưu sinh nên không có điều kiện về dự gặp mặt”.
Đồng vọng tri ân “Bộ đội nhà Phật”
Đại tá, nhà báo Lê Liên, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, người từng có mặt ở nước bạn Cam-pu-chia từ cuối năm 1978 đã góp phần lý giải cho danh hiệu “Bộ đội nhà Phật” bằng câu chuyện về lần ông có mặt ở ngoại vi thủ đô Phnôm Pênh. Khi đó, nhà báo Lê Liên có gặp một cụ già Cam-pu-chia, cụ đã thốt lên câu: “Bộ đội Việt Nam ơi, trời đã sáng lên rồi”. Câu nói của cụ già hàm ý sâu xa rằng, xã hội Cam-pu-chia đã đổi thay và sự đổi thay ấy có công rất lớn của bộ đội Việt Nam. Bởi vậy mà họ luôn quý mến, biết ơn bộ đội Việt Nam. Với một đất nước coi đạo Phật là quốc đạo, họ đã coi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật” bởi các anh đã đưa nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, giúp họ có cơm ăn, áo mặc, giúp cây, con giống để nuôi trồng… Bộ đội Việt Nam cũng giúp phục hồi chùa chiền, khôi phục hoạt động của giới sư sãi. “Tôi còn nhớ khi đoàn ta tới chào vua sư Cam-pu-chia Tep Vong, vua sư đã nói rằng, Việt Nam đã giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, giúp đất nước Cam-pu-chia hồi sinh và Bộ đội Việt Nam đã thực sự là Bộ đội nhà Phật”, Đại tá, nhà báo Lê Liên kể.
 |
Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, trao bằng vinh danh và kỷ niệm chương “Chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia” cho các cá nhân tiêu biểu. |
Ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, cũng ôn lại những tình cảm tốt đẹp mà người dân Cam-pu-chia dành cho cựu chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, trong đó có kỷ niệm của cá nhân ông với Quốc vương Xi-ha-núc. “Năm 2004, khi sang thăm Cam-pu-chia và được dự quốc yến do Quốc vương tổ chức, tôi đã hát bài “Huy hoàng Ăng-co” do tôi sáng tác và đã phải hát lại 3 lần theo yêu cầu của Quốc vương”.
Trong câu chuyện tâm sự với những người bạn từng một thời sát cánh bên nhau, bà Thống tướng Men Sam Om, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đã ôn lại kỷ niệm trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ: “Khi tôi 17 tuổi, tỉnh Ka-ra-chê được giải phóng, bộ đội Việt Nam đã truyền dạy nghề y cho tôi và khuyến khích tôi học tiếng Việt. Từ đó, tôi đã vào quân ngũ để phục vụ cách mạng. Sở dĩ tôi nói được tiếng Việt như hiện nay là do hồi đó tôi được các chú, các bác dạy cho. Các bác, các chú khuyên tôi tranh thủ học tiếng Việt bằng cách nghe chương trình “Đọc truyện đêm khuya” trên Đài Tiếng nói Việt Nam”… Bà đã trân trọng gọi những cựu chiến sĩ tình nguyện và cựu chuyên gia Việt Nam là “các chú, các bác, các anh” và chân thành chia sẻ bằng tiếng Việt: “Cam-pu-chia luôn biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ người dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Vì sự hồi sinh của đất nước Cam-pu-chia mà các chú, các bác, các anh đã phải đổ máu xương, có người vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Các bác, các chú, các anh thật xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội nhà Phật”.
Ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử cho biết: Cuộc giao lưu, gặp mặt và tôn vinh là hoạt động nhằm khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia trong thời kỳ hòa bình, hội nhập và phát triển. Tại buổi giao lưu, Trung tâm đã vinh danh 24 địa phương, đơn vị tích cực tham gia chương trình; tặng 20 suất quà cho các gia đình liệt sĩ có con em hy sinh trên chiến trường Cam-pu-chia… |
Bài và ảnh: VŨ MINH-BÍCH TRANG