LTS: Đại tá Lê Hải Triều từng trực tiếp nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 chống bè lũ Pôn Pốt. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu bài hồi ký của ông về một thời chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia, trong đó tác giả có cuộc gặp đáng nhớ với Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm của Cam-pu-chia Hêng Xom-rin (Heng Samrin).
Kỳ 1: Hành quân về phum Săng Kê
Trung tuần tháng 10-1978, chúng tôi được lệnh bàn giao khu vực phòng ngự ở Bình độ 50 cho Sư đoàn 31, hành quân về hướng Săng Kê - Cô Ta Pao đánh địch, bắt liên lạc với lực lượng ly khai chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Tiểu đoàn 8 chúng tôi là lực lượng thọc sâu xa nhất của Trung đoàn 66, Sư đoàn 10. Chúng tôi được tăng cường một tổ trinh sát có nhiều kinh nghiệm của Quân đoàn và một tổ phiên dịch người Cam-pu-chia giúp đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 |
Lính Khơ-me Đỏ bỏ chạy ở biên Tây Nam năm 1978. Ảnh tư liệu |
Từ sau thất bại nặng nề ở phía bắc đường 7, quân Pôn Pốt ở đây không còn đủ sức mở những cuộc phản kích lớn. Chỉ huy Mặt trận đường 7 đã điều tới khu vực Săng Kê - Cô Ta Pao hai tiểu đoàn lính biên phòng - những đơn vị khét tiếng gian ác. Lính biên phòng liên tục tổ chức phục kích, tập kích nhỏ và dựng những tuyến vật cản mới bằng mìn các loại. Với thủ đoạn tác chiến này, địch gây không ít khó khăn cho ta. Thêm vào đó là những trận mưa tầm tã kéo dài, cản trở việc bảo đảm hậu cần đối với đơn vị luồn sâu.
Trên các hướng của Sư đoàn 10, sau những bỡ ngỡ ban đầu của nhiệm vụ đánh địch, đón bạn, các đơn vị cũng lần lượt lập công. Chúng tôi được thông báo, từ ngày 10 đến 15-10-1978, Trung đoàn 24 liên lạc và đón hơn 1000 người của lực lượng nổi dậy, Trung đoàn 28 đón gần 2000 người. Trung đoàn 4 pháo binh và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn, Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 cũng liên lạc và đón được hàng nghìn người của lực lượng nổi dậy ly khai chế độ Pôn Pốt. Trong khi đó, hướng thọc sâu của Tiểu đoàn 8 chúng tôi chỉ diễn ra những trận đánh nhỏ giữa bộ đội ta với lính biên phòng Pôn Pốt.
Tối 22-10-1978, Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe điện trực tiếp cho tôi: "Ngày mai đồng chí cho bộ đội khẩn trương tiến về hướng Săng Kê - Cô Ta Pao". Tôi bàn với anh Đào Hữu Kế, Tiểu đoàn trưởng: "Ta phải cho nuôi quân nấu cơm ngay anh ạ, bộ đội ăn sáng và đem theo cơm vắt sẽ hành quân trước khi trời sáng". Anh Kế thống nhất ý kiến của tôi và nói với anh Thắng, Tiểu đoàn phó, cho các đơn vị triển khai ngay.
Mờ sáng 23-10, tổ trinh sát quân đoàn, tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn, tôi và anh Kế đi đầu mở đường. Tổ phiên dịch tiếng Khơ-me đi ngay sau đó, tiếp đến là Đại đội 5, Đại đội 8 và các đơn vị vận tải, pháo binh tăng cường, rồi đến Đại đội 6 và cuối cùng là Đại đội 7.
Mở tấm bản đồ, tôi nói với anh Kế và Nguyễn Khắc Ngụ, Trung đội phó phụ trách trinh sát quân đoàn và Nguyễn Văn Hoạch, Tiểu đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn:
- Ta không đi theo đường mòn dễ bị địch phục kích mà cắt theo góc phương vị, đến phum Săng Kê, tuy đường khó đi, nhưng gần hơn và an toàn hơn. Các anh có ý kiến gì không?
Không thấy mọi người nói gì, tôi nói với anh Kế cho bắt đầu hành quân.
Từ Mé Mông, Tiểu đoàn 8 chúng tôi băng qua cánh đồng bỏ hoang, cỏ lút đầu, rồi xuyên qua những cánh rừng dây gai chằng chịt. Khi chúng tôi gặp những con đường mòn, đi được một đoạn y như rằng, chạm địch, phải dừng lại tổ chức chiến đấu.
Khoảng 10 giờ, tôi nghe tiếng súng nổ dồn phía sau, có cả tiếng cối 60 ly và B40, B41 rộ lên chừng 10 phút. Một lúc sau, chiến sĩ liên lạc Đại đội 7 chạy lên gặp tôi: "Báo cáo thủ trưởng, Đại đội 7 bị địch tập kích, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Thành và ba chiến sĩ hy sinh".
Chúng tôi cho đội hình dừng lại, triển khai đội hình chiến đấu. Tôi bảo Chính trị viên phó Tiểu đoàn Trần Viết Xuân quay lại để giải quyết an táng những người hy sinh. Khoảng hơn một tiếng sau, anh Xuân báo cáo mọi việc đã xong xuôi, chúng tôi tiếp tục hành quân.
15 giờ ngày 23-10-1978, Tiểu đoàn 8 đã tới phía Đông phum Săng Kê. Đây là một phum lớn, những ngôi nhà sàn hầu như còn nguyên, nhưng từ lâu không có người ở. Một con đường đất đỏ khá to, chạy giữa phum theo hướng từ phía Đông lên phía Tây. Tôi bàn với anh Kế tổ chức cho Đại đội 6 triển khai chặn con đường này và đặt tổ cảnh giới cách phum vài trăm mét. Các đại đội còn lại bố trí ngoài bản. Ban chỉ huy Tiểu đoàn chúng tôi chọn một ngôi nhà chếch về phía Đông đường. Trung đội vận tải bắt tay ngay vào làm vệ sinh, kê bàn ghế và đào hầm trú ẩn cho Ban chỉ huy.
Tổ trinh sát vừa dẫn một tiểu đội bộ binh của Đại đội 6 lên đặt trạm cảnh giới, anh em phát hiện một toán người Cam-pu-chia có vũ trang đang vượt đường từ phía Tây sang phía Đông liền cho người chạy về báo cáo. Tôi đi theo người trinh sát lên xem xét tình hình. Anh em nói lại: "Trông dáng vẻ không giống lính chiến đấu Pôn Pốt thủ trưởng ạ". Tôi liền lệnh cho Đại đội trưởng Đại đội 6 Nguyễn Kim Quyết triển khai bao vây, chặn lại. Tuyệt đối không được bắn trước, trừ khi họ nổ súng vào ta.
Đại đội 6 được trinh sát dẫn đường chia làm hai mũi, bí mật khép vòng vây. Anh em ta nhẹ nhàng, khéo léo, đến khi chỉ còn cách họ 5 mét mới hô: "Lơk đay lương "(giơ tay lên). Mấy người Cam-pu-chia đứng dưới căn hầm nửa chìm nửa nổi quay lại thấy anh em mình liền giơ tay. Anh em dẫn họ về Ban chỉ huy tiểu đoàn. Thấy ồn ào, tôi chạy lên. Trong toán người Cam-pu-chia có 2 người lớn tuổi và 5 người lính trẻ, họ đều mặc đồ đen, cổ quấn khăn rằn, đeo ba lô kiểu như quân ngụy Sài Gòn, một người giữ khẩu B40 và 3 quả đạn, 4 người còn lại mang súng AK. Thấy tôi, người trán cao, mắt sâu chìa tay ra bắt. Tôi cũng nắm tay ông ta và chỉ hướng về tiểu đoàn.
Đại tá LÊ HẢI TRIỀU
(còn nữa)
Kỳ 2: Ông Hêng Xom-rin và chiếc đồng hồ Omega