QĐND Online - Đây là kỷ vật mà bà mẹ Cam-pu-chia đã tặng Đại tá Trà Thanh Lợi trước khi ông chia tay đất nước Chùa Tháp về Việt Nam năm 1989.

Đại tá Trà Thanh Lợi, hiện sống tại số nhà 180, đường Phạm Cự Lượng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ông đã có thời gian hơn 5 năm làm chuyên gia xây dựng Đảng trên đất bạn Cam-pu-chia.

Sau khi kết thúc khóa học tại Trường Chuyên gia 481 (Tổng cục Chính trị) ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1985, Trà Thanh Lợi được phân công sang Mặt trận 479 làm chuyên gia xây dựng Đảng cho quân đội Cam-pu-chia.

Do tính chất công việc nên ông đã được đến nhiều đơn vị, tiếp xúc với nhiều người dân, nhất là những gia đình có người thân bị Pôn Pốt sát hại. Ông tận mắt chứng kiến tội ác dã man mà quân Pôn Pốt đã gây ra cho nhân dân Cam-pu-chia. Đó là hàng ngàn chiếc đầu lâu, xương người vẫn còn chất thành đống ở Phnôm Pênh.

Đại tá Trà Thanh Lợi và bức tượng Nữ thần Áp-sa-ra do bà mẹ Cam-pu-chia tặng trước khi về nước.

Thời gian công tác ở Mặt trận 479 (đóng tại Phnôm Pênh), Trà Thanh Lợi được gia đình bà He-xô-ri dành cho những tình cảm đặc biệt, ông được gia đình coi như con cái trong nhà. Gia đình bà He-xô-ri đã bị quân Pôn Pốt sát hại cha và anh trai, nhờ có quân tình nguyện Việt Nam sang kịp thời mà hai mẹ con mới thoát chết và được trở về quê hương sinh sống.

Tháng 9-1986, Trà Thanh Lợi chuyển công tác về Mặt trận 579 (Quân khu 5) tiếp tục làm chuyên gia xây dựng Đảng cho Quân khu 1 ở Đông Bắc Cam-pu-chia. Dù đường xa cách trở, nhưng mỗi lần có dịp về Phnôm Pênh công tác, ông đều đến thăm gia đình bà He-xô-ri như người con đi xa trở về nhà mình.

Năm 1989, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước kết thúc 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia. Đại tá Trà Thanh Lợi đến chào tạm biệt gia đình bà He-xô-ri. Trong tình cảm lưu luyến, bà mẹ của He-xô-ri đã tặng ông rất nhiều món quà, trong đó có bức tượng Nữ thần Áp-sa-ra.

Đến bây giờ, Đại tá Trà Thanh Lợi vẫn nhớ từng lời bà mẹ Cam-pu-chia căn dặn: “Tất cả những vật chất khác dùng rồi sẽ hết, nhưng bức tượng này sẽ để được mãi mãi. Mỗi lần nhìn bức tượng con sẽ nhớ đất nước Cam-pu-chia, nhớ gia đình má. Sau này hãy kể cho con cháu về công lao to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, về cuộc sống cũng như tình cảm của người dân Cam-pu-chia với Bộ đội Việt Nam”.

Mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng Đại tá Trà Thanh Lợi vẫn còn rất minh mẫn, mỗi khi có ai nhắc đến Cam-pu-chia, kỷ niệm một thời hào hùng trên đất nước Chùa Tháp lại hiện lên trong ông như cuốn phim chạy chậm. Đặc biệt, với ông, bức tượng Nữ thần Áp-sa-ra là một kỷ vật vô giá-món quà ý nghĩa nhất trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia.

Bài, ảnh: VĂN CHUNG