QĐND - Những ngày cuối năm, thời tiết Cam-pu-chia chuyển mình bằng màn sương lạnh buốt tưởng chừng bước ra từ vách núi, như khứa vào da, bấu vào chân những người "đi tìm đồng đội". Trải qua hơn 12 năm thành lập, cũng là chừng ấy thời gian những người lính Đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ ở Cam-pu-chia (Đội K93), Bộ CHQS tỉnh An Giang mải miết trên bước đường tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… 

Khi người dân Cam-pu-chia chung tay tìm hài cốt liệt sĩ

Vượt chặng đường hơn hai trăm cây số, tháng 11 vừa qua, chúng tôi đến xã Swai-choi-chấp, huyện Po-sét, tỉnh Công-pông Xpư. Đại tá Phạm Quang Trung-Đội trưởng Đội K93 cho biết, theo hồ sơ lưu trữ và thông tin thu thập, khu vực này trước kia nhiều đơn vị chủ lực của ta chiến đấu và hy sinh. Do địa hình phức tạp, nên đến nay vẫn còn một  số hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về nước. Lần này, Đội K93 tiếp tục đi sâu hơn vào trong núi, bìa rừng, với hy vọng tìm thấy thêm mộ liệt sĩ để đưa các anh về nước.

Khi đoàn xe dừng, chúng tôi khá bất ngờ vì tại đây đã có đại diện các lực lượng quân sự, cảnh sát, chính quyền cùng đông đảo người dân địa phương ra đón. Như gặp lại người thân, mọi người đều tay bắt mặt mừng. Hình ảnh ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những quân nhân lâu năm của Đội K93 đều trò chuyện thoải mái với bạn bằng tiếng Cam-pu-chia.

Lực lượng Quân sự Cam-pu-chia hỗ trợ Đội K93 làm nhiệm vụ.

Nhà sư Men Sa Van, trụ trì chùa Kiri So Đachkoul, gần nơi Đội K93 đóng quân, nở nụ cười hoan hỉ: “Đó, hồ sen của nhà chùa đó, mấy chú cứ sử dụng nước. Ở đây nước rất quý, chùa chỉ dành nước hồ vào các dịp lễ, hội khi tập trung đông người. Nhưng bộ đội Việt Nam lên đây, đi làm công việc đầy nhân đạo này, thì nhà chùa sẵn sàng giúp. Có gì cần, cứ gặp sư, sư nói với phật tử ở đây, mọi người sẽ giúp thôi!”.

Thế là chỉ trong buổi sáng, cùng với chiến sĩ Đội K93, nhiều người dân kéo nhau đến dựng trại; có người còn mang cả gỗ bạch đàn sau nhà đến giúp.

Cái tình, cái nghĩa của bộ đội Việt Nam

Công-pông Xpư là vùng núi chiến lược của quân Ngụy Lonnol trước kia và Pôn Pốt sau này. Trước năm 1973 và sau năm 1978, đây cũng là nơi xảy ra những trận đánh lớn.

Đại tá Phạm Quang Trung nhớ lại, trong một lần khảo sát địa bàn, tìm chỗ đóng quân, Đội K93 lúc mới đến gặp rất nhiều khó khăn. Vì là vùng xa thành thị, nhận thức người dân còn hạn chế, một bộ phận còn  chịu sự ràng buộc, khống chế của các tổ chức đảng phái chống đối nên họ rất dè dặt. Trước tình hình trên, ban chỉ huy đội kiên trì vừa tiếp cận các nhà sư, vừa tiến hành đưa y, bác sĩ vào khám trị bệnh cho các cụ già và trẻ em trong vùng. Đội ngũ y, bác sĩ của Đội K93 cũng linh hoạt vừa kết hợp điều trị tây y vừa hướng dẫn mọi người ăn uống vệ sinh, sử dụng thuốc nam quanh nhà, thế là các bệnh lây nhiễm không còn nữa. Nhiều người mắc bệnh lâu năm, do tin theo lời các thầy cúng nên bệnh tình không giảm, nay được bộ đội Việt Nam cấp thuốc, trị hết bệnh, họ vô cùng cảm phục, tự nguyện hợp tác, giúp cho đội làm nhiệm vụ.

Đi cùng với Đội K93 dịp cuối năm vừa qua, ấn tượng tốt đẹp để lại trong tôi đó là mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình cảm của đa số người dân Cam-pu-chia, dành cho bộ đội Việt Nam vẫn luôn tràn đầy. Ngay tại huyện Po-sét, hầu như cứ vài hôm là đội lại nhận được quà của người dân; khi thì thốt nốt, hôm thì dừa, chuối... “Toàn của nhà không hà, các anh cứ dùng tự nhiên. Tụi tui nghèo không có gì, chỉ có mấy thứ này mang đến biếu để các anh có sức mà đi, mà đào tìm hài cốt bộ đội Việt Nam đưa về quê!”-Một người đàn ông da sạm đen, lưng vận khăn rằn, ngồi xe bò giữa trưa nắng, vội vã ghé nơi đội trú quân gửi tặng một quầy quả thốt nốt. Hỏi ra, mới hay nhà người này cách nơi đơn vị đóng quân hơn 10 cây số.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Đại tá Huỳnh Trí, Anh hùng LLVT nhân dân-người gắn bó với Đội K93 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhiều năm qua, khẳng định như thế khi nói về kinh nghiệm vận động quần chúng trên đất bạn.

Phút nghỉ tay giữa cánh đồng thuộc xã Tràm Bok, huyện Ki-ri-vông tỉnh Tà Keo, nơi Phân đội 2-Đội K93 đang làm nhiệm vụ, Đại tá Huỳnh Trí chậm rãi kể lại lần cất bốc hài cốt liệt sĩ đáng nhớ vào tháng 5-2013. Từ hồ sơ lưu trữ, Ban chỉ huy Đội K93 xác định khu đất sau nhà bà Nèang Sol, 68 tuổi, còn một ngôi mộ liệt sĩ Quân tình nguyện. Tuy nhiên, đã nhiều lần bà này khẳng định không có và không cho phép tiến hành việc đào tìm. Thế là, tình huống mới đặt ra buộc Đại tá Huỳnh Trí và Ban chỉ huy Đội K93 phải tìm cách tiếp cận chính quyền địa phương. Nhưng tất cả đều vô hiệu.

Trung úy, y sĩ Nguyễn Văn Hiền, Đội K93 khám, cấp thuốc và tư vấn trị bệnh cho nhân dân Cam-pu-chia.

Sau nhiều đêm mất ngủ, Đại tá Huỳnh Trí quyết định gặp và đặt thẳng vấn đề với bà Sol. Ông nhớ lại, khi trò chuyện, bà chỉ lặng im và lắc đầu. Cuối cùng, bà giơ bàn tay gân guốc, già nua, có đeo một chiến nhẫn vàng gần 2 chỉ. Bà nói, cách nay khá lâu, có đoàn người Mỹ đến đây tìm và cất bốc được một hài cốt phi công Mỹ. Khi về, họ có cho bà nhiều tờ bạc đô la, bà không nhớ trị giá bao nhiêu, nhưng sau khi tiêu xài, bà còn mua được chiếc nhẫn này…!

Đến đây thì vẫn đề đã rõ. Đại tá Huỳnh Trí cố kiềm chế cảm xúc. Đợi cho bà Sol nói hết, ông từ tốn hỏi thăm sức khỏe. Sau khi nghe bà nói gần đây có triệu chứng lên máu, biếng ăn, mất ngủ, Đại tá Huỳnh Trí ra hiệu y sĩ của đội khám, cấp thuốc cho bà. Bà Sol ngạc nhiên và vui mừng ra mặt. Đúng lúc đó, Đại tá Huỳnh Trí chậm rãi, đi thẳng vào vấn đề: “Thưa bà, chúng tôi là bộ đội Việt Nam. Trước kia, Quân tình nguyện Việt Nam đã từng giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt. Tôi tin chắc rằng trong số đó, có người thân của bà. Và cũng vì bảo vệ cho nhân dân Cam-pu-chia, bảo vệ cho người thân của bà mà nhiều chiến sĩ Quân tình nguyện đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đến nay, gia đình các liệt sĩ vẫn ngày đêm mong đón nhận hài cốt con em họ. Đội K93 đang làm công việc tìm kiếm số hài cốt liệt sĩ đó. Tôi nghĩ, bà cũng như chúng tôi, mình sống được trong thanh bình đến nay là nhờ công ơn hy sinh của các liệt sĩ. Vì vậy, tôi mong bà nên giúp đỡ chúng tôi!”. Một thoáng tĩnh lặng dần trôi. Vầng trán nhăn nhiu của bà Sol như giãn ra. Thông qua phiên dịch, bà hiểu từng lời của Đại tá Huỳnh Trí. Không nói nhiều, bà nặng nề đứng lên, đi lại phía hiên nhà và trông mắt về phía cánh đồng: “Sáng mai, khi dứt chuông chùa, anh em lại đây, theo tôi!”.

Cả đơn vị như trút được gánh nặng bấy lâu. Ngay sáng hôm sau, theo chỉ dẫn của bà Sol, Đội K93 đã tìm được mộ liệt sĩ và cất bốc trọn bộ hài cốt. Khi đối chiếu hồ sơ và bản đồ cho thấy, quả thực, gần đó về hướng Nam, có một phi công Mỹ từng bỏ xác nơi đây.

Sau lần đó, bà Sol thường hay lặn lội trong vùng, vận động những người già chỉ dẫn thông tin mộ chí liệt sĩ Quân tình nguyện cho Đội K93 cất bốc, quy tập.

“Cũng từ những công việc cụ thể trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân Cam-pu-chia về ý nghĩa của việc làm cao cả này, đến nay hầu hết người dân địa phương và các đơn vị vũ trang bạn đều tích cực hợp tác, giúp đội tìm kiếm, quy tập thêm nhiều hài cốt liệt sĩ. Có được thành quả đó chính là dựa vào dân, tôn trọng phong tục tập quán của bạn thì mọi người sẽ giúp mình”. Đúc kết sau nhiều năm làm nhiệm vụ trên đất Cam-pu-chia, Đại tá Phạm Quang Trung, Đội trưởng Đội K93 chia sẻ như vậy./.

Bài và ảnh: VĂN TRANH