Trung tâm điều hành thông minh - “bộ não số” của chính quyền điện tử
Chỉ riêng trong tháng 9-2020, VNPT đã cùng các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Trà Vinh, Phú Thọ, Hòa Bình khai trương hệ thống IOC. Trước đó, IOC của các tỉnh, thành phố như: Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, TP Hà Giang, Tây Ninh… đã chính thức đi vào hoạt động. Tính đến nay, VNPT triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành 20 trung tâm IOC của cả nước.
Trung tâm điều hành thông minh chính là giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ. Việc xây dựng IOC là một mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi đưa vào hoạt động, IOC sẽ vận hành hơn 10 dịch vụ về giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội, giám sát dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân - chính quyền, giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giám sát camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội...
 |
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Tập đoàn VNPT khai trương Trung tâm Điều hành thông minh. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, mặc dù Bình Phước còn nhiều khó khăn về kinh tế, về nguồn lực nhưng tỉnh xác định xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ chính trị trọng tâm là chương trình đột phá trong lãnh đạo điều hành. Tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính, đến nay số thủ tục hành chính công bố tiếp nhận giải quyết của các cơ quan trên địa bàn tỉnh là hơn 1.900, trong đó thủ tục hành chính mức độ 3, 4 là hơn 1.600 thủ tục. Tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công trực tuyến từ đầu năm 2020 là 9%, hiện đạt trên 90%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng cho rằng, chức năng chính của IOC Bình Phước nhằm từng bước tích hợp thông tin trên nhiều lĩnh vực, thực hiện việc phân tích đánh giá, ra quyết định một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả. Mục tiêu của Bình Phước là xây dựng địa phương thông minh, chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số theo phương châm cung cấp thông tin, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Hay như tại IOC Đà Lạt, lần đầu tiên trên cả nước, điểm nóng nhất là quản lý dữ liệu đất đai được số hóa. IOC Đà Lạt đã tích hợp phần mềm trên thiết bị di động “Thông tin quy hoạch Đà Lạt”, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian theo mô hình dữ liệu tập trung nhằm nâng cao công tác quản lý quy hoạch và công bố thông tin cho người dân. Đến nay, “Thông tin quy hoạch Đà Lạt” đã số hóa dữ liệu được 97.751 thửa đất cho các phường, số hóa dữ liệu quy hoạch cho 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt…
“Với việc tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động lại được thể hiện trực quan, sinh động, IOC sẽ giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền”, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ.
Trung tâm điều hành thông minh cần hướng đến người dân
Lâm Đồng đang tập trung xây dựng Chính quyền số, Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa các khoản chi phí không cần thiết cho người dân. VNPT đã tư vấn cho UBND tỉnh Lâm Đồng tập trung ưu tiên xây dựng Chính quyền số, chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ số vào du lịch, sản xuất nông nghiệp thông minh, lĩnh vực quản lý rừng và môi trường, giáo dục-đào tạo, y tế và quản lý đô thị.
Đánh giá hoạt động của IOC Đà Lạt, ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh TP Đà Lạt là một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, nhằm tạo được những lợi ích thiết thực nhất trong phục vụ người dân, du khách, doanh nghiệp. Cùng với chủ trương, định hướng của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và sự vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin, kỳ vọng rằng, TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ là đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, theo đúng chủ trương của Chính phủ.
 |
Trung tâm điều hành thông minh TP Đà Lạt. |
Còn tại Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh khẳng định, việc xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh nhằm phục vụ cho sự hình thành đô thị thông minh tỉnh Hòa Bình tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
“IOC của tỉnh được thành lập đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước. Mục tiêu tỉnh đặt ra đối với trung tâm này là từng bước tập trung toàn bộ dữ liệu trên các lĩnh vực, giúp lãnh đạo tỉnh nhanh chóng phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời”, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đánh giá thêm.
 |
Khai trương Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Cao Bằng. |
Để triển khai thành công IOC, đồng thời nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố sớm ứng dụng dịch vụ này, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Phạm Đức Long khẳng định, trung tâm IOC được VNPT xây dựng với mục tiêu cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố. Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ tổng quan đến chi tiết từng tình huống như: Thống kê các số liệu, chỉ tiêu về tình hình kinh tế-xã hội, công tác cải cách hành chính; thực hiện giám sát trực quan trên bản đồ số; giám sát về tình hình an ninh trật tự, phản ánh bất cập đô thị, hệ thống thực hiện camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp; thực hiện giám sát, điều hành về nhiều lĩnh vực khác như du lịch, y tế, tài nguyên, môi trường… nhằm xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh.
Không chỉ triển khai tại các địa phương, VNPT còn phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành thiết kế xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (khai trương vào ngày 19-8-2020). Trung tâm được kết nối với các trung tâm điều hành của các bộ, ngành, địa phương, trở thành một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) chia sẻ, vận hành từ tháng 3-2020, đến nay, đã có 45 địa phương, 7 bộ, ban, ngành hoàn thành tích hợp, sử dụng Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, 4 ngân hàng và 4 tổ chức trung gian thanh toán hoàn thành tích hợp đảm bảo việc cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua tài khoản của 38/46 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp thanh toán trực tuyến cho việc thu phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế; thu tiền điện. Sau 6 tháng hoạt động, đến đầu tháng 9-2020 đã có hơn 11.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung chủ yếu trong các tháng 7 và 8-2020 khoảng 4.000 giao dịch với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng. Hiện còn 18 địa phương và 13 bộ, ngành chưa hoàn thành việc thực hiện tích hợp, sử dụng Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với các bộ, địa phương đã tích hợp, số lượng thủ tục hành chính được tích hợp để áp dụng thanh toán trực tuyến còn rất thấp (chủ yếu dưới 10 thủ tục hành chính); trong khi đó, ở các bộ, ngành có tới 2.986 trong tổng số 4.039 thủ tục hành chính (chiếm 74%) và ở địa phương có gần 800 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết có yêu cầu phí, lệ phí hoặc nghĩa vụ tài chính khác (chiếm khoảng 40%). Còn một số nhiệm vụ liên quan được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong năm 2019, 2020 tại nhưng chưa triển khai như: thanh toán tiền nước, viện phí...
Bài, ảnh: VĂN PHONG - NGUYỄN QUỲNH