Đồng chí Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm nhằm mục đích đóng góp, hoàn thiện xây dựng các dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết về thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
 |
Đồng chí Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ chủ trì tọa đàm.
|
Tại tọa đàm, đồng chí Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh, những năm qua, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành các chính sách, pháp luật về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, đã tạo ra động lực, góp phần vào thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… của đất nước.
Thị trường KH&CN đã có nhiều đổi mới theo hướng quản lý kết quả đầu ra của nhiệm vụ; tăng cường các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, qua đó góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KH&CN.
 |
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Xuyên, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN phát biểu. |
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn, việc phát triển KH&CN còn nhiều bất cập, khó khăn, điểm nghẽn, làm cho chính sách, pháp luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống; khiến KH&CN nước nhà chưa thực sự tạo ra đột phá. Nhận thức về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và vai trò của tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN còn có sự khác biệt lớn giữa các cơ quan quản lý của các bộ, ngành, địa phương.
Có nhiều nguyên nhân khiến KH&CN Việt Nam chưa tạo được đột phá để phát triển, trong đó có nguyên nhân là do chính sách pháp luật của Việt Nam về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ do nhiều cơ quan tham mưu, ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, góc nhìn chính sách và thực tiễn pháp lý khác nhau, đến thời điểm hiện tại đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Ví dụ, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 trao quyền cho tổ chức chủ trì được đi đăng ký sáng chế, đứng tên văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng chưa có giải pháp cho sử dụng, thương mại hóa, chuyển giao, phân chia lợi ích giữa các bên khi thương mại hóa.
Hay như Luật Doanh nghiệp có quy định cho phép được góp vốn bằng tài sản trí tuệ, bằng công nghệ để hình thành doanh nghiệp, nhưng thông tư, nghị định triển khai không hướng dẫn cụ thể. Vì thế, nhà khoa học không thể mang tài sản trí tuệ góp vốn đăng ký kinh doanh, không thể hình thành doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc tài sản trí tuệ.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã cho ý kiến về nhiều nội dung trong 2 dự thảo nói trên, hướng tới giúp Quốc hội và Chính phủ có cơ sở chắc chắn để thúc đẩy, phát triển tiềm lực KH&CN Việt Nam trong tương lai.
Tin, ảnh: ĐỨC TÂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.