Sửa đổi nghị định là cần thiết

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa lấy ý kiến để đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Kể từ thời điểm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng ngày càng trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu, thói quen của người sử dụng. Nếu như trước đây, hoạt động cung cấp thông tin chủ yếu thông qua hệ thống báo chí, bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử thì ngày nay việc sản xuất và phát hành nội dung không còn là vị trí độc tôn của các cơ quan báo chí nữa mà đã chuyển dần sang chính người dùng trên các mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Twitter, Instagram...

Người dùng lên mạng không chỉ tìm kiếm thông tin mà họ cần được phục vụ cho nhu cầu giải trí, học tập, sáng tạo, shopping như chơi game, nghe nhạc, xem phim, thương mại điện tử... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được qua thực tiễn thi hành cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với hệ thống pháp luật, thực trạng phát triển về công nghệ thông tin và internet… đã bộc lộ những hạn chế bất cập, những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện cụ thể: Đáng chú ý là tại dự thảo Nghị định này Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung, sửa đổi điều 23 của Nghị định 72/2013 về việc quản lý và thiết lập các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Lotus kỳ vọng là mạng xã hội của người Việt được nhiều người sử dụng. 

Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được hoạt động mạng xã hội khi có giấy phép thiết lập mạng xã hội (đối với mạng xã hội có lượng tương tác lớn) hoặc đã thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản (đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp).

Tại dự thảo cũng có nội dung phân loại mạng xã hội cụ thể như sau: Mạng xã hội có lượng tương tác lớn, là mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác từ triệu người/tháng trở lên, hoặc có người sử dụng đã đăng ký sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên và phải có giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Với những mạng xã hội có lượng tương tác thấp là các mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác dưới 1 triệu người/tháng và phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gắn công cụ đo trên mạng xã hội có lượng tương tác thấp và mạng xã hội có lượng tương tác lớn để theo dõi lượng người sử dụng tương tác thường xuyên. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát và có văn bản thông báo yêu cầu phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định đối với các mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác từ 1 (một) triệu người/tháng trở lên hoặc có người sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên (tùy theo điều kiện nào đạt trước).

Trong nội dung dự thảo cho biết, chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có quyền, thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức; cung cấp dịch vụ livestream. Bên cạnh đó, mạng xã hội đa dịch vụ khi cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.

Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành nếu thiết lập mạng xã hội phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản (đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp) hoặc phải có giấy phép thiết lập mạng xã hội nếu là mạng xã hội có lượng tương tác lớn...

Quản lý chặt chẽ mạng xã hội

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 12-2019 có 614 mạng xã hội được cấp phép. Tuy nhiên số lượng mạng có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chiếm dưới 10%. Trong khi số lượng người Việt Nam sử dụng mạng Facebook là khoảng gần 60 triệu và Youtube là gần 35 triệu người. Tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp, lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp đa dịch vụ chuyên ngành trên cùng một nền tảng mạng xã hội như dịch vụ truyền hình, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến... gây khó khăn cho công tác quản lý các dịch vụ chuyên ngành.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới điển hình là Facebook và Google đang gây tác động mạnh mẽ đối với xã hội Việt Nam nhưng gần như chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Do vậy, rất cần thiết phải xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013.

Bài, ảnh: VĂN PHONG