Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, ngày 16-6-2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành. Nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Ông Hoàng Anh chỉ ra những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến sở hữu công nghiệp. Đó là sửa đổi, bổ sung Điều 8: Làm rõ chính sách của Nhà nước là sẽ hỗ trợ về tài chính, ưu đãi về thuế, tín dụng và đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết thêm, Luật Sở hữu trí tuệ cũng bổ sung quy định công dân Việt Nam là luật sư được phép hành nghề theo quy định của Luật Luật sư và thường trú tại Việt Nam thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận (không yêu cầu phải qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ).

Luật phân chia 2 nhóm lĩnh vực với điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác nhau là: Nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã giới thiệu những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; khiếu nại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tin, ảnh: LA DUY