19 tỉnh, thành phố chưa báo cáo về dạy thêm, học thêm

Tại hội nghị, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD-ĐT cho biết, việc triển khai Thông tư số 29 tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo từ các Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT nhận thấy nhiều hạn chế cần được khắc phục.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Nguyên nhân đầu tiên là do một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm, dẫn đến tình trạng tràn lan, vi phạm quy định của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Cùng với đó, việc dạy học 2 buổi/ngày chưa hiệu quả, tổ chức chưa nghiêm túc, chưa tận dụng tối đa cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện các nội dung chính khóa, chưa khai thác hết nguồn lực theo nhu cầu học sinh.

Thêm nữa, công văn hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần được điều chỉnh. Một số địa phương chưa có quy định cụ thể, gây lúng túng trong thực hiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu đồng bộ, khiến nhiều giáo viên lo lắng về việc dạy thêm ngoài nhà trường. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu rõ tinh thần và quy định của Thông tư số 29.

Những vấn đề khách quan như thiếu cơ sở vật chất, phụ huynh kỳ vọng cao vào thành tích học tập của con, áp lực thi cử lớn và học sinh chưa chủ động trong việc tự học cũng là những rào cản trong quá trình triển khai thông tư.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông phát biểu.

Đáng chú ý, dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu báo cáo tiến độ triển khai Thông tư số 29, nhưng vẫn còn 19 tỉnh, thành phố chưa gửi báo cáo, trong đó có An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sơn La, Tây Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh cần nhắc nhở nghiêm khắc các địa phương này để bảo đảm việc thực hiện Thông tư số 29 đồng bộ và hiệu quả trên toàn quốc.

Ông Thái Văn Tài cũng chỉ ra một loạt những giải pháp cần tăng cường trong thời gian tới. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung và ý nghĩa của Thông tư số 29 để giáo viên, phụ huynh và học sinh hiểu rõ và thực hiện đúng quy định.

Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nâng cao chất lượng giảng dạy, đa dạng hình thức tổ chức lớp học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, tránh áp lực điểm số. Các trường xây dựng phương án tuyển sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10 phù hợp với thực tế, hạn chế dạy thêm, học thêm không đúng quy định, giảm áp lực thi cử.

Bảo đảm điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, huy động nguồn lực xã hội hóa để mở rộng trường lớp, giúp tất cả học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường. Đề xuất phương án ôn thi lớp 9, lớp 12 hợp lý, tránh ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy chính khóa.

Thay đổi trong cách tính điểm xét tốt nghiệp

Thông tin về những điều chỉnh quan trọng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT lưu ý, nội dung đề thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tập trung chủ yếu vào kiến thức lớp 12. Cấu trúc đề thi được xây dựng với 40% câu hỏi ở mức nhận biết, 30% ở mức thông hiểu và 30% yêu cầu vận dụng. Đặc biệt, đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi có tính ứng dụng thực tiễn nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh, nhất là ở các phần có tính phân hóa cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. 

Một điểm mới đáng chú ý trong kỳ thi năm 2025 là sự điều chỉnh về cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Cụ thể, tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp sẽ được chia đều: 50% từ kết quả thi tốt nghiệp THPT và 50% từ điểm tổng kết quá trình học tập ba năm THPT. Sự thay đổi này nhằm phù hợp với định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không chỉ đánh giá kết quả thi mà còn phản ánh quá trình rèn luyện, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh trong suốt quá trình học tập.

Về công tác tổ chức kỳ thi, một số điều chỉnh đáng chú ý nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi: Kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 buổi thi, trong đó buổi thứ ba tổ chức thi đồng thời cả hai môn tự chọn. Thí sinh sẽ thi tại một phòng duy nhất trong suốt các buổi thi, hạn chế việc di chuyển giữa các phòng, giúp giảm thiểu sai sót trong tổ chức thi.

Quy trình thu bài thi sẽ thực hiện theo phòng thi, không cần phân loại theo môn, giúp tối ưu hóa thời gian và bảo đảm tính chính xác. Mỗi phòng thi duy trì 24 thí sinh nhưng có thể thi tối đa 5 môn khác nhau. Số lượng mã đề thi tăng từ 24 lên 48, bảo đảm tính bảo mật và công bằng trong phòng thi, đặc biệt đối với buổi thi thứ ba có hai môn tự chọn.

Ngoài ra, kỳ thi năm nay sẽ diễn ra đồng thời cho hai nhóm thí sinh: Học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông  2018 và học sinh học theo Chương trình GDPT 2006 (chưa tốt nghiệp hoặc thi lại để xét tuyển đại học).

Để tránh sai sót, một số điểm thi riêng sẽ được bố trí cho học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Hiện nhiều địa phương đã tổ chức thi thử nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, cách thức tổ chức và sắp xếp phòng thi.

KHÁNH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.