Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là tọa đàm đầu tiên với cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo.

Ngành giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

leftcenterrightdel
Quang cảnh tọa đàm. 

Ngày 13-5-2024, Bộ công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. Tại hội thảo đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có 5 chính sách và 6 điểm mới.

Trong đó, 5 chính sách gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo. Luật Nhà giáo được kỳ vọng định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo làm cơ sở đề xuất chính sách; bảo vệ nhà giáo trong hoạt động công việc, an sinh; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới; quy định thống nhất về tuyển dụng; xếp lương nhà giáo cao nhất; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập; tháo gỡ bất cập thừa, thiếu giáo viên.

Một trong những nội dung được nhiều nhà báo quan tâm là quy định liên quan đến chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo trong dự thảo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành, lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục. Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giải thích: Nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề sau khi Luật Nhà giáo có hiệu lực. Những nhà giáo thuộc diện tuyển mới phải trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhà giáo nghỉ hưu, nhà giáo là công dân nước ngoài nếu có nhu cầu được cấp chứng chỉ để giảng dạy tại Việt Nam cũng được cấp chứng chỉ.

Tin, ảnh : BẢO NGỌC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.