Hội thảo do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổ chức Giáo dục Nisai (Anh) tổ chức chiều 20-3, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, hiện nay, thế giới đang dành mối quan tâm sâu sắc đến các nội dung liên quan đến giáo dục đặc biệt và bảo đảm quyền giáo dục cho người có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế trong xã hội. Điều này được coi là thước đo quan trọng ở nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội thảo. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, khẳng định những cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp cơ hội giáo dục cho toàn xã hội, theo đó khẳng định cung cấp giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em, học sinh/học viên khuyết tật để đảm bảo các cơ hội học tập, giáo dục bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhu cầu giáo dục hòa nhập cho các đối tượng nhận giáo dục đặc biệt, Việt Nam thực sự cần phải mở rộng và đa dạng hóa các cơ sở giáo dục đặc biệt để giải quyết các lớp học quá đông và vấn đề đi lại quá xa,… đẩy mạnh thực hiện việc đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt, hỗ trợ phát triển, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên giáo dục đặc biệt; tăng cường cho các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và nỗ lực đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho học sinh, học viên mà trước mắt là đối tượng yếu thế, khuyết tật tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục đặc biệt, chuyên biệt của Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Phòng Giáo dục TP Hà Tĩnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mặc dù, cấp ủy chính quyền và ngành giáo dục Hà Tĩnh trong thời gian qua có nhiều cố gắng, các thầy cô giáo đã tận tâm, trách nhiệm đối với trẻ em khuyết tật nhưng các em cần phải có những giải pháp chăm sóc, giáo dục đặc biệt, phải có môi trường và điều kiện đặc thù với những phương pháp can thiệp, hỗ trợ thường xuyên, liên tục và chuyên nghiệp. Về những kiến nghị, đề xuất, đại diện Phòng Giáo dục TP Hà Tĩnh mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mô hình trường chuyên biệt trên địa bàn Hà Tĩnh; kêu gọi hỗ trợ thúc đẩy các dự án, chương trình trong và ngoài nước về giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật, học sinh khuyết tật; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tổ chức giáo dục học sinh khuyết tật…

leftcenterrightdel
Khởi động Dự án Thí điểm hợp tác giáo dục đặc biệt giữa Nisai Group (Anh Quốc) và tỉnh Hà Tĩnh. 

Theo TS Lê Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình quốc gia đối với bảo đảm các điều kiện cho người khuyết tật được học tập lên cao; phát triển trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp quốc gia và cấp vùng để đảm bảo khả năng hỗ trợ và phát triển giáo dục đồng đều ở tất cả các vùng miền trong toàn quốc. Các trường đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt và các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học sinh ở các cấp học cao hơn để sớm có nguồn lực giáo viên đáp ứng nhu cầu học cao lên của người khuyết tật. Đối với các địa phương chưa có trung tâm, cơ sở giáo dục chuyên biệt cần xây dựng trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đảm bảo đáp ứng nhu cầu được học tập của học sinh khuyết tật.

Tại Hội thảo, ngoài trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục đặc biệt, hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đặc biệt; đào tạo giáo viên cho học sinh đặc biệt, kinh nghiệm thực tiễn dạy học sinh đặc biệt, cũng đã diễn ra Lễ khởi động Dự án Thí điểm hợp tác giáo dục đặc biệt giữa Nisai Group (Anh Quốc) và tỉnh Hà Tĩnh.

Tin, ảnh: HẢI YẾN