TS Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc hội thảo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Vừa qua, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 điều - đây là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, với ngành Giáo dục mà còn có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội ban hành đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Nhà giáo kể từ ngày 1-1-2026, Bộ GD&ĐT phải tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư.

Trong đó có Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà giáo; Nghị định quy định chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo; Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành Giáo dục. 12 Thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, thẩm quyền tuyển dụng, chức danh tương đương, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

Nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo cũng như tiếp tục hoàn thiện các nội dung về nhà giáo, nhân sự trường học trong các Luật đang sửa đổi, bổ sung, tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ về bối cảnh quốc tế và trong nước liên quan đến định hình vai trò, chính sách của nhà giáo, nhà lãnh đạo và nhân sự giáo dục; giới thiệu một số phát hiện về chính sách nhà giáo trong Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2024, 2025, cũng như các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam từ một số nghiên cứu chuyên sâu, như công tác thu thập dữ liệu, dự báo về nhà giáo, công tác nhân sự từ cơ sở giáo dục đại học.

 Quang cảnh hội thảo.

Các bối cảnh và khuyến nghị chính sách từ quốc tế và trong nước sẽ giúp bộ phận thường trực soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo của Bộ cũng như các đại biểu địa phương, cơ sở giáo dục có thêm các góc nhìn đa chiều về chính sách nhà giáo trong nước và quốc tế, để có thể tham gia góp ý, phản biện, tư vấn các chính sách nhà giáo tốt hơn.

Bộ GD&ĐT cũng cung cấp một số định hướng lớn về nội dung chính sách trong các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, để các đại biểu tham dự hội thảo cho ý kiến góp ý và cung cấp các thực tiễn tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình. Đây là những tư liệu quan trọng giúp Bộ hoàn thiện các nội dung hướng dẫn sát thực, phù hợp.

Tin, ảnh: MINH NHÃ - DUY THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.