Tại hội nghị, Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng TT&TT, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng TT&TT là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Hạ tầng TT&TT đặt trong sự liên kết, đồng bộ nội ngành và liên ngành để có thể trở thành hạ tầng của hạ tầng, nền tảng cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội nghị.

Hạ tầng TT&TT hướng đến các giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền, phát huy lợi thế vùng trên cả nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11-1-2024 sau nhiều vòng rà soát, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo quy hoạch, bảo đảm cẩn trọng, kỹ lưỡng và cập nhật đầy đủ các nội dung mang tính chiến lược đề ra trong các nghị quyết có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tầm nhìn dài hạn; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín để hoàn thiện quy hoạch. Việc triển khai quy hoạch thành công sẽ kiến tạo động lực, không gian phát triển cho lĩnh vực TT&TT nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bao trùm và bền vững.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị. 

Hiện nay, mức độ phổ cập hạ tầng TT&TT của Việt Nam cao hơn so với các nước phát triển có thu nhập cao với mức giá thấp: Cụ thể là: Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Trong số 7,3 tỷ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỷ lệ điện thoại thông minh là 63%, thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%. Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng Internet, tiếp cận không gian số. Tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada…

Tin, ảnh: THIÊN HUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.