Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết: Chương trình số 07-Ctr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025.

Trong đó, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% (theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40%); tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, trong đó ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

leftcenterrightdel

TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. 

Hội thảo được tổ chức nằm trong Đề án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến, tập huấn kiến thức về khoa học, công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Đề án 30 của Chương trình số 07-Ctr/TU) nhằm tìm ra những giải pháp, mô hình và đề xuất những cơ chế, chính sách thực hiện chỉ tiêu đề ra.

PGS, TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả giải thích, nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,...); công nghệ sản xuất, bảo quản sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP,...) công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào sản xuất, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo PGS, TS Đặng Văn Đông, nông nghiệp thông minh giúp tận dụng quỹ đất đô thị và sức lao động dôi dư để góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán việc làm và thu nhập trong tiến trình đô thị hóa. Có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như: Cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng,...

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Nguyễn Hồng Thu, Phó giám đốc Trung tâm R&D Chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thông tin, công nghệ Internet vạn vật (IoT) toàn cầu trong thị trường nông nghiệp đạt 11,2 tỷ USD vào năm 2021, tốc độ phát triển dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD và năm 2030. Do đó, Việt Nam cần bắt kịp xu hướng ứng dụng IoT trong lĩnh vực nông nghiệp.

TS Phạm Minh Triển, Phó trưởng khoa công nghệ nông nghiệp, Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển chung của các thành phần tham gia. Đây cũng là mô hình có tính bền vững nghiên cứu phát triển sản phẩm theo định hướng đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã giới thiệu về hệ sinh thái chuyển đổi số ngành nông nghiệp, kết quả nghiên cứu và ứng dụng gói chuyển đổi số nông nghiệp thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp tại Việt Nam, kết quả ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm tại một số mô hình điển hình…

Tin, ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.