Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường học

So với năm học trước, số lượng học sinh vào các trường tại TP Hồ Chí Minh năm nay tăng hơn 35.000 học sinh. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục thành phố khi vừa phải bảo đảm chỗ học cho các em vừa phát triển giáo dục định hướng chất lượng cao. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch phát triển mạng lưới trường học, triển khai xây dựng mới trường, lớp để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tham mưu cho UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách đẩy nhanh các công trình xây dựng trường học, đặc biệt là ở các quận: 7, 12, Bình Tân, Gò Vấp, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh... để tăng cường chỗ học trước tình hình gia tăng dân số cơ học. Như quận Bình Tân đã khởi công xây dựng 6 trường học mới, trong đó có 4 trường tiểu học, một trường mầm non và Trường THCS Bình Trị Đông B. 

leftcenterrightdel

Các em học sinh tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (TP Thủ Đức). Ảnh: MINH TUYẾT 

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024, toàn thành phố đưa vào sử dụng thêm 48 dự án xây dựng trường học với 672 phòng học mới (tăng thêm 371 phòng học). 27 dự án đã hoàn thành với 441 phòng học. Từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 21 dự án đưa vào sử dụng với 231 phòng học mới. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cũng như phối hợp với các sở, ngành tham mưu trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, thành phố có một số cơ chế, giải pháp đặc thù ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng mới trường học. Ngành giáo dục thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học; bảo đảm 100% con em người dân sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học; bảo đảm trang thiết bị tối thiểu cho việc tổ chức giảng dạy và học tập.

Nhiều chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, thu hút giáo viên

Những năm gần đây, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt ở cấp tiểu học. Năm học 2023-2024, TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn giáo viên các bậc học; trong đó, các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Ngoại ngữ luôn trong tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh thiếu nguồn tuyển do số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm từ các trường đào tạo giáo viên hạn chế, một phần nguyên nhân do chính sách đãi ngộ cho giáo viên hiện chưa thu hút sinh viên ra trường đến với nghề dạy học. Hằng năm đều xảy ra tình trạng giáo viên trúng tuyển viên chức nhưng không nhận nhiệm vụ do chọn công việc có thu nhập cao hơn. Đặc biệt, hai môn Ngoại ngữ và Tin học, các trường có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng luôn thiếu ứng viên, gây khó khăn cho công tác giảng dạy.

Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm số giáo viên theo yêu cầu. Theo đó, Sở chỉ đạo sắp xếp, điều tiết giáo viên các cấp giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa-thiếu cục bộ; huy động giáo viên có trình độ, năng lực phù hợp theo quy định hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở các cấp học dưới lên dạy bậc THPT.

Mặt khác, nếu không đủ nguồn nhân sự tại chỗ, các đơn vị có thể liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng ngắn hạn theo quy định; các đơn vị không phân công công tác kiêm nhiệm đối với giáo viên của các môn học còn thiếu giáo viên... Đối với giáo viên cấp tiểu học, Sở đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giữ chân và thu hút giáo viên như: Hỗ trợ thêm 25% số lương cơ bản, khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn, cụ thể trình độ tiến sĩ là 1,5 triệu đồng/người/tháng và 1,2 triệu đồng/người/tháng với trình độ thạc sĩ. Giáo viên mới ra trường được đề nghị hỗ trợ 100% mức lương cơ sở/người/tháng, năm thứ hai hỗ trợ 70% và năm thứ ba hỗ trợ mỗi người một tháng 50% mức lương cơ sở...

Xác định đội ngũ giáo viên với cơ cấu hợp lý, có chất lượng là động lực quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, ngành giáo dục thành phố luôn chú trọng, quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên; tham mưu ban hành nghị quyết về chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các môn Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác. Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu các chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên, quan tâm các đối tượng đặc biệt như vợ chồng trẻ là giáo viên có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn...

HOÀNG NGÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.