Công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực Việt Nam đang đồng hành cùng sự phát triển của thế giới, với việc nghiên cứu, phát triển những công nghệ hiện đại nhất. Điều này có ý nghĩa to lớn, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra.

Nghiên cứu, phát triển những công nghệ hiện đại nhất

Trong năm 2019, ngành công nghiệp CNTT tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018. Các mặt hàng công nghiệp CNTT, đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

leftcenterrightdel

Hệ thống máy móc công nghệ cao tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội. Ảnh: LA DUY

Nước ta là điểm đến của nhiều hãng công nghệ nước ngoài lớn trên thế giới, như Samsung, Microsoft… Tuy vậy, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất sản phẩm phần lớn chỉ dừng ở giai đoạn gia công, lắp rắp. Chính vì vậy, câu hỏi: “Đến bao giờ Việt Nam mới có thể tự chủ công nghệ cao?” được đặt ra trong suốt nhiều năm. Câu trả lời đã có lời giải khi gần đây, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam tuyên bố làm chủ công nghệ và sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ tương đương với những sản phẩm của các hãng lớn trên thế giới.

Giấc mơ về chiếc điện thoại mang thương hiệu Việt đã thành hiện thực khi Tập đoàn Công nghệ Bkav tuyên bố sản xuất điện thoại Bphone, một chiếc điện thoại thông minh do người Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo, tự thiết kế bản mạch và viết phần mềm. Cho đến nay, Bkav đã 3 lần ra mắt điện thoại thông minh với các phiên bản BPhone 1, BPhone 2 và BPhone 3, dòng chữ trên điện thoại Designed by Bkav-Made in Vietnam đã khẳng định vị thế của một sản phẩm thuần Việt. Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Bkav từng chia sẻ, cách làm điện thoại thông minh của Bkav là tập trung vào sứ mệnh sản xuất ra chiếc điện thoại hoàn toàn của người Việt Nam chứ không chỉ tập trung vào thương mại. Tuy Bphone vẫn cần hoàn thiện hơn để chinh phục người dùng trong nước nhưng sự ra đời sản phẩm này là động lực cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tiếp tục định hướng sáng tạo các sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam". Hai năm gần đây, một thương hiệu điện thoại Việt khác cũng xuất hiện, đó là Vsmart của Tập đoàn Vingroup, được đầu tư bài bản và sản xuất theo mô hình của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Dù mới công bố gia nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại vào tháng 6-2018, Vingroup đã cho ra mắt thị trường tổng cộng 11 mẫu điện thoại. Vingroup cũng cho biết đang nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông 5G.

Một sự kiện công nghệ đặc biệt quan trọng khác của Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông là vào ngày 17-1 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G do chính Viettel nghiên cứu, sản xuất. Sự kiện này đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất”.

Chuyển dịch từ vai trò thụ động sang chủ động

Không chỉ lĩnh vực phần cứng, điện tử viễn thông có những bước chuyển mình mà ngay cả đối với công nghiệp phần mềm cũng vậy. Theo đánh giá từ bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, thời gian gần đây, từ chia sẻ của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp phần mềm trẻ đang làm cho thị trường Nhật Bản cho thấy, không ít doanh nghiệp Việt Nam làm phần mềm xuất khẩu đã và đang có sự chuyển dịch từ vai trò thụ động sang chủ động hơn trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho các khách hàng, tham gia sâu cùng với khách hàng ngay từ khâu nghiên cứu sản phẩm; khách hàng chỉ đặt đầu bài, doanh nghiệp tự tìm lời giải và thực hiện.

leftcenterrightdel

Hoạt động sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P. Ảnh: VŨ DUNG

Có thể thấy, mỗi một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang có cách tiếp cận riêng của mình để đổi mới và phát triển, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước. Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển CNTT, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của CMCN 4.0. Điều này đã được thể hiện qua các văn bản pháp luật, như: Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW (Nghị quyết 52) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Ngay đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Công nghệ phát triển không ngừng và luôn thay đổi, chính vì vậy, nếu doanh nghiệp công nghệ Việt không nhanh chân đầu tư nghiên cứu, đổi mới chính mình, việc tụt hậu và bị loại khỏi thị trường là điều tất yếu. Tuy nhiên, làm công nghệ là làm những điều mới, do vậy, vai trò và sự dẫn dắt của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Điều này được ông Nguyễn Tử Quảng nhấn mạnh: “Những gì chúng ta đã làm được trong gần 20 năm qua cho thấy người Việt Nam thực sự có năng lực và nếu được đầu tư đúng hướng, có sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc về an ninh mạng cũng như dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất điện tử thông minh, khoa học công nghệ như Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần nhấn mạnh kỳ vọng này”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính khẳng định: “Doanh nghiệp công nghệ cần hai điều kiện cơ bản để phát triển là môi trường và thể chế. Cơ chế, chính sách phải minh bạch, rõ ràng và có tính dự báo”.

Đồng hành cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, một điều quan trọng không kém để CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn chính là cần thay đổi tâm lý sính đồ ngoại, xoá bỏ định kiến sản phẩm công nghệ của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với sản phẩm công nghệ nước ngoài. Giám đốc Kỹ thuật Công ty MK Smart Lê Minh Quốc chia sẻ thực trạng, trên thực tế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, doanh số xuất khẩu sản phẩm của MK Smart từ các thị trường nước ngoài như Nhật, châu Phi, Đông Nam Á… thường chiếm tới 60-70% tổng doanh số của công ty. Ông Quốc bày tỏ: “Chúng tôi rất mong muốn làm được nhiều hơn ở thị trường Việt Nam. Hiện nay, các cơ quan, tổ chức và người dùng tại Việt Nam vẫn có tâm lý thích sử dụng sản phẩm ngoại nhiều hơn. Ngay với sản phẩm hệ điều hành con chip, thẻ sim, thẻ ngân hàng… của MK Smart làm ra rất vất vả nhưng khi tìm cách bán cho các đơn vị trong nước gặp nhiều rào cản”.

Khi người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm công nghệ Việt sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phải liên tục đầu tư nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thành công với thị trường nội địa sẽ là bàn đạp để doanh nghiệp công nghệ tiếp tục chinh phục thị trường nước ngoài. Ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định “Nếu thay đổi định kiến, trong 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ, và trong 15 năm tiếp theo có thể trở thành cường quốc về công nghệ”./.

TRÀ MY