Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết: Ngày 16-6-2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một bước phát triển mới của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của mình một cách hiệu quả và hữu ích.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo.

Trong thời gian qua, mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng cho thấy nhu cầu và nhận thức về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức và cá nhân trong nước đã gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức của tất cả các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cập nhật về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2022, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã định nghĩa cụ thể về khái niệm “đồng tác giả” là đồng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp được kết hợp thành một tổng thể. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cũng cho phép chuyển giao quyền nhân thân, bổ sung một số căn cứ mới cho việc hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế…

Tin, ảnh: LA DUY