Ngày 14-4, thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, 169 hạt sen giống của Việt Nam sẽ cùng các phi hành gia thực hiện hành trình vượt ra ngoài Trái Đất vào tối 14-4 trên tàu New Shepard bay vào không gian diễn ra lúc 20 giờ 30 phút (giờ Hà Nội) ngày 14-4 tại Van Horn, Texas, Hoa Kỳ.
Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong khám phá không gian và mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cũng theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cơ quan này đã hợp tác với nữ phi hành gia người Mỹ gốc Việt Amanda Nguyễn trong sứ mệnh không gian lịch sử NS-31 với phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên của Tập đoàn hàng không vũ trụ Blue Origin (Hoa Kỳ).
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tổ chức sự kiện theo dõi trực tuyến chuyến bay NS-31 từ 20 giờ đến 21 giờ tại phòng 903, tòa nhà A6, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Link chiếu trực tiếp chuyến bay NS-31 cập nhật tại trang web chính thức của Blue Origin: https://www.blueorigin.com.
Trong chuyến bay này, phi hành gia Amanda Nguyễn sẽ mang theo 169 hạt sen giống (Nelumbo nucifera) của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Những hạt sen này sẽ trở về sau sứ mệnh để mở ra các nghiên cứu về ảnh hưởng của không gian lên sự sinh trưởng, góp phần vào khoa học thực vật và khám phá vũ trụ.
 |
Tàu New Shepard của Blue Origin. Ảnh: VNSC. |
Amanda Nguyễn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian. Đồng hành cùng Amanda trong sứ mệnh NS-31 là 5 phi hành gia nữ xuất sắc: Aisha Bowe, nguyên kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ gốc Bahamas; Gayle King, nhà báo nổi tiếng; Katy Perry, ca sĩ và nhà từ thiện; Kerianne Flynn, nhà sản xuất phim; Lauren Sánchez, phi công trực thăng và nhà báo. Đây là phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ chuyến bay của Valentina Tereshkova năm 1963, thể hiện bước tiến trong bình đẳng giới trong ngành không gian.
 |
Mỗi phi hành gia có một ghế ngồi cạnh cửa sổ trong khoang phi hành đoàn rộng rãi và có áp suất. Cabin có sức chứa sáu người và được kiểm soát môi trường để tạo sự thoải mái. Ảnh: Blue Origin. |
Sự kiện này như một nhịp cầu gắn kết hai nước Việt Nam và Mỹ qua khát vọng chung: Gieo những hạt giống ước mơ để vươn tới vũ trụ bao la. Hành trình ấy càng thêm ý nghĩa khi mang dấu ấn của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, với cái tên “lotus” gợi nhắc đến LOTUSat-1 – vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam – minh chứng cho tinh thần vươn xa của dân tộc trong kỷ nguyên không gian.
HỒNG QUANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.
Ngày 21-12, tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm.
QĐND Online - Ngày 19-9, tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc – Hà Nội đã diễn ra Lễ khởi công dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam...