Phòng Toán-máy tính, Viện Kỹ thuật quân sự (tiền thân của Viện CNTT ngày nay) là một trong những đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực CNTT đầu tiên của cả nước. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lê Minh Đức, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện CNTT cho biết, đầu năm 1974, với tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về vị trí, vai trò của ngành CNTT, Phòng Toán-máy tính được tiếp nhận chiếc máy tính điện tử Minsk-32 do Liên Xô tài trợ. Đây là chiếc máy tính hiếm hoi của cả nước thời điểm ấy. Ngày 15-4-1974, máy tính chính thức được khởi động và in ra chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với nụ cười rạng rỡ. Đánh dấu sự kiện ý nghĩa này, ngày 15-4-1974 được lấy làm ngày truyền thống của đơn vị.

Theo Đại tá, TS Đỗ Việt Bình, Viện trưởng Viện CNTT, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, nhân viên Viện CNTT luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, Viện luôn bám sát thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, nhu cầu của công cuộc xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học, thực tiễn cao, thiết thực phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội.

leftcenterrightdel

 Lãnh đạo, chỉ huy Viện Công nghệ thông tin kiểm tra sản phẩm "Hệ thống tích hợp thông tin cho người lính bộ binh" do Viện nghiên cứu chế tạo. 

Chia sẻ của Đại tá, TS Đỗ Việt Bình được minh chứng qua thực tiễn hoạt động của Viện cũng như nhiều sản phẩm khoa học chất lượng, mang dấu ấn của một đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu về lĩnh vực CNTT. Ngay từ những ngày mới thành lập, mặc dù lực lượng mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng với phương châm “vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã bám sát yêu cầu thực tiễn, sự chỉ đạo của cấp trên, tổ chức nghiên cứu, vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống máy tính Minsk-32, triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về toán-máy tính, thiết thực giải quyết một số vấn đề kỹ thuật phục vụ công tác chỉ huy, như: Tính toán một số khâu trong quá trình khai mã, lập từ điển mã, tính các bảng bắn cho pháo binh, tính toán các bảng số phục vụ tên lửa...

Nhờ sự nỗ lực, say mê nghiên cứu, các thế hệ cán bộ khoa học của Viện đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm khoa học có giá trị, ứng dụng hiệu quả trong thực tế, tiêu biểu như: Hệ thống tự động kiểm tra tên lửa Kh-35E; hệ thống tác nghiệp, tính toán, thể hiện phương án tác chiến biển đảo trên nền hải đồ số và sa bàn số 3D; hệ thống CNTT hỗ trợ diễn tập chỉ huy-cơ quan cấp trung, sư đoàn... Đặc biệt, một sản phẩm góp phần tạo nên thương hiệu của Viện CNTT là “Phần mềm kiểm phiếu phục vụ đại hội đảng các cấp”. Từ năm 2015, phần mềm đã được ứng dụng tại đại hội đảng của nhiều đơn vị, sau đó tiếp tục được hoàn thiện và ứng dụng để phục vụ công tác kiểm phiếu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng cùng các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội.

Những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện CNTT tập trung vào các hướng cơ bản: Nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong khai thác, làm chủ và bảo đảm kỹ thuật cho các hệ thống vũ khí trang bị hiện đại, công nghệ cao, trọng tâm là của Quân chủng Hải quân và Quân chủng Phòng không-Không quân; nghiên cứu, ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ huy, tham mưu, huấn luyện, diễn tập và trong công tác quản lý, điều hành. Chỉ tính trong giai đoạn 2019-2024, Viện đã triển khai thực hiện 48 dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ các cấp, trong đó có 2 đề tài, dự án cấp Nhà nước, 11 đề tài cấp Bộ Quốc phòng. Các đề tài, nhiệm vụ đều được triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt. Sản phẩm của các đề tài, nhiệm vụ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cũng như phục vụ công tác chỉ huy, tham mưu, quản lý, điều hành trong toàn quân.

Theo Đại tá, TS Đỗ Việt Bình, thời gian tới, Viện CNTT tiếp tục nắm chắc nhu cầu thực tiễn, đẩy mạnh các hướng nghiên cứu nói trên, trong đó chú trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác nhằm ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, thông minh hóa vũ khí trang bị... “Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực nhằm làm chủ các công nghệ nền, công nghệ lõi; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm hạ tầng tính toán, tạo môi trường thử nghiệm vũ khí trang bị... Đồng thời, bám sát định hướng nghiên cứu của cấp trên để định hướng cho từng phòng, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ khoa học; tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo đảm tiến độ công việc, các đề tài nghiên cứu ứng dụng phải có sản phẩm cụ thể để đưa vào sử dụng”, Đại tá, TS Đỗ Việt Bình cho biết.

Bài và ảnh: NGUYỄN TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.