Với phương châm “Tất cả vì sự trưởng thành của học viên”, nhà trường đã thi đua đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong đó, tập trung cải tiến chương trình đào tạo các đối tượng từ đơn vị học trình sang tín chỉ; xây dựng chương trình, triển khai đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội 4 năm và trung cấp lý luận chính trị; phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức giảng dạy học phần “Thực hành nghệ thuật” đem lại hiệu quả thiết thực...
|
|
Lãnh đạo nhà trường và giảng viên, học viên khóa CT28 trao đổi phương pháp giảng dạy nội dung văn hóa dân tộc, tháng 8-2023. Ảnh: NGỌC SƠN |
Phong trào TĐQT tiếp tục tạo động lực thúc đẩy các lực lượng nâng cao chất lượng công tác khoa học quân sự, hướng hoạt động NCKH vào làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Hoạt động NCKH của nhà trường có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Nhà trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học, tạo sự lan tỏa, khẳng định vị thế, uy tín; thường xuyên quan tâm, coi trọng xây dựng nguồn nhân lực khoa học. Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự, website, Cổng thông tin điện tử hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Công tác thông tin khoa học quân sự ngày càng được đổi mới và hoạt động có chiều sâu. Nhà trường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giải thưởng “Phát triển văn hóa đọc” năm 2021.
Công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và Phong trào TĐQT đã cổ vũ, động viên các lực lượng thi đua đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, tạo môi trường thực tiễn sinh động để rèn luyện học viên theo mục tiêu đào tạo. Nhà trường phối hợp với các địa phương trên địa bàn đóng quân triển khai Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trọng tâm là phối hợp phát động, hưởng ứng, tham gia các cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Luôn tiên phong trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có nhiều giải pháp đột phá về công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ gắn với thực hiện tốt các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
|
|
Lãnh đạo nhà trường kiểm tra, động viên học viên khóa CT25 thi tốt nghiệp môn Chiến thuật, tháng 6-2024. Ảnh: NGỌC SƠN |
Bên cạnh đó, các lực lượng trong nhà trường đã tích cực thi đua thực hiện có hiệu quả khâu đột phá “Nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm quân nhân trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định. Tăng cường quản lý, nắm bắt tình hình tư tưởng và các mối quan hệ của quân nhân bằng nhiều biện pháp tích cực, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết xử lý nghiêm túc, dứt điểm, đúng quy trình, có tính giáo dục các hành vi vi phạm, tuyệt đối không bao che, giấu giếm khuyết điểm.
Các cơ quan, đơn vị trong nhà trường gắn kết chặt chẽ Phong trào TĐQT với thực hiện các phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, qua đó đã động viên cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ chủ động, sáng tạo, vượt khó nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính.
Từ thực tiễn tổ chức Phong trào TĐQT, nhà trường đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả như: “Đàm thoại pháp luật”, “Mỗi giảng viên là một báo cáo viên pháp luật”, “Bút thép”, “Câu lạc bộ tiếng Anh”, “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, “Ban nhạc học viên”, “Chi đoàn viết báo”, “Chi đoàn ứng dụng công nghệ thông tin”, “Cây bút nữ”, “Bài giảng 3 tốt”, “Bài giảng mẫu”, “Giờ giảng hay”, “Bộ 3 cùng tiến”, “Đôi bạn 15 điểm”; “Tuần chấp hành điều lệnh kiểu mẫu”, “Quân nhân 4 tốt”, "Tiểu đội 3 tiêu biểu", “Tổ bảo đảm hậu cần-kỹ thuật 4 tốt”, “Tổ quân y 5 tốt”, “Tổ lái xe an toàn”, “Cán bộ, nhân viên tài chính học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”..., trong đó có nhiều mô hình được nhân rộng, lan tỏa trong phạm vi toàn quân. Từ thực tiễn và kết quả triển khai thực hiện Phong trào TĐQT, nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm quý:
Một là, Phong trào TĐQT phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời nêu cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp. Các hoạt động thi đua phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự, gắn tổ chức phong trào thi đua với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc xác định nội dung, chỉ tiêu các phong trào, các đợt thi đua phải tập trung, đột phá, giải quyết dứt điểm các khâu yếu, mặt yếu.
Hai là, coi trọng xây dựng và nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến với lộ trình, bước đi phù hợp. Đề cao dân chủ trong phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, bảo đảm “đúng người, đúng việc, đúng đối tượng”. Nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng, phát huy điển hình tiên tiến phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để điển hình tiên tiến phát huy năng lực thông qua hoạt động thực tiễn, tham gia hội thi, hội thao hoặc thực tập các chức danh tại nhà trường và đơn vị cơ sở...
Ba là, công tác khen thưởng phải được triển khai thực hiện thực chất, hiệu quả, hướng về cơ sở, ưu tiên lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, đột xuất. Thường xuyên coi trọng và thực hiện tốt quy trình hai chiều trong công tác khen thưởng, đó là: Cơ sở đề nghị và cấp trên phát hiện. Phát huy hiệu quả vai trò của Cơ quan Thường trực Hội đồng TĐKT; tổ TĐKT các cấp và các tổ chức quần chúng, tập thể quân nhân trong tham gia vào quy trình khen thưởng trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện vô nguyên tắc, tiêu cực, ganh đua, chạy theo thành tích.
Bốn là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua cao điểm; triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu; nhạy bén, chủ động sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về TĐKT và triển khai thực hiện thống nhất trong toàn trường.
Năm là, gắn kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác TĐKT và Phong trào TĐQT với kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ chủ trì các cấp; thực hiện tốt chính sách ưu tiên đối với những tập thể, cá nhân có thành tích toàn diện, tiêu biểu, xuất sắc, tạo động lực cổ vũ, khích lệ, động viên cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trung tướng NGUYỄN QUỐC TUẤN, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.