Với chủ đề “Vinh quang Bộ đội Cụ Hồ”, hội thi năm nay đã thu hút 66 thí sinh đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Hải quân, Học viện Phòng không-Không quân, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp và Trường Sĩ quan Không quân. Bước vào vòng bảng các đội tranh tài hai ở phần thi là chào hỏi và hùng biện được thể hiện qua các video clip.
 |
Ban tổ chức trao cờ lưu niệm tặng các đội tham gia hội thi. |
Đội Học viện Kỹ thuật quân sự đạt điểm cao nhất và cùng với các đội Học viện Phòng không- Không quân, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Học viện Hải quân, bước vào chung kết với hai phần thi là kiến thức (Kiểm tra kiến thức về Quân đội nhân dân Việt Nam) và hùng biện. Trong từng nội dung thi, các thí sinh đã gây ấn tượng mạnh mẽ, khi thể hiện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết rất thuần thục, trôi chảy.
Trong phần thi kiểm tra kiến thức, Ban giám khảo đã có những câu hỏi xoáy nhằm tạo điểm nhấn, sự đột biến. Với bản lĩnh và những kiến thức được trang bị, các thí sinh tự tin đáp xoay lưu loát bằng tiếng Nga, tạo lên bầu không khí thích thú, thoải mái, trí tuệ.
 |
Người thân của thí sinh hòa chung niềm vui hội thi.
|
Phần gay cấn nhất của cuộc thi được đẩy lên cao trào đó là màn tranh tài ở phần thi kiến thức, với những câu hỏi về Đảng, Bác Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ban giám khảo và khán giả ngỡ ngàng bởi vốn tiếng Nga của các thí sinh dường như không thua dân chuyên ngữ là mấy. Các thí sinh đã cháy hết mình, ganh đua từng điểm, từng giây. Chính vốn ngoại ngữ và sự hiểu biết của họ khiến Hội đồng chấm thi phải làm việc khá căng thẳng để chọn ra đội chiến thắng cuối cùng.
Là đội xuất sắc đoạt giải nhất hội thi, đội Học viện Kỹ thuật Quân sự không những đã chứng tỏ được khả năng ngoại ngữ và vốn kiến thức hiểu biết tốt mà còn thể hiện được khả năng trình bày vấn đề về khoa học, văn hóa, lịch sử bằng ngoại ngữ một cách tự tin, thuyết phục.
Đạt điểm cao nhất trong nội dung lựa chọn cá nhân tài năng, Thượng sĩ Đinh Văn Ngọc, Học viên Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết: "Các đội thi năm nay đều rất mạnh. Khi biết đoạt giải nhất, toàn đội rất phấn khởi. Đây là món quà ý nghĩa cho những nỗ lực hết mình của các thành viên trong suốt những tháng qua, cũng như sự hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa của Ban giám đốc học viện, các thầy, cô giáo”. Cuộc thi không chỉ là cơ hội trau dồi kiến thức, hiểu biết về ngôn ngữ mà còn là dịp rèn luyện tính tổ chức, tinh thần tập thể, cũng như học các phương pháp tổ chức, điều hành và nhiều kỹ năng mềm khác.
Có tình yêu say mê với tiếng Nga thông qua những các tác phẩm văn học Nga, qua những bài hát Nga, Thượng sĩ Phương Nhật Minh, thành viên Đội Học viện Phòng không – Không quân cho rằng: “Cuộc thi đã giúp chúng tôi tự tin hơn rất nhiều với khả năng sử dụng ngoại ngữ của mình. Tôi hy vọng được tiếp xúc với tiếng Nga nhiều hơn và nếu có cơ hội sẽ học thêm một ngoại ngữ khác để phục vụ cho công việc và cuộc sống”.
Minh rất tự hào khi đã đóng góp một phần giúp đội đoạt giải Nhì. Không giấu niềm vui Minh tâm tình, giải thưởng thực sự là món quà khích lệ với cá nhân và cũng là món quà tinh thần khích lệ phong trào học ngoại ngữ của học viên toàn trường.
Trong suốt quá trình tham dự cuộc thi, các thí sinh đã nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Cục Nhà trường. Trực tiếp theo dõi phần thi của các thí sinh Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) khẳng định tầm quan trọng của việc học và phát triển phong trào học ngoại ngữ trong các học viện, nhà trường quân đội, góp phần xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đây là dịp để lựa chọn những học viên có năng khiếu về ngoại ngữ, làm nòng cốt để đào tạo ra thế hệ sĩ quan tương lai giỏi ngoại ngữ, vững chuyên môn, đủ khả năng khai thác trang thiết bị, vũ khí hiện đại và làm tốt công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại quốc phòng.
Thông qua Hội thi đánh giá chất lượng dạy và học tiếng Nga, trao đổi kinh nghiệm, học tập giữa các học viện, nhà trường, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ngoại ngữ. Từ đó, tiếp tục "truyền lửa" cho các thế hệ học viên mở rộng phong trào học tiếng Nga, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa Nga, đáp ứng yêu cầu phát triển quân đội và tăng cường giao lưu đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc phòng...
PHƯƠNG HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.