Kể từ mốc son lịch sử ấy, ngành Cơ yếu đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Từ lớp đào tạo mật mã đầu tiên chỉ vỏn vẹn 20 cán bộ, chiến sĩ, với trang thiết bị, kỹ thuật thô sơ, thiếu thốn trăm bề của ngày đầu thành lập, trong suốt chặng đường gần 80 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam không ngừng nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, từng bước trưởng thành và phát triển về mọi mặt, lập nên nhiều thành tích, chiến công thầm lặng nhưng vô cùng hiển hách, vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, viết nên trang sử hào hùng của ngành Cơ yếu cách mạng Việt Nam.
|
|
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và làm việc với Học viện Kỹ thuật Mật mã về việc đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, tháng 3-2024. |
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong Chỉ thị thành lập Ban Mật mã quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng giao trọng trách cho ngành Cơ yếu: “Phải tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ chính quyền cách mạng”. Người nhấn mạnh: “Giữ bí mật Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch”. Với ý nghĩa đó, ngày 9-5-1950, khi đến thăm lớp đào tạo nhân viên mật mã thuộc Phòng mật mã, Bộ Tổng Tham mưu tại rừng Bản Cọ, xã Yên Thông (Định Hóa, Thái Nguyên), Người đã căn dặn: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... Bác dặn các cô, chú: Làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”.
Thực hiện lời huấn thị của Bác, ngành Cơ yếu Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nỗ lực vượt qua muôn ngàn khó khăn thử thách, vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa nghiên cứu phát triển kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước qua các giai đoạn cách mạng khốc liệt nhất.
|
|
Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức tọa đàm về Phát triển Học viện Kỹ thuật Mật mã.
|
Không chỉ đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mình, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, ngành Cơ yếu Việt Nam còn sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia chống lại kẻ thù chung, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần khắc sâu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tốt đẹp trong lòng nhân dân nước bạn.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành Cơ yếu Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành - Tận tụy - Đoàn kết - Kỷ luật - Sáng tạo” được xây đắp bằng sự hy sinh xương máu, trí tuệ và công sức của các thế hệ cán bộ cơ yếu đi trước, luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đánh giá đúng tình hình, nắm chắc thời cơ, thực hiện phương châm “đi tắt, đón đầu”, tiếp thu các thành tựu về tri thức khoa học và bí quyết công nghệ trong lĩnh vực mật mã của thế giới, xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam tiên tiến, hiện đại.
Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là quản lý nhà nước về công tác cơ yếu; xử lý có hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh thông tin, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, tạo sự ổn định thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, Ban Cơ yếu Chính phủ luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, nhạy bén và tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; ngăn chặn kịp thời và vô hiệu hóa làm thất bại âm mưu cài cắm gián điệp, thu tin mã thám, các hoạt động móc nối, mua chuộc lấy cắp thông tin bí mật nhà nước.
Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 5-3-2020 về “Chiến lược phát triển Ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ngành Cơ yếu đã tập trung quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương liên quan đến lĩnh vực cơ yếu và bảo mật, an toàn, an ninh thông tin tới tất cả các cơ quan, đơn vị.
Nhìn lại chặng đường 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Cơ yếu càng cảm thấy vinh dự và tự hào về truyền thống hào hùng, rực rỡ chiến công của ngành Cơ yếu đã góp phần bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, cũng như sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước ngày nay.
Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.