Xây dựng “Nhà trường thông minh” bằng nội lực

Câu chuyện được Đại tá Vũ Quang Khởi, Phó chính ủy Trường Sĩ quan Thông tin chia sẻ với đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân. Với ưu thế về đặc thù loại hình đào tạo cùng nguồn nhân lực là đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên có kiến thức về công nghệ nên trước kia, khi hầu hết các nhà trường Quân đội vẫn đang “trung thành” với bài giảng theo phương pháp cũ dựa vào phấn trắng, bảng đen, Trường Sĩ quan Thông tin đã bắt đầu triển khai xây dựng bài giảng điện tử. Bắt đầu từ một vài giảng viên, một vài bộ môn rồi trở thành yêu cầu bắt buộc ở tất cả bộ môn, mọi giảng viên. Phong trào số hóa, điện tử hóa giúp kho học liệu điện tử của nhà trường không ngừng mở rộng, phát triển. Các phần mềm mô phỏng, phần mềm dạy học, các giảng đường hiện đại được đầu tư phát triển.

Ngay cả khi nguồn đầu tư của trên về số hóa còn hạn chế, thậm chí khi chưa có kinh phí, Trường Sĩ quan Thông tin vẫn thực hiện “chiến lược” xây dựng “Nhà trường thông minh” từ nội lực của chính mình, với mục đích nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục-đào tạo, giúp học viên tiếp cận công nghệ, tri thức hiện đại, thành thạo, hiểu rõ về lĩnh vực thông tin quân sự, từ đó đào tạo những sĩ quan thông tin tương lai không chỉ đủ khả năng đảm nhiệm tốt cương vị được giao mà còn nắm rõ, đi trước một bước so với sự phát triển công nghệ của đơn vị. Theo Trung tá Võ Tá Tý, Chủ nhiệm Bộ môn Điện tử số, Khoa Cơ sở, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài giảng mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Công việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm chuyên dụng và các công cụ hỗ trợ vào thiết kế nội dung cũng như tổ chức giảng dạy, tận dụng thế mạnh của công nghệ để thực hiện cá nhân hóa học tập. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của học viên cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ, sổ sách thông thường.

leftcenterrightdel
Giảng viên huấn luyện thực hành khai thác khí tài thông tin Vsat cho học viên Trường Sĩ quan Thông tin. Ảnh: TUẤN ANH 

 

Khắc phục triệt để tình trạng “huấn luyện chay”

Những năm trước đây, có một thực tế là phần lớn học viện, nhà trường Quân đội cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp, vũ khí, trang bị kỹ thuật lạc hậu hơn hẳn so với đơn vị; cán bộ, giảng viên, giáo viên chưa có nhiều thực tế tiếp cận, vận hành trên vũ khí, khí tài mới, hiện đại, thậm chí có nội dung “huấn luyện chay”... nên ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, hướng dẫn thực hành cho học viên. Để khắc phục tình trạng này, các học viện, nhà trường Quân đội cũng như Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Không quân và Trường Sĩ quan Thông tin đã tăng cường công tác xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 917/1999/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, các học viện, nhà trường nói trên đã quán triệt nghiêm chủ trương xây dựng “Nhà trường thông minh”, tích cực huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển nhà trường Quân đội trong tình hình mới.

Những giờ huấn luyện tại Trung tâm mô phỏng, các học viên phi công khóa 48 của Trường Sĩ quan Không quân rất hào hứng với những nội dung huấn luyện sử dụng trang bị trong buồng lái, thiết bị điều khiển, nắm chắc địa hình, khu vực bay trên các sân bay, nâng cao kỹ năng quan sát trong khi bay, xác định tốt hướng bay, môi trường bay trong điều kiện thời tiết đơn giản, ban ngày, ban đêm và luyện tập xử lý tình huống bất trắc trên không trên hệ thống mô phỏng máy bay IaK-52, L-39... Trung tá Đặng Ngọc Triệu, Chỉ huy trưởng Trung tâm mô phỏng, chia sẻ: “Các mô hình rất sát với điều kiện thực tế nên cán bộ, giảng viên, học viên mỗi khi thực hành các bài bay theo quy trình đào tạo phi công của nhà trường đều rất say mê. Qua các buổi tập giúp phi công rèn thao tác thành kỹ năng, kỹ xảo, bảo đảm thuần thục trang thiết bị buồng lái, quy trình mở máy động cơ, các thiết bị thuộc chuyên ngành kỹ thuật hàng không, sử dụng thành thạo thiết bị điện tử, thiết bị thoát hiểm... để khi tiếp cận với máy bay thật không bị bỡ ngỡ”.

Những năm gần đây, Trường Sĩ quan Không quân đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bảo đảm tốt chế độ, chính sách, khuyến khích đội ngũ giảng viên phấn đấu, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ đào tạo được đầu tư tương đối đồng bộ, từ nhà xưởng, sân bay, thao trường, bãi tập... đến các phòng thí nghiệm, phòng tập bay mô phỏng, phòng học chuyên dùng được trang bị khá hiện đại. Hệ thống thư viện có đủ giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Với đặc thù của công tác đào tạo không quân, nếu không có máy bay, sân bay, trang thiết bị, khí tài thay thế, không đủ nhiên liệu thì không thể huấn luyện bay và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Vì thế, nhà trường đã chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả trang bị, vũ khí, khí tài; thực hiện giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm là biện pháp tốt nhất, làm cơ sở để nhà trường vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, giúp đội ngũ giảng viên sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học hiện đại, phần mềm mô phỏng trong giảng dạy, từ đó chấm dứt tình trạng “học chay” của học viên”.

Tích cực ứng dụng khoa học-công nghệ trong giáo dục, đào tạo

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, Học viện Hải quân đã tích cực ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ trong bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Chuẩn đô đốc, PGS, TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Học viện Hải quân, cho rằng: “Học viện đã tập trung kết hợp cải tạo, nâng cấp với đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo bằng nguồn ngân sách trên cấp. Trước mắt, ưu tiên nâng cấp hệ thống phòng học chuyên ngành, phòng học mô phỏng, phòng thực hành, thực nghiệm... đáp ứng yêu cầu dạy-học hiện đại và nghiên cứu khoa học; đầu tư chương trình số hóa dữ liệu và xây dựng bài giảng dùng chung kết hợp với nghiên cứu, đầu tư thiết bị dạy-học theo hướng tích hợp, hệ thống, đồng bộ, phát huy tối đa khả năng khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại phục vụ nhiệm vụ đào tạo".

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, cùng với chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự, công tác khảo thí, các học viện, nhà trường nói trên đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh; đa dạng hóa hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng đầu vào các đối tượng đào tạo. Đồng thời, tổ chức xét tuyển, thi, kiểm tra đầu vào cho các lớp nghiên cứu sinh, cao học và các đối tượng đào tạo theo chức vụ, hoàn thiện đại học; chủ động mở các lớp tạo nguồn tuyển sinh dự bị đại học đúng quy chế, quy định, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của học viện, nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vướng mắc, trăn trở, đó là tình trạng thí sinh thi vào các trường Quân đội có xu hướng giảm, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... do đó cần phải có giải pháp lâu dài để thu hút đầu vào chất lượng.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng và hệ thống nhà trường Quân đội. Tận dụng tính tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của nó và xác định rõ vấn đề đặt ra đối với các nhà trường Quân đội nói chung, ở Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Không quân, Trường Sĩ quan Thông tin là hết sức cần thiết. Do đó, việc xây dựng “Nhà trường thông minh”, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao. Các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân cần chủ động tiếp cận, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nghiên cứu, cụ thể hóa thành các giải pháp để thực hiện hiệu quả những vấn đề nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mục tiêu Trường Sĩ quan Thông tin đặt ra đến năm 2025 là: 100% cán bộ cơ quan, đơn vị khai thác thành thạo các phần mềm phục vụ công tác giáo dục-đào tạo, huấn luyện chiến đấu, nghiên cứu khoa học và quản lý chuyên môn, chuyên ngành; 100% giảng viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin vào quá trình giáo dục, đào tạo; xây dựng bài giảng E-learning; đổi mới phương pháp dạy học, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên phù hợp với quá trình chuyển đổi số. 
 

Nhóm phóng viên