Cung chưa theo kịp cầu

Với vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học-công nghệ hàng đầu cả nước, TP Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định tiềm năng trở thành trung tâm AI của Việt Nam và khu vực. Thành phố sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống các trường đại học mạnh về công nghệ, cùng sự tham gia của nhiều trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ lớn như: FPT, VNPT, Viettel, VNG và các startup AI đầy tiềm năng.

Không chỉ tập trung vào nghiên cứu, TP Hồ Chí Minh còn đẩy mạnh ứng dụng AI vào thực tiễn, đặc biệt trong giao thông thông minh, y tế, tài chính, thương mại điện tử và tự động hóa, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế.

Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị y tế tiên phong triển khai máy Spectral CT7500 gắn công nghệ AI trong chẩn đoán hình ảnh. Ảnh: KIỀU OANH 

Dù sở hữu tiềm năng lớn, TP Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực AI. Số lượng nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, trong khi chương trình đào tạo chưa theo kịp yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động.

PGS, TS Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố hiện có 58 cơ sở đào tạo đại học, với 18 chương trình đào tạo thuộc các ngành khoa học máy tính, thị giác máy tính, khoa học dữ liệu, công nghệ tri thức, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI. Trong đó, chỉ có 10 chương trình đào tạo chuyên sâu về AI và khoa học dữ liệu, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chưa đến 800 sinh viên mỗi năm.

Nhu cầu nhân lực AI đang tăng mạnh, dự báo 10-25% mỗi năm đến năm 2025 (theo khảo sát tại 82 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh) nhưng chất lượng nhân sự vẫn là một thách thức lớn. Chỉ 25% doanh nghiệp nhận định nguồn nhân lực AI hiện tại đủ số lượng, trong khi chỉ 35% đánh giá đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. 

Các chính sách thu hút nhân tài AI 

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thu hút nhân lực AI với loạt chính sách ưu đãi, như: Triển khai đề án đào tạo nhân lực AI trình độ quốc tế, chương trình nghiên cứu và phát triển AI giai đoạn 2020-2030, cùng chính sách đãi ngộ đặc biệt.

Bên cạnh đó, thành phố đã và đang đầu tư xây dựng hệ sinh thái AI, gồm trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, vườn ươm khởi nghiệp, tiêu biểu là Trung tâm Nghiên cứu AI của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; tổ chức nhiều sự kiện, cuộc thi AI, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã hoàn thành Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin-truyền thông. Về ứng dụng thì đã triển khai chatbot AI tại Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời nghiên cứu phương án xây dựng mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu AI, cùng với hạ tầng dữ liệu và hệ thống tính toán hiệu năng cao, phục vụ cho sự phát triển toàn diện của lĩnh vực này.

Sự bùng nổ của chuyển đổi số không chỉ làm thay đổi nhu cầu nhân lực mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về việc kết nối đào tạo AI với phát triển doanh nghiệp theo xu hướng toàn cầu. 

Theo TS Hoàng Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ và AI, Trường Đại học Văn Lang, mô hình đào tạo AI theo nhu cầu doanh nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm của trường đại học, các trường thực hiện những dự án nghiên cứu, tư vấn, phát triển và đào tạo nhân sự AI. Hiệu quả hợp tác được đánh giá bằng sản phẩm đầu ra, số lượng sinh viên và giảng viên tham gia, hợp đồng doanh thu thực hiện, từ đó tạo nên hệ sinh thái AI bền vững giữa học thuật và thực tiễn doanh nghiệp. 

Để hiện thực hóa được tất cả chính sách nêu trên, đồng thời trong bối cảnh cả nước khẩn trương triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào định hướng tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước; TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai chương trình đào tạo về AI dành cho đội ngũ cán bộ, công chức trên toàn thành phố. 

Đồng chí Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết, việc tích hợp AI vào các hoạt động hành chính không chỉ giúp giảm tải áp lực mà còn góp phần hiện đại hóa nền hành chính công. Theo kế hoạch, các lớp đào tạo sẽ được tổ chức định kỳ khoảng 2-3 tuần/lớp và diễn ra liên tục cho đến khi đội ngũ cán bộ, công chức được trang bị đầy đủ kiến thức về AI. Nội dung đào tạo không chỉ tập trung vào những khái niệm cơ bản và xu hướng phát triển AI mà còn hướng đến các ứng dụng thực tiễn như xử lý văn bản, lưu trữ dữ liệu, tổng hợp thông tin, hỗ trợ ra quyết định và tham mưu chính sách.

Thành phố cam kết sẽ tiếp tục điều chỉnh, mở rộng nội dung đào tạo để phù hợp với thực tế, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức có thể chủ động ứng dụng công nghệ mới, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.

KIỀU OANH - THANH THANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.