Thực hiện kế hoạch đã ký kết về phối hợp phát triển hợp tác và triển khai chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho hệ thống nhà trường trong Quân đội giữa Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Học viện Viettel là đơn vị được giao trực tiếp xây dựng và tổ chức chương trình tập huấn “Kỹ năng số hóa học liệu” nhằm trang bị kiến thức cốt lõi về chuyển đổi số và trang bị kỹ năng số hóa học liệu; giúp các giảng viên có thể chủ động xây dựng học liệu số; tạo ra bài giảng số trực quan, sinh động; tối ưu hóa quá trình dạy học, giúp học viên tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn; bổ sung nguồn học liệu phục vụ cho công tác dạy học trong nhà trường.
|
|
Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường. |
Theo Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, mục đích tổ chức chương trình tập huấn “Kỹ năng số hóa học liệu” là từng bước thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, song song với việc phát triển kỹ năng số hóa học liệu cho lực lượng giảng viên, giáo viên của các học viện, nhà trường trong Quân đội.
Từ ngày 19-8 đến ngày 28-8-2024, Cục Nhà trường đã chủ trì tổ chức hai lớp tập huấn “Kỹ năng số hóa học liệu” cho 103 giảng viên, giáo viên của các học viện, trường trong Quân đội và do đội ngũ giảng viên của Học viện Viettel trực tiếp giảng dạy.
|
|
Thượng tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel giảng bài cho lớp tập huấn. |
Thượng tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel cho biết: “Học viện Viettel đã thiết kế chương trình đào tạo số hóa học liệu trên cơ sở phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (như Text to speech, MC AI,...) trong việc xây dựng học liệu số cho học viên một cách trực quan, hiệu quả. Kết thúc khóa học, mỗi học viên có thể làm chủ kỹ năng số hóa và xây dựng được ngay nội dung bài giảng số”.
Chương trình tập huấn được tổ chức tập trung tại Học viện Viettel trong hai ngày gồm hai chuyên đề:
Chuyên đề 1: “Những điều cần biết về số hóa” do Thượng tá Bùi Quang Tuyến giảng dạy. Chuyên đề này cung cấp những kiến thức cơ bản và cốt lõi về số hóa, chuyển đổi số giúp học viên hiểu rõ tầm quan trọng, tiếp cận làm số hóa và gợi mở ứng dụng số hóa trong hoạt động giảng dạy và học tập.
Chuyên đề 2: “Kỹ năng số hóa học liệu” do đội ngũ giảng viên nội bộ của Học viện Viettel hướng dẫn thực hành. Chuyên đề này trang bị cho học viên cách thức xây dựng kịch bản bài học và sử dụng được một số công cụ phần mềm hiện đại về số hóa nội dung để có thể chủ động xây dựng được bài giảng số ngay sau khi hoàn thành chương trình.
Chương trình tập huấn được thiết kế và tổ chức theo cách khác biệt, theo đó: Trước khi tham gia lớp học (1 ngày), mỗi học viên phải chuẩn bị nội dung kịch bản theo cấu trúc tiêu chuẩn và phải gửi Ban tổ chức lớp học trước. Trong khi tham gia lớp học tập trung (2 ngày), học viên học tập các chuyên đề và tập trung thực hành sử dụng các công cụ số hóa có ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo quy trình số hóa cụ thể. Sau khi tham gia lớp học tập trung (1 ngày), mỗi học viên phải hoàn thành một bài giảng đảm bảo yêu cầu để được xét hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các học viên với điểm đánh giá chất lượng trung bình đạt 9,3/10 điểm. Đặc biệt, 100% học viên đã hoàn thành sản phẩm đầu tiên của mình sau khóa học nhờ ứng dụng các công cụ số hóa như AI Gemini, Capcut, MC ảo,... Là một trong những học viên tiêu biểu, Trung tá Ngô Thị Thanh Thủy, Giảng viên môn Khoa học cơ bản, Trường Sĩ quan Đặc công chia sẻ: “Khóa học đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều kiến thức về chuyển đổi số nói chung và số hóa học liệu nói riêng. Đặc biệt, đối với người giáo viên như tôi, khóa học đã bổ sung thêm các kỹ năng số hóa bài giảng, giúp tôi tạo ra những bài giảng hay hơn, hiệu quả hơn để truyền tải cho học viên”.
|
|
Trung tá Ngô Thị Thanh Thủy, Giảng viên môn Khoa học cơ bản, Trường Sĩ quan Đặc công. |
Đại tá Chu Xuân Bảo, Chủ nhiệm bộ môn Khoa Hàng Hải, Học viện Hải quân cảm nhận: “Công tác số hóa học liệu là việc thường xuyên của giảng viên nên chúng tôi cũng đã số hóa học liệu khá lâu rồi, thế nhưng để sử dụng các công cụ số hóa học liệu mang tính chất khoa học, bài bản thì chúng tôi chưa làm được cho nên đối với khóa học này điều mà tôi học được nhiều nhất là cấu trúc của bài học để tạo ra được một bài giảng thu hút người học nhất”.
Thiếu tá Phạm Văn Quang, Trợ lý thông tin, Trường Quân sự Quân đoàn 4 chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vinh dự và khi tham gia tập huấn, điều đầu tiên mà tôi ấn tượng nhất là đội ngũ giáo viên trẻ, kinh nghiệm và rất có năng lực trong việc truyền đạt những nội dung tới người học và mang tới cho tôi những kiến thức mới và dễ hiểu”.
|
|
Các học viên thực hành số hóa học liệu. |
Chương trình tập huấn “Kỹ năng số hóa học liệu” tại Học viện Viettel không chỉ mang lại những giá trị thiết thực cho các giảng viên, giáo viên của các học viện, trường trong Quân đội mà còn cho thấy vai trò tiên phong, đồng hành của Viettel với Cục Nhà trường trong công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong đó, việc nắm bắt và ứng dụng kỹ năng số hóa là một bước tiến quan trọng trong công tác giảng dạy, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Bài và ảnh: TIẾN HOÀNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.