Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn từ nhận thức của người dân cho đến việc thiếu hụt nhân lực lẫn hạ tầng cơ sở khiến công cuộc CĐS trong giải quyết TTHC của Thủ đô chưa được như kỳ vọng.

Vẫn còn thói quen làm TTHC trực tiếp 

Nhận định rào cản lớn nhất hiện nay trong quá trình CĐS chính là tâm lý truyền thống của người dân khi làm TTHC, đồng chí Nguyễn Thục Lương, Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết, nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn có thói quen trực tiếp đến cơ quan nhà nước để làm các TTHC với suy nghĩ đến gặp cán bộ và làm trực tiếp sẽ chắc chắn và an tâm hơn. Đặc biệt, những người lớn tuổi hầu như sẽ chọn đến làm TTHC trực tiếp tại các bộ phận một cửa vì họ chưa thành thạo sử dụng điện thoại thông minh cũng như vẫn còn lúng túng trong việc điền thông tin cá nhân trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Cán bộ phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. 

Khi được hỏi, bà Nguyễn Thị Hương (phường Nhật Tân) chia sẻ: “Mỗi lần cần thực hiện TTHC, tôi đều đến tận trụ sở UBND phường để làm. Dù trụ sở UBND phường cũng không gần nhà tôi cho lắm, đi lại cũng có gặp khó khăn, nhưng đến tận nơi sẽ được cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp nên có vướng mắc hay khó khăn gì sẽ dễ dàng giải quyết, chứ làm hồ sơ trực tuyến vừa không biết cách làm lại vừa sợ xảy ra sai sót”.

Còn ông Trần Công Minh (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) thì bày tỏ, bản thân đã sử dụng điện thoại thông minh từ lâu nhưng chỉ để đọc báo, tìm hiểu tin tức. Dù biết đến hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã lâu, nhưng khi cần thực hiện các TTHC, ông vẫn trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị để làm do sợ trong quá trình thao tác thực hiện sẽ xảy ra sai sót thì mất công làm lại. Hay như trường hợp của chị Bùi Thị Hoa (phường Hạ Đình) khi cần làm giấy tờ sang nhượng đất đai, chị cũng đến trực tiếp tại bộ phận một cửa của phường chứ không biết đến việc làm qua hệ thống trực tuyến như thế nào. Theo chị Hoa, thường ngày chị chỉ sử dụng điện thoại để nghe, gọi. “Đến mạng xã hội tôi còn không biết dùng chứ nói gì đến làm giấy tờ, thủ tục trực tuyến”, chị Hoa chia sẻ.

Nhân lực chuyển đổi số còn thiếu

Một rào cản nữa khiến công cuộc CĐS trong giải quyết TTHC của Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong muốn đó là nguồn nhân lực phục vụ CĐS còn thiếu. Đơn cử như ở phường Nhật Tân hiện nay, tại bộ phận một cửa chỉ có 2 cán bộ phụ trách với khối lượng công việc khá lớn. Chỉ riêng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến đã chiếm phần lớn thời gian làm việc của cán bộ, chưa kể đến việc phải hướng dẫn người dân làm TTHC trực tiếp tại trụ sở hay những công việc phát sinh khác của phường. 

Anh Vũ Quang Nghĩa, cán bộ thuộc bộ phận một cửa phường Nhật Tân chia sẻ: “Việc chúng tôi làm xuyên trưa hay đến tối là bình thường bởi khối lượng hồ sơ lớn mà phường phấn đấu tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn đạt 100%. Đối với những người trẻ, khi được chúng tôi hướng dẫn làm TTHC thì các bạn sẽ thao tác nhanh, nhưng đối với các cụ già thì gần như chúng tôi phải vừa hỏi, vừa nhập thông tin cá nhân giúp các cụ. Mỗi trường hợp như thế, nhanh thì mất vài chục phút, chậm có khi cả tiếng đồng hồ. Vào những hôm đông người đến làm TTHC trực tiếp, phường phải huy động thêm các bạn đoàn viên, thanh niên đến hướng dẫn người dân để giảm bớt áp lực công việc cho chúng tôi”. 

Ngoài ra, để sử dụng thành thạo phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với các cán bộ cấp xã, phường là việc khó đạt được trong một sớm một chiều. Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn của thành phố thì những cán bộ không học chuyên ngành công nghệ thông tin như anh Nghĩa đều phải tự học, mày mò, thường xuyên cập nhật các tính năng mới của phần mềm thì mới sử dụng thành thạo, từ đó hướng dẫn được người dân làm TTHC. Đây cũng là tình trạng chung mà nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô đang gặp phải. Trong khi đó, tại UBND cấp phường, xã chưa có biên chế cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, cùng với đó, việc tuyển dụng nguồn nhân lực công nghệ đáp ứng yêu cầu công việc cũng không phải dễ dàng bởi sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này thường lựa chọn làm việc cho doanh nghiệp với mức lương cao thay vì làm trong môi trường Nhà nước có mức lương thấp hơn. 

Hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu

Khảo sát tại một số địa phương trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi ghi nhận thêm nguyên nhân khiến việc CĐS trong giải quyết TTHC của TP Hà Nội chưa được như kỳ vọng là do hạ tầng thông tin cơ sở, hệ thống máy tính, các trang thiết bị đi kèm tại một số nơi đã xuống cấp và không có sự đồng bộ. Đường truyền internet còn chậm, dẫn đến việc truy cập phần mềm gặp khó khăn, từ đó làm giảm chất lượng và hiệu quả trong việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều trường thông tin trên các phần mềm dịch vụ công chưa được bố trí hợp lý, gây khó khăn cho người dân khi sử dụng.

Đồng chí Nguyễn Thục Lương thừa nhận, tại phường Nhật Tân hiện nay, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (trả hồ sơ tại nhà người dân qua đường bưu điện) còn gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ công quốc gia và dịch vụ công Hà Nội đôi lúc vẫn gặp trục trặc khiến cán bộ phải nhập lại các dữ liệu thông tin, làm mất khá nhiều thời gian trong hoạt động giải quyết TTHC.

Có thể nói, tâm lý e ngại khi phải thay đổi thói quen của người dân cùng với trình độ sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, nguồn nhân lực phục vụ CĐS còn thiếu, hạ tầng cơ sở nhiều nơi đã xuống cấp khiến hoạt động CĐS trong giải quyết TTHC tại nhiều địa phương của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn, đòi hỏi sự chung tay từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cả người dân trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp thích hợp và kịp thời.

Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG - QUANG DUY

(còn nữa)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.