Ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 525 cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin tại Việt Nam

Bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ TT&TT thông tin, các vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo, bị phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý trong tháng 3-2023, được các đối tượng xấu thực hiện với mục đích lừa đảo người dân tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam và Thanh Hóa.

Về an toàn thông tin mạng, đại diện Văn phòng Bộ TT&TT thông tin, trong tháng 3, Bộ TT&TT đã triển khai, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm an toàn thông tin năm nay. Đồng thời, chỉ đạo hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xác định cấp độ an toàn cho các hệ thống thông tin sử dụng thiết bị camera giám sát. Xây dựng bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.

Bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ TT&TT thông tin tại buổi họp báo. 

Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 3, tổng số địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma) là 392.108 địa chỉ, giảm 50,3% cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,5% so với tháng 2-2023.

Cũng trong tháng 3, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 525 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 68,9% so với tháng 2-2023 và giảm 49,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong 525 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, có tới 407 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), chiếm tới gần 78%. Số lượng sự cố tấn công mạng thuộc 2 hình thức tấn công thay đổi giao diện và tấn công cài mã độc vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam lần lượt là 65 và 53 cuộc.

“Số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet và các cuộc tấn công mạng đã giảm nhờ chiến dịch càn quét mã độc và việc cung cấp thông tin cảnh báo kịp thời tới các cơ quan, tổ chức và người dùng mạng internet”, bà Hoàng Thị Phương Lựu cho biết thêm.

Cũng theo số liệu của Cục An toàn thông tin, tính chung cả quý I năm 2023, cơ quan này đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 3.446 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian tới, để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; đồng thời tiếp tục có các văn bản cảnh báo rộng rãi, đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

Về việc tra cứu thông tin tên miền qua đầu số 156 hoặc website tracuutenmien.gov.vn giúp người dân nhận diện và phòng ngừa các hành vi lừa đảo, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) ghi nhận đã có 65.040 lượt tra cứu.

Được Bộ TT&TT đưa vào hoạt động chính thức từ đầu tháng 3-2023, hệ thống tra cứu tên miền là một biện pháp hỗ trợ người dùng có thể nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thống về website, tên miền mà mình truy cập, hỗ trợ nhận diện và phòng ngừa các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn trên không gian mạng, theo định hướng bảo vệ công dân số của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT.

Cập nhật thông tin về kết quả triển khai hệ thống tra cứu tên miền sau hơn 1 tháng triển khai, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó giám đốc phụ trách VNNIC thông tin, trong 65.040 lượt tra cứu thông tin, số lượng lượt tra cứu qua tin nhắn SMS gửi tới đầu số 156 là 5.677 và qua trang web tracuutenmien.gov.vn là 59.363. Trong đó, có tới 69% các tên miền được tra cứu thuộc nhóm tên miền quốc tế. “Điều này cũng phản ánh rất khách quan thực trạng các đối tượng thường sử dụng tên miền quốc tế để thiết lập các website nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Trần Thị Thu Hiền đánh giá.

Kết quả rà soát của VNNIC cho thấy, có 6 nhóm các tên miền được người dùng quan tâm tra cứu gồm: Cờ bạc, ngân hàng, sàn thương mại điện, báo chí, nhạy cảm thuần phong mỹ tục, thương hiệu (nhà mạng, SIM thẻ…). Trong 6 nhóm tên miền này, cộng đồng đặc biệt quan tâm vào 2 nhóm tên miền cờ bạc và ngân hàng, với số lượt tra cứu về tên miền cờ bạc chiếm gần 53% và tên miền ngân hàng chiếm 24,6% trong 6 nhóm tên miền.

Cụ thể, để tra cứu thông tin tên miền, người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 2 hình thức: Gửi tin nhắn miễn phí theo cú pháp “TCTM [Tên miền hoặc link của website]” gửi tới tổng đài 156; hoặc tra cứu trực tiếp trên trang tracuutenmien.gov.vn. Khi đó, hệ thống sẽ cung cấp thông tin chi tiết tới người dùng về loại tên miền, thông tin chủ thể, tổ chức đăng ký và quản lý tên miền.

Máy tính cùng các thiết bị lập trạm BTS giả được đặt trên xe ô tô để phát tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Nam

Đề nghị bỏ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trực tuyến

Liên quan đến đề nghị của Bộ Tài chính đưa trò chơi điện tử trực tuyến (game online) vào đối tượng áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ TT&TT cho rằng ngành game Việt Nam hiện còn quá nhỏ, cần nuôi dưỡng thay vì áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện Bộ đã có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính đưa trò chơi trực tuyến (game online) ra khỏi dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lần này. Lý do là ngành game là ngành có tiềm năng phát triển rất tốt của ngành nội dung số.

"Ngành game ở đây không phải là ngành chơi game. Rất nhiều người lầm tưởng. Game là một hệ sinh thái sản xuất, phát hành, dịch vụ, quảng cáo... Ở các nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực. Ngành game Việt đang còn rất non trẻ và doanh thu còn rất nhỏ so với tiềm năng, chỉ khoảng 600 triệu USD năm 2022. Vì vậy cần phải nuôi dưỡng, có chính sách hỗ trợ phát triển chứ không phải để thu nhiều hơn. Vì cũng không thể thu nhiều hơn được. Bởi vì nếu chúng ta tăng thuế, có biện pháp siết chặt thì doanh nghiệp game rất dễ dàng chạy ra nước ngoài như Singapore, Du-bai và sau đó họ vẫn dễ dàng cung cấp xuyên biên giới về Việt Nam. Khi đó việc quản lý rất khó khăn", ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Cục Phát thanh và Truyền hình Thông tin điện tử cũng đã làm việc với Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) và phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ rất quan tâm đến việc phát triển ngành game và có chính sách ưu đãi cho phát triển ngành Việt Nam. 

VĂN PHONG