Y tế học đường được quan tâm

Tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại kéo theo những áp lực. Nhiều biểu hiện của rối loạn về sức khỏe tâm thần trong lứa tuổi học đường không ngừng tăng. Tuy nhiên, không ít nhà trường, phụ huynh đánh đồng biểu hiện đó với những biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì do thiếu những chuyên gia hiểu biết về sức khỏe thể chất và tinh thần của lứa tuổi học đường. Chỉ khi sự việc đau lòng xảy ra, họ mới nhận ra những “cơn bão” cảm xúc tiêu cực mà con em họ đang phải đấu tranh hằng ngày, hằng giờ, rất cần được quan tâm, giúp đỡ.

Thông tin vị trí việc làm y tế học đường sẽ không bị xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ của Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT mà được xếp vào vị trí việc làm chuyên môn dùng chung với các vị trí thư viện, kế toán, văn thư... được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo quy định sẽ giúp nhiều trường triển khai hoạt động hỗ trợ y tế hiệu quả hơn.

Cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn, Đống Đa, Hà Nội cùng tham gia vào các hoạt động xã hội giải tỏa áp lực học đường. 

Cô Trần Thị Minh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ: “Sức khỏe thể chất và tâm thần của học sinh là yếu tố quyết định đến sự phát triển giáo dục toàn diện, nên nhân viên y tế đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi nhà trường. Tuy nhiên, nhân viên y tế có bằng cấp chuyên môn đầy đủ, có người có bằng đại học, cao đẳng lại bị xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ cùng với bảo vệ, tạp vụ... khiến họ thiệt thòi và còn nhiều tâm tư. Nay được xếp vào nhóm vị trí việc làm, họ sẽ yên tâm hơn trong công tác, phát huy hơn nữa vai trò của y tế trong mỗi nhà trường. Đây thực sự là một điều vui mừng”.

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể được xem như một quyền cơ bản của trẻ và là yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Cần có một “kiến trúc sư” thiết kế, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường để phòng ngừa, quản lý rủi ro; triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống bạo lực, xây dựng các chương trình hòa giải ngang hàng; sơ cứu tâm lý trong trường học khi gặp các sự cố; hỗ trợ giáo viên và cha mẹ trong việc sử dụng kỷ luật tích cực và can thiệp các vấn đề tâm lý, chuyển tuyến với những trường hợp có vấn đề rối loạn tâm thần nặng.

Cần sự chung tay

Với mạng lưới trường học như hiện nay, hầu hết các trường ở Hà Nội đều có từ 1.000 đến 2.000 học sinh, 1 nhân viên y tế trường học phải đến trường sớm và ra về sau học sinh để trực, phòng các em xảy ra tai nạn, thương tích. Tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, nhân viên y tế trường học còn phải đến sớm để tiếp nhận thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành y tế. Bên cạnh đó, y tế học đường còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác như thu và lập hồ sơ bảo hiểm y tế học sinh, công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống bệnh học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý cho học sinh... Đây là những nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Bởi vậy, một nhân viên y tế khó có thể làm hết việc.

Nêu thực tế tại Trường liên cấp Marie Curie, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ năm 2018, Hệ thống Marie Curie thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường tại cơ sở Mỹ Đình với 5 cán bộ. Các nhân viên tâm lý là cán bộ chuyên trách được đào tạo sâu chuyên môn tâm lý, có phương pháp chuyên nghiệp và chỉ làm một việc tham vấn tâm lý, không kiêm nhiệm bất cứ việc gì khác.

Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa, cho rằng: “Với gần 1.900 học sinh của toàn trường mà chỉ có một nhân viên y tế thì thực sự không thể làm xuể việc. Do đó, về chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý, nhà trường phải giao cho giáo viên chủ nhiệm và chi đoàn thanh niên, ban phụ trách thiếu nhi”.

Theo cô Hồng Hạnh, nếu hiệu trưởng không “phá băng” trước tiên thì công tác tư vấn tâm lý trong trường học khó thành công. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm có vị trí rất quan trọng. Các nhà trường phải huấn luyện giáo viên chủ nhiệm thành những nhà tâm lý, nhà giáo dục thực sự. Đa số vụ việc liên quan đến học sinh ở trường đều xảy ra trong lớp học. Nếu giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được sự việc từ sớm và có phương pháp tư vấn đúng sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Khi đó, nhân viên tâm lý chỉ can thiệp những ca nặng; đồng thời huy động các nguồn lực ngoài nhà trường cùng tham gia.

Trong bối cảnh hiện tại, để đạt được mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021-2025 (đặt ra trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành giáo dục), nhà trường cần xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường. Tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng mô hình tham vấn học đường đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học. Việc bảo đảm sức khỏe thể chất và tâm thần cho học sinh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, thông minh và tự tin với tương lai của họ. Y tế học đường không chỉ là chi phí mà là đầu tư cho sức khỏe và tương lai của cả xã hội.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.