Giấy phép tần số thiết lập mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9-2024

Về lộ trình tắt sóng mạng 2G, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, giấy phép tần số thiết lập mạng 2G cấp cho các nhà mạng sẽ hết hạn vào tháng 9-2024. Sau thời điểm này sẽ không cấp lại mà triển khai quy hoạch lại. 

Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin, để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ cùng các nhà mạng đã, đang xây dựng chính sách để chuẩn bị cho việc này. Trong đó, nhà mạng sẽ có chính sách hỗ trợ máy đầu cuối hoặc cước thuê bao để khách hàng chuyển đổi sang thiết bị khác. Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định, việc tắt sóng 2G thực hiện theo nguyên tắc, nhà mạng không để cho người dân mất liên lạc.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đức Huy

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, từ ngày 1-7-2020, Bộ đã có quy định cấm nhập khẩu với điện thoại 2G. Việc dừng nhập khẩu máy 2G đã được thực hiện 3 năm, do vậy đang ở thời điểm chu kỳ cuối của dùng thiết bị này, người dùng sẽ chuyển sang thay thế, nâng cấp máy điện thoại mới góp phần hạn chế số lượng người dùng máy 2G.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng nhấn mạnh, mặc dù đến thời điểm đó không còn máy 2G nhưng Bộ đang bàn và có thể sẽ phải tiếp tục duy trì sóng 2G thêm một thời gian. Việc này để phục vụ cho các máy 4G nhưng không sử dụng gọi và nhắn tin tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thông tin thuê bao trên mạng 4G mà trên mạng 2G và 3G.

Về thời điểm thương mại hóa 5G, Bộ TT&TT đang triển khai quy trình đấu giá cấp tần số 5G cho các nhà mạng vào cuối năm 2023 và dự kiến, các nhà mạng sẽ triển khai 5G trong năm 2024. Hiện nay, thiết bị 5G của Viettel đang được đo kiểm ở các bước cuối cùng và khoảng 1,5 tháng nữa các thiết bị này sẽ được kiểm tra xem có đáp ứng quy chuẩn Việt Nam hay không.

Đối với công nghệ 6G, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy phát triển 6G. Bộ mong muốn đồng hành cùng thế giới trong triển khai, nghiên cứu và sản xuất thiết bị 6G.

Tình trạng đứng tên đăng ký nhiều SIM chủ yếu liên quan đến các đại lý

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý về tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thông tin thuê bao hiện còn tồn tại nhiều. Theo quy định, mỗi người dân chỉ đăng ký được 3 SIM. Nhiều người nghĩ đơn giản chỉ là đứng hộ tên thôi nhưng không biết rằng mình đã vô hình trung tạo ra SIM không chính chủ mặc dù kiểm tra, đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư là chính xác. Người thật, việc thật, tên thật, địa chỉ thật nhưng SIM đứng tên xong lại được bán cho người khác. Qua các đợt thanh tra gần đây cho thấy tình trạng đứng tên hộ SIM chủ yếu liên quan đến các đại lý.

Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng yêu cầu chấn chỉnh việc này và các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao từ ngày 10-9-2023, chỉ tập trung vào kênh chuỗi có uy tín. Nhà mạng nào vi phạm, Bộ sẽ xử lý phạt nghiêm theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27-1-2022, theo đó sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3 đến 12 tháng tùy theo mức độ vi phạm.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Đức Huy. 

Định danh tài khoản khi tham gia mạng xã hội

Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin, việc bổ sung quy định về định danh, xác thực tài khoản người dùng khi tham gia mạng xã hội là cần thiết và kịp thời để người dùng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng; ngăn chặn, hạn chế tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trước xu hướng gia tăng, đồng thời, việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành và hiện trạng thực tế triển khai của các mạng xã hội.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị chức năng có liên quan đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy các cơ quan, tổ chức tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ. Ví dụ, mới đây nhất, Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra toàn diện Tiktok, trong đó, bao gồm kiểm tra về việc “thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng”. 

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Cục đang phối hợp với các doanh nghiệp lớn như K+ và các nhà mạng để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng, đặc biệt đối với các trận đấu bóng đá của các giải lớn như giải ngoại hạng Anh và các trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham gia. Theo đánh giá của Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh thông qua đối tác K+, Việt Nam là đối tác tích cực bảo vệ bản quyền giải này trên thế giới. Theo ông Lê Quang Tự Do, hiện có tình trạng khi các doanh nghiệp viễn thông chặn trang web lậu thì các web lậu, kênh lậu đổi địa chỉ IP, tên miền nhanh chóng chỉ sau khoảng 5-10 phút. Đây thực sự là một cuộc chiến cam go và cần sự tham gia của người dân.

Theo Bộ TT&TT, từ 1-8 đến 21-8, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 295 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước (tỷ lệ 90%); Google đã gỡ 764 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 95%); Tiktok đã gỡ bỏ 30 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%). Đặc biệt, Google đã gỡ 5 kênh (chứa 18.900 video) chống phá Đảng, Nhà nước có lượt đăng ký và lượt xem rất lớn.

Bài, ảnh: VĂN PHONG - ĐỨC HUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.