Hành trình “cõng sóng”
Trên con đường gập ghềnh dẫn vào bản Háng Á, tiếng lạo xạo của đá dưới bánh xe đôi khi ngắt quãng câu chuyện của anh Hờ A Sinh, Giám đốc Viettel huyện Mù Cang Chải. Anh chia sẻ: “Bản Háng Á là một trong những địa phương khó khăn thuộc huyện Mù Cang Chải, có 114 hộ dân, trong đó 78 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Bản nằm khép mình trong những dãy núi cao vút, đường đi quanh co, nguy hiểm và hiện nay Háng Á chưa có điện lưới quốc gia.
Những ngày nhận nhiệm vụ khai thác trạm, chúng tôi phải vận động anh em di chuyển từ huyện vào bản hơn 40km đường đèo. Do đường nhỏ và đang xây dựng, chúng tôi chỉ có thể vận chuyển bằng xe công nông rồi đổ vật liệu cách trạm khoảng 1km. Sau đó, các nhân viên kỹ thuật và bà con cùng nhau chung sức dùng xe máy, 1 người lái, 1 người đi bộ theo sau giữ vật liệu chở lên trạm. Có những ngày làm việc quên ngày đêm, chúng tôi chỉ kịp ăn vội nắm cơm của bà con gửi tới rồi lại làm, mong sao trạm sớm được hoàn thành. Cứ như vậy, chỉ sau 3 tháng, trạm phát sóng di động YBI0617 chính thức đi vào hoạt động trong niềm vui hân hoan của bà con bản Háng Á và các thôn, bản lân cận”.
 |
Đồng chí Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái (thứ 3, từ trái sang) chỉ dẫn bà con sử dụng điện thoại di động tại bản Háng Á. |
Hành trình lội suối, băng đèo, vượt núi, mang sóng về các vùng nông thôn, bản, làng, vùng sâu, vùng xa là hành trình đầy gian nan, vất vả nhưng cũng nhiều ý nghĩa. Sóng di động, internet đã đánh dấu sự nỗ lực của Viettel trong việc thu hẹp khoảng cách số tại vùng khó khăn. Bên cạnh đó, sóng di động còn mang tới niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân nơi đây.
Trạm phát sóng di động tại bản Háng Á đã đi vào hoạt động, đem sóng di động và internet đến với bà con, mở ra cánh cửa tiếp cận tri thức, giao thương và kết nối với cả nước. Với trạm phát sóng này, Viettel không chỉ dừng lại ở việc mang sóng di động đến những vùng khó khăn mà còn cam kết đồng hành lâu dài cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.
Giám đốc Viettel Yên Bái, Trung tá Đỗ Thanh Tuấn cho biết, trong 2 năm gần đây, với tinh thần vì cộng đồng, Viettel đã hỗ trợ hơn 7.500 máy điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, chuyển dịch từ thuê bao 2G lên 4G với tổng số hơn 64.000 thuê bao di động. Đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động đạt trên 99%, internet băng rộng cố định đạt 95%.
 |
Nhân viên Viettel kiểm tra kỹ thuật tại Trạm YBI0617, bản Háng Á. |
Niềm vui đón sóng
"Tiện lợi" và "dễ dàng" là hai từ mà ông Vàng A Lầu, Bí thư chi bộ bản Háng Á tóm gọn về cách thức mạng internet đã thay đổi cuộc sống của ông và gia đình. Trước đây, bản chưa có sóng, khi có thông báo của lãnh đạo tới người dân, ông phải đạp xe đến từng nhà. “Đợt bão Yagi vừa qua, nhiều thông báo khẩn cấp phải thông báo đến người dân nhưng không điện, không sóng, tôi chỉ đành đạp xe đến tận nhà của bà con ngay trong đêm. Những nhà ở gần thì đỡ vất vả, những nhà ở xa cách nhau hàng chục cây số đường rừng, cũng có nhiều lần đến nhà mà không gặp được ai tôi lại phải quay về”, ông Lầu chia sẻ.
Nhưng từ khi có sóng về đến bản, nhu cầu kết nối cũng như giao tiếp trong công việc của ông trở nên thuận tiện hơn. Ông hướng dẫn người dân lập Zalo, thêm những người trong bản vào nhóm và trao đổi, thông báo, tuyên truyền các thông tin về chủ trương, chính sách giúp nâng cao nhận thức của người dân.
 |
Nhân viên Viettel hướng dẫn bà con sử dụng điện thoại di động kết nối internet. |
Cũng như ông Lầu, từ ngày có internet, ngôi nhà của chị Sùng Thị Chinh, người dân bản Háng Á luôn ngập tràn tiếng nói cười. Chị cho biết, gia đình chị có 4 người nhưng hiện tại trong căn nhà nhỏ chỉ quanh quẩn 2 mẹ con bởi chồng chị đi làm ăn xa cách nhà hơn 400km, con trai cả cũng đi học ở tỉnh cả tháng về nhà 1 lần. Nhưng hơn một tuần nay, khi biết sử dụng mạng xã hội, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình như được gắn kết lại gần nhau hơn. Những cuộc điện thoại vào buổi tối có đầy đủ thành viên và họ chia sẻ với nhau mọi câu chuyện diễn ra trong ngày. Giờ đây, ngoài liên hệ với gia đình, chị Chinh còn sử dụng internet để mua sắm trực tuyến, đóng tiền điện, đóng tiền học cho các con...
“Sóng” không chỉ thay đổi đời sống của người dân mà còn có những đóng góp không nhỏ tới sự nghiệp giáo dục tại nơi núi rừng Tây Bắc này. “Gần 10 năm công tác tại đây, cô trò chúng tôi sinh hoạt nhờ những tấm pin năng lượng mặt trời. Bản vốn chưa có điện, thời gian trước còn chưa có sóng di động, sóng internet. Mỗi lần muốn sử dụng điện thoại để tải bài giảng điện tử tôi phải chọn ngày trời quang, leo lên đỉnh đồi cách trường 3km để hứng sóng. Một bài thơ hay một bài hát cũng phải chờ tải cả giờ đồng hồ, khi quay trở về trường thì trời cũng đã chập choạng tối. Dù còn nhiều vất vả nhưng nhìn vào đôi mắt trẻ, chúng tôi lại có thêm động lực trên hành trình gieo chữ.
 |
Ông Vàng A Lầu (bên trái) hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội. |
Hơn một tuần trở lại đây, các em học sinh được tiếp xúc với internet nhiều hơn do địa phương đã có trạm sóng di động, internet. Giờ đây, chỉ bằng cú nhấp chuột, chúng tôi có thể tải cả một kho tàng kiến thức để phục vụ trong bài giảng. Lớp học sẽ không còn giới hạn của bốn bức tường và trên những giấy đã cũ do ẩm mốc. Những tiết học hay, hình ảnh, âm thanh sinh động, các em học sinh trở nên hứng thú hơn, đi học đầy đủ hơn. Đến nay, điểm trường Háng Á có hơn 50 học sinh, tỷ lệ huy động các em trong độ tuổi từ 3-5 tuổi đạt 100%”, cô Tòng Thị Thắm, giáo viên điểm trường Háng Á, Trường Mầm non Hoa Huệ cho biết.
Đồng chí Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ: “Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã và đang dành sự quan tâm tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Trạm sóng di động, internet mang lại cơ hội, điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ và các dịch vụ viễn thông thiết yếu. Từ nay, bà con nhân dân nơi đây có thể dễ dàng tìm hiểu các kỹ thuật canh tác, trồng trọt, theo dõi thông tin dự báo thời tiết, liên lạc với người thân... Qua đó, giúp người dân từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống và tự tin vươn lên thoát nghèo”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.