Trạm 5G chưa nhiều như trạm 4G
Chia sẻ về việc một số người dùng phản ánh có thời điểm tốc độ 5G chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn 4G khi dùng công cụ đo tốc độ (speedtest), ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu (Tổng công ty Mạng lưới Viettel) thông tin, số trạm phát sóng (BTS) 5G hiện còn hạn chế, mới khoảng 6.500 trạm.
Với trạm 5G khi đo trải nghiệm trong khung giờ thấp tải và chỉ có một thuê bao, tốc độ có thể đạt 300-500 Mbps, tùy vị trí. Điều này đồng nghĩa tốc độ khi đo phụ thuộc rất nhiều vào vị trí khách hàng gần hay xa trạm, sóng tốt hay không. Một số lý do khác, chẳng hạn như máy chủ lựa chọn khi dùng công cụ đo tốc độ, cũng như lượng người đồng thời truy cập dịch vụ.
Theo đại diện Viettel, người dùng thường truy cập Speedtest.net để đo tốc độ. Nếu một người dùng Speedtest và đứng tại vị trí sóng tốt, tốc độ chắc chắn sẽ cao. Ngược lại, quá nhiều người cùng truy cập sẽ xảy ra hiện tượng thuê bao này được cấp nhiều tài nguyên hơn thuê bao khác, dẫn đến cảm giác tốc độ thời điểm đấy có thể chỉ tương đương 4G.
"Có những thời điểm nếu quá nhiều người test đồng thời thì sẽ xảy ra hiện tượng có thuê bao này được cấp tài nguyên nhiều, thuê khác được cấp tài nguyên ít hơn, dẫn đến cảm giác về mặt trải nghiệm tốc độ chỉ tương đương 4G. Do có quá nhiều người vào kiểm tra (test) đồng thời trong bối cảnh là trạm 5G chưa nhiều như trạm 4G nên số lượng thuê bao có nhu cầu test đồng thời dồn vào trạm 5G nhiều hơn. Đấy cũng là một điểm mà chúng tôi cho rằng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến 5G nhiều lúc cảm nhận tương đương 4G", ông Hoàng Đức Thanh cho biết thêm.
Còn bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel cho biết kết quả đo tốc độ mạng phụ thuộc 3 yếu tố chính, gồm vị trí gần hay xa trạm phát, lượng người cùng truy cập và máy chủ kết nối. Hiện tại, phần mềm đo tốc độ hỗ trợ nhiều máy chủ, với thuật toán đo các máy chủ gần và chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một số máy chủ ngẫu nhiên được cho là "không tốt", ví dụ như đời cũ, cấu hình thấp.
"Về bản chất, những máy chủ có sẵn lượng file lớn để khách hàng tải, cố gắng tạo nhiều kết nối đồng thời để kiểm tra tối đa", bà Tâm cho biết.
Cơ chế của phần mềm đo tốc độ là cố gắng tận dụng tài nguyên mạng lưới để lấy tốc độ tối đa tại thời điểm kiểm tra, nhưng thực chất người dùng dịch vụ bình thường sẽ không có cảm giác chậm.
 |
Ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu (Tổng công ty Mạng lưới Viettel) thông tin tới báo chí. |
Còn nhiều thiết bị không hỗ trợ 5G ở Việt Nam
Tại buổi trao đổi, ông Hoàng Đức Thanh cũng đã đưa ra ba khó khăn chính khi triển khai 5G ở Việt Nam. Thứ nhất là chi phí đầu tư cho 5G rất lớn, gấp 4 - 5 lần so với 4G hiện tại và cần nhiều thời gian để triển khai. Cụ thể, 5G chúng ta sử dụng nhiều công nghệ hơn, đơn giá trạm 5G đang cao hơn rất nhiều. Về mặt kích thước và khối lượng thiết bị cần nhiều ăngten hơn, chi phí điện trên một trạm cao hơn. Do vậy, Viettel phải cải tạo cột, cải tạo điện 3 pha thì mới đưa được trạm 5G lên.
Khó khăn thứ hai là thiết bị đầu cuối 5G hiện nay còn hạn chế. Có khoảng 15% đầu cuối là 5G và chủ yếu nằm ở khu vực thành thị. Việc triển khai 5G diện rộng, đặc biệt là các vùng nông thôn sẽ chưa mang lại hiệu quả ngay.
Khó khăn thứ ba nữa, sau khi triển khai phủ song 5G, Viettel bắt đầu gặp nhiều vấn đề là khách hàng có đầu cuối chuẩn nhưng không dùng được 5G.
"Bản chất đó là những thiết bị đầu cuối mua từ cửa hàng xách tay ở Hàn Quốc, Mỹ nhưng khóa công nghệ, về Việt Nam không hỗ trợ 5G ở Việt Nam. Chính vì thế, khách hàng có đầu cuối rất đắt tiền nhưng cũng không dùng được 5G. Khoảng 500.000 đến 600.000 đầu cuối rơi vào cái tình trạng này", ông Hoàng Đức Thanh nói và nhấn mạnh, thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G ở nước ta còn hạn chế. Đây là một trong những thách thức khi triển khai mạng 5G tại Việt Nam.
Hiện nay, mới chỉ có 15% (khoảng 10 triệu) thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G, chủ yếu ở khu vực thành thị (chiếm 85-90%). Hàng trăm nghìn thiết bị xách tay từ nước ngoài, đa số là điện thoại thông minh, dù có phần cứng 5G nhưng do bị khoá công nghệ, không hỗ trợ 5G ở Việt Nam. Vì vậy, các thiết bị này không sử dụng được dịch vụ 5G tại Việt Nam.
Theo khuyến cáo của nhà mạng Viettel, khi mua hay xách tay thiết bị đầu cuối từ nước ngoài về Việt Nam, người dùng cần tìm hiểu các thiết bị đó có hỗ trợ 5G ở Việt Nam hay không, hoặc kiểm tra các thông tin về 5G trên vỏ máy, trong phần hướng dẫn sử dụng, website của hãng và phải hiển thị lựa chọn mạng 5G trong phần cài đặt.
Trong thời tới, Viettel nhận định, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ đẩy mạnh thiết bị đầu cuối 5G vào thị trường, vì vậy tỷ lệ thiết bị đầu cuối sử dụng dịch vụ 5G sẽ gia tăng nhanh. Đại diện Viettel cũng khẳng định, sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng 5G, tuy nhiên ưu tiên trước những nơi có nhu cầu lớn, lượng người sử dụng nhiều mà mạng 4G chưa thể đáp ứng.
Mạng 5G Viettel có vùng phủ sóng 63/63 tỉnh, thành phố toàn quốc ngay tại thời điểm khai trương. Các giải pháp về kỹ thuật công nghệ cho mạng 5G được Viettel triển khai là hiện đại nhất, đang được các nhà mạng hàng đầu thế giới sử dụng. Viettel cung cấp 11 gói cước 5G trả trước và 8 gói cước trả sau, dung lượng gấp 2 so với gói 4G tương đương, đi kèm theo kho nội dung cao cấp. Trước đó, ngày 15-10, Tập đoàn Viettel chính thức khai trương mạng 5G, trở thành doanh nghiệp đầu tiên cung cấp 5G tại Việt Nam.
|
VĂN PHONG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.