Để góp phần giúp các nhà vận hành tránh được những sự cố trong vận hành hệ thống điện, từ đó nâng cao chất lượng điện năng, các sinh viên: Vũ Xuân Sơn Hữu, Phan Văn Long, Nguyễn Trọng Thành, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Đăng Dương (Khoa Kỹ thuật điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã nghiên cứu thành công phần mềm dự báo bức xạ mặt trời dựa trên phương pháp Deep Learning (một chức năng của trí tuệ nhân tạo-AI), bắt chước hoạt động của bộ não con người trong việc xử lý dữ liệu, tạo ra các mẫu phục vụ việc ra quyết định).
 |
Từ trái qua phải: Phan Văn Long, Vũ Xuân Sơn Hữu, Nguyễn Đăng Dương – 3/5 thành viên của nhóm đoạt giải. Ảnh: DUY THÀNH |
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu, hiện nay, sự tham gia của các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời vào thị trường điện đã gây ra một số khó khăn cho các nhà quản lý, vận hành hệ thống điện. Do vậy, nhóm đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp Deep Learning cho bài toán dự báo bức xạ mặt trời trong khoảng thời gian ngắn hạn, đồng thời xây dựng phần mềm dự báo bức xạ mặt trời, giúp người dùng có thể dễ dàng tiếp cận việc dự báo bức xạ với các mô hình dự báo khác nhau, kết quả có thể lưu lại để sử dụng trong tương lai. Với đề tài “Xây dựng ứng dụng dự báo bức xạ mặt trời dựa trên phương pháp Deep Learning”, nhóm sinh viên đã giành giải nhì ở “Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2021”.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Phan Văn Long cho biết: “Do nghiên cứu liên ngành điện-công nghệ thông tin nên nhóm gặp phải nhiều khó khăn. Nhóm đã dành nhiều thời gian để thu thập tài liệu, tự học, đăng ký các khóa học về công nghệ thông tin để phục vụ cho việc nghiên cứu... Bên cạnh đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nên phần lớn thời gian thảo luận đều qua hình thức trực tuyến”.
Đánh giá về đề tài nghiên cứu, GS, TS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đề tài đã cung cấp kiến thức cơ bản về các mô hình Deep Learning, ứng dụng cho việc dự báo bức xạ mặt trời và có thể áp dụng cho các bài toán dự báo khách quan trong lĩnh vực hệ thống điện nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Đề tài cũng góp phần thúc đẩy việc ứng dụng AI giải quyết các vấn đề phức tạp trong ngành điện. Theo PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên đã thể hiện khả năng sáng tạo, vận dụng tri thức và công nghệ để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thời sự, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nghiên cứu hữu ích này sẽ tiếp tục được phát triển để sớm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn...
ĐOÀN THẢO