Phóng viên (PV): Tiếp sau Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành đề án phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng gì trong giai đoạn phát triển mới của Thủ đô, thưa ông?
PGS, TS Đỗ Hồng Cường: Chúng tôi rất vui khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, UBND TP Hà Nội và người dân Thủ đô. Có thể nói, mục tiêu, sứ mệnh và chiến lược phát triển của nhà trường gắn bó chặt chẽ với tiến trình phát triển của Thủ đô. Do đó, các ngành đào tạo của nhà trường đều được xây dựng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Hà Nội trong việc xây dựng đội ngũ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thành phố đáp ứng yêu cầu việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 |
PGS, TS Đỗ Hồng Cường. |
Với 66 năm truyền thống, hơn 10 năm thành lập, nhà trường đã phát triển mạnh mẽ, trở thành cơ sở giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực có trình độ đại học và trên đại học với 28 chương trình đào tạo đại học, 3 chương trình thạc sĩ, 1 chương trình đào tạo tiến sĩ; cùng với các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tư vấn chính sách, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội. Đặc biệt, sau khi được UBND thành phố phê duyệt đề án phát triển, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả 4 nhóm lĩnh vực, gồm: Sư phạm; văn hóa và con người Hà Nội; kinh tế và đô thị; công nghệ và môi trường.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về đào tạo sư phạm và văn hóa, con người Hà Nội - hai lĩnh vực được coi là thế mạnh hàng đầu của trường?
PGS, TS Đỗ Hồng Cường: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách dành cho giáo viên. Đó là những thuận lợi rất lớn đối với công tác đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm nói chung, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng. Với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, sinh viên tốt nghiệp không chỉ có năng lực giáo dục cùng với khả năng nghiệp vụ cao mà còn phải có tinh thần yêu trẻ, thấm chất Hà Nội trong con người. Vì thế, ở tất cả môn học trong chương trình đào tạo nói chung, chương trình đào tạo giáo viên của nhà trường nói riêng đều thấm nhuần triết lý giáo dục phải mang bản sắc của Hà Nội. Đây là sự khác biệt trong đào tạo sư phạm của nhà trường với các trường đào tạo sư phạm khác.
 |
Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tại Festival 2024 sinh viên HNMU. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
|
Mới đây, Viện Hà Nội học và Quan hệ quốc tế của trường cũng được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy hoạt động. Viện không chỉ thực hiện chức năng đào tạo mà còn là nơi quy tụ những chuyên gia trong lĩnh vực Hà Nội như: GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc; PGS, TS Bùi Tất Thắng... để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo thành phố; đồng thời nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ liên ngành các lĩnh vực khoa học về Hà Nội.
PV: Nhà trường đã làm gì để bảo đảm thực hiện yêu cầu của đề án về bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, thưa ông?
PGS, TS Đỗ Hồng Cường: Phát triển đội ngũ được coi là một trong hai nhiệm vụ chiến lược mà UBND TP Hà Nội giao cho nhà trường với mục tiêu đến năm 2030 phải đạt tỷ lệ 50% đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên. Riêng trong công tác phát triển đội ngũ, UBND TP Hà Nội giao trường phối hợp với Sở Nội vụ từ nay đến tháng 8-2025 phải hoàn thành xây dựng chính sách trọng dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao đang công tác tại trường; chính sách thu hút và tuyển chọn đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học về công tác tại trường và lựa chọn cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của trường đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài từ nguồn ngân sách được thành phố hỗ trợ.
Đây là chỉ tiêu cao đối với một trường mà mới có 10 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là mục tiêu bắt buộc phải thực hiện được. Xác định sự phát triển nội tại rất quan trọng, vì thế, ngay từ sớm, trường đã xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng giảng viên trong triển khai thực hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
MINH TRÍ (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.