Những nghề mang tính xu hướng
Những năm qua, dịch bệnh đã làm thay đổi khá nhiều cơ cấu việc làm của một số ngành nghề, trong đó, các ngành liên quan đến công nghệ đang phát triển rất mạnh. Những ngành về sản xuất thiết bị y tế, trí tuệ nhân tạo, xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cho nhiều lĩnh vực, logistics... là những nghề mang tính xu hướng hiện nay.
Theo danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội, một số ngành, chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở Đại học Quốc gia Hà Nội như: Trí tuệ nhân tạo, quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị năng lượng, phát triển bền vững, logistics, công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số... Các ngành kỹ thuật-công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch. Năm nay, Trường Đại học Thủy lợi cũng phân bổ chi tiêu cho 6 ngành học mới gồm: An ninh mạng, tài chính-ngân hàng, kiểm toán, kinh tế số, luật, kỹ thuật robot và điều khiển thông minh.
 |
Trường Đại học Phenikaa trang bị cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu giảng dạy. |
Trong thời đại công nghệ số 4.0, phương tiện để tiếp cận khách hàng nhanh, đa dạng nhất là thông qua các ứng dụng, phần mềm. Bởi vậy, ngành digital marketing hay còn gọi là tiếp thị kỹ thuật số được coi là ngành “hot”, giúp tìm kiếm và tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng. Đứng trước nhu cầu về lao động của thị trường kỷ nguyên số, Trường Đại học Hoa Sen mở tới 5 ngành mới gồm: Thương mại điện tử, digital marketing, phim, quan hệ công chúng, kinh tế thể thao, trí tuệ nhân tạo... Thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, năm nay, Trường Đại học Ngoại thương cũng bắt đầu tuyển ngành marketing số và truyền thông marketing tích hợp; chương trình kinh doanh số thuộc ngành kinh doanh quốc tế. Các chương trình mới giúp người học nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp, thích nghi sáng tạo trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.
Cơ hội việc làm cho người học
Đối với sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề cũng như yêu cầu của ngành kinh tế số, năm nay, Trường Đại học Phenikaa đã mở thêm một số chuyên ngành để đáp ứng được nhu cầu hội nhập số cũng như hội nhập quốc tế. PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: Những ngành nghề mới được mở ra đều xuất phát từ quá trình nghiên cứu của trường với mong muốn nghề nghiệp cụ thể hơn, hấp dẫn hơn, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ, kinh tế số, đặc biệt là các lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật và thương mại điện tử. Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.942 sinh viên, trong đó có 620 chỉ tiêu cho 6 ngành mới mở là: Ngành khoa học máy tính (đào tạo tài năng), kinh doanh quốc tế, kinh doanh du lịch số, hướng dẫn du lịch quốc tế và ngành y khoa, ngôn ngữ Nhật.
Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành. Nhiều chương trình đào tạo vì thế có thể là sự đan cài vào nhau, sự chuyển hóa, phân chia, cũng có thể là sự tích hợp. Thời gian tới sẽ có sự thay đổi không chỉ về danh mục các ngành nghề mà còn thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra cũng như cả phương thức tuyển sinh... Từ đó mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho người học cũng như các cơ sở giáo dục đại học.
Cần bảo đảm lộ trình ổn định, có tính hội nhập cao
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc mở thêm nhiều ngành mới là tốt, nhưng không chạy theo trào lưu. Mở ngành phải trên nguyên tắc bảo đảm khả năng tiếp cận giáo dục của mọi đối tượng người học, đồng thời mang lại môi trường học tập có tính hội nhập cao cho sinh viên Việt Nam. Việc đa dạng hóa chương trình đào tạo, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh để phù hợp với chương trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay phải bảo đảm lộ trình ổn định qua các năm. Điều đó giúp người học có sự chuẩn bị và lựa chọn phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là việc “bùng nổ” các mã ngành mới nhưng liệu điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực giảng dạy và chương trình đào tạo của các trường có theo kịp? Bất kỳ sự nóng vội, ăn theo nào trong giáo dục đều để lại những hệ quả khó lường. Bộ Giáo dục và Đào tạo trong văn bản mới đây gửi các cơ sở giáo dục đại học đã cảnh báo việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong hoạt động tự chủ thời gian qua. Trong đó, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng; mở ngành, duy trì ngành chưa bảo đảm các điều kiện; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không bảo đảm khối lượng giảng dạy; chưa kịp thời rà soát, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ; không bảo đảm lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa công khai thông tin văn bằng, chứng chỉ và ký chứng chỉ sai thẩm quyền.
Có thể thấy, thí sinh đang ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, nhưng các em cần nắm bắt được thông tin về ngành mới, những xu hướng mới, uy tín của cơ sở đào tạo cũng như thông tin dự báo về nhân lực trong thời gian tới để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất, tránh lựa chọn theo trào lưu.
Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 4-3-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học. Trong đó, các cơ sở đào tạo phải đáp ứng điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ đại học bao gồm ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở phải phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vùng, cả nước và của lĩnh vực đào tạo bảo đảm hội nhập quốc tế; bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt... |
Bài và ảnh: THU HÀ