Hàng nghìn công trình khoa học ứng dụng rộng rãi

Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng cho biết: Qua 29 lần tổ chức, Giải thưởng đã nhận được 3.182 công trình khoa học từ các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc dự thi.

Ban tổ chức Giải thưởng đã tặng bằng khen và trao giải cho 1.073 công trình khoa học. Các công trình đoạt giải thưởng đã được nghiên cứu, ứng dụng, triển khai trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, tạo được uy tín lớn, góp phần động viên phong trào thi đua yêu nước, nghiên cứu sáng tạo khoa học và công nghệ trong cả nước. Giải thưởng đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, công nghệ ở trong nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

leftcenterrightdel

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (đứng thứ 3, từ trái sang) và các cộng sự nhận Giải quốc tế SIIF Hàn Quốc tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.

Tiêu biểu như Công trình bờ kè Hồ Hoàn Kiếm vừa nhận Giải quốc tế SIIF Hàn Quốc trong khuôn khổ Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 30-5-2024. Công trình này cũng đã nhận giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021, Giải WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Giải đặc biệt và Huy chương vàng Cuộc thi Sáng tạo sáng chế quốc tế iCAN 2022.

Công trình do Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thực hiện từ tháng 6-2020 với tổng chiều dài khoảng 1.500m, hoàn thành vào tháng 8-2020, đã xử lý dứt điểm tình trạng sụt lún bờ hồ, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế và văn hóa. Đến nay, sau gần 4 năm đưa vào sử dụng, công trình đã bảo đảm chất lượng bền vững, ổn định, đáp ứng mục tiêu của dự án đề ra. Rêu phong cũng đã phủ lên bờ kè, hài hòa, đồng nhất với các di tích lịch sử khu vực hồ Hoàn Kiếm.

leftcenterrightdel

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (người ngồi) và công nhân của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) ''đội mưa'' để thực hiện công trình bờ kè Hồ Hoàn Kiếm năm 2020. 

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Busadco đánh giá: “Việc Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam được trao cho các công trình khoa học có tính ứng dụng cao là niềm cổ vũ, động viên lớn cho các doanh nghiệp chú trọng đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khoa học. Tôi mong rằng Giải thưởng sẽ thành công hơn nữa để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh”.

Cần thêm chính sách để đẩy nhanh ứng dụng các công trình khoa học

Để ứng dụng nhanh hơn các công trình khoa học vào sản xuất và đời sống, theo Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, bên cạnh việc tổ chức các giải thưởng thì Nhà nước cần có thêm một số chính sách để tạo nên hệ thống đồng bộ. Ví dụ, chính sách về hỗ trợ kinh phí và trợ giá, về miễn giảm thuế, chính sách về bảo hộ quyền tác giả, chính sách về đãi ngộ các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ và chuyên gia quản lý có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm có chất lượng tốt do các giải thưởng tạo ra.

Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có các giải thưởng khoa học và công nghệ để các công trình đoạt giải VIFOTEC có địa điểm triển khai sản xuất đúng với ý nghĩa khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel

Công trình bờ kè Hồ Hoàn Kiếm xử lý dứt điểm tình trạng sụt lún bờ hồ, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế và văn hóa. 

Cần khuyến khích các công trình sau khi đoạt Giải thưởng và Hội thi xây dựng thành những dự án sản xuất thử nghiệm (dự án P) hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khoa học và công nghệ. Nhà nước cũng cần có những biện pháp hiệu quả nhằm thực thi luật bản quyền trong khoa học và công nghệ, tránh hiện tượng “ăn cắp” bản quyền hoặc “giữ bí mật” công nghệ nhằm làm cơ sở cho các động lực phát triển trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học để họ tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có hiệu quả cao đáp ứng các nhu cầu của xã hội. 

Về phía Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, thời gian tới, Ban tổ chức sẽ tập trung nâng cao chất lượng, uy tín của Giải thưởng, tiếp tục hướng trọng tâm vào các công trình thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ có tính ứng dụng cao; một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Qua đó, để khoa học, công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đồng thời các giải thưởng thực sự gắn với những thành tích, kết quả, thành quả của sản phẩm khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, Quỹ VIFOTEC sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để hoàn thiện cơ chế tài chính, xây dựng chính sách đối với các tài năng sáng tạo, hỗ trợ nuôi dưỡng nhân tài để phong trào có được những thành tựu khoa học và công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Bài, ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.