Làm gì để có nguồn nhân lực chất lượng cao?
Tại phiên khai mạc, các diễn giả nhấn mạnh vai trò then chốt của hai công nghệ lõi – bán dẫn và trí tuệ nhân tạo – trong sự phát triển toàn cầu. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị công nghệ, nhờ lợi thế về nhân lực và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Sự kiện cũng đánh dấu việc ra mắt Asia University Vietnam – chương trình quốc tế về đào tạo các ngành Kinh doanh Công nghệ của Đại học Asia, Đài Loan (Trung Quốc), (Asia University) tại Việt Nam hợp tác với Trường Đại học FPT, tập đoàn FPT.
Theo TS Hoàng Việt Hà, Viện trưởng Viện Đào tạo Đại học Quốc tế FPT, Tập đoàn FPT: Hai công nghệ lõi đang định hình tương lai nhân loại là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nhờ nguồn nhân lực trẻ, đổi mới sáng tạo và sự hiện diện ngày càng tăng của các tập đoàn lớn. Trong khuôn khổ sự kiện, ông cũng chính thức công bố khai trương Asia University Vietnam – chương trình quốc tế về đào tạo các ngành Kinh doanh Công nghệ của Đại học Asia, Đài Loan (Trung Quốc) (Asia University) tại Việt Nam hợp tác với Trường Đại học FPT.
 |
Theo ông Vũ Anh Tú, đại diện FPT, thách thức lớn nhất hiện nay để Việt Nam tham gia sâu vào cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu nằm ở việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. |
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2030, Việt Nam cần đào tạo 50.000–100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông chia sẻ tầm nhìn của FPT trong việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, từ thiết kế đến R&D. Mới đây, FPT đã khai trương trung tâm R&D tại Đà Nẵng – hướng đến trở thành “Silicon Bay” của khu vực. FPT đang đẩy mạnh đào tạo thông qua sự hợp tác với hơn 20 đại học toàn cầu. Ông cũng khẳng định: “Việc hợp tác giữa Trường Đại học FPT, tập đoàn FPT và Asia University Đài Loan (Trung Quốc) là một bước đi chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao, hướng đến mục tiêu toàn cầu”.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia khẳng định, Chính phủ đã ban hành hai quyết định chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ông nhấn mạnh đây là thời điểm vàng để sinh viên định hướng nghề nghiệp theo ngành bán dẫn. Mức lương hấp dẫn và triển vọng nghề nghiệp bền vững đang mở ra cơ hội lớn cho người trẻ. Kết thúc bài phát biểu, ông gửi gắm thông điệp: “Đi để trở về” – khuyến khích sinh viên tích lũy kinh nghiệm quốc tế để quay về góp phần xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
GS Deng Wen Ling, Tham tán Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ Đài Loan (Trung Quốc), nơi chiếm 80–90% sản lượng chip toàn cầu. Mô hình hợp tác nhà trường – doanh nghiệp tại Đài Loan (Trung Quốc) đang mở đường cho Việt Nam tham khảo và tiếp cận công nghệ lõi.
Phát triển nhân lực bán dẫn thông qua hợp tác giáo dục
Phiên tọa đàm quy tụ đại diện FPT, Asia University và các chuyên gia quốc tế đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của mối liên kết giữa trường đại học – doanh nghiệp – chính phủ trong phát triển nhân lực ngành bán dẫn. Các diễn giả đồng thuận rằng Việt Nam cần những chương trình đào tạo thực tiễn, gắn kết với trung tâm công nghệ lớn như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Ông Vũ Anh Tú nhận định bán dẫn là công nghệ nền tảng, giữ vai trò trung tâm trong mọi thiết bị hiện đại. Ông nhấn mạnh, để Việt Nam làm chủ công nghệ, điều kiện tiên quyết là làm chủ được ngành bán dẫn, đồng thời kêu gọi sinh viên lựa chọn các ngành học chiến lược như vi mạch, tự động hóa, vật liệu bán dẫn. Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của mô hình đào tạo gắn với thực tế doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động.
 |
Tọa đàm quy tụ các chuyên gia hàng đầu của ngành bán dẫn đến từ Việt Nam và quốc tế. |
Trong khi đó, GS Deng Wen Ling cho biết, hiện nay chúng tôi đang ưu tiên mạnh mẽ ngành bán dẫn thông qua các học bổng quốc tế và chương trình hợp tác. Đây là ngành phức tạp nhưng giàu tiềm năng, mở ra cơ hội lớn cả trong kỹ thuật, tài chính và kinh doanh.
GS Gene-Eu Jan đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, Asia University là một trong những trường top đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) trong đào tạo kỹ sư bán dẫn, với lợi thế vị trí gần các tập đoàn công nghệ lớn. Sinh viên được tiếp cận thực tế ngay trong quá trình học, với mức thu nhập sau tốt nghiệp có thể lên tới 100.000 USD/năm – một minh chứng rõ nét về giá trị của nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Tổng giám đốc FPT Semiconductor thông tin, nhiều sinh viên Việt Nam vẫn phải đào tạo lại sau khi tốt nghiệp do thiếu nền tảng chuyên sâu về bán dẫn. Ông khẳng định các chương trình đào tạo liên kết với Đài Loan là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, phương pháp giảng dạy tiên tiến và nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành bán dẫn toàn cầu.
Hội thảo đã khẳng định một điều cốt lõi: Muốn bứt phá trong kỷ nguyên công nghệ, Việt Nam phải bắt đầu từ con người – từ những kỹ sư được đào tạo bài bản, sẵn sàng hội nhập và làm chủ công nghệ lõi như bán dẫn. Đồng thời, những cam kết mạnh mẽ từ phía nhà trường và doanh nghiệp, cùng các chương trình hợp tác quốc tế ý nghĩa, là minh chứng cho một chiến lược được đầu tư dài hạn và bài bản.
HỒNG QUANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.