Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin
Theo ông Trương Gia Bình, nếu nhiều năm trước, Việt Nam gần như vô danh trên bản đồ công nghệ thông tin (CNTT) thế giới thì ngày nay, Việt Nam trở thành cái nôi nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư CNTT trong đó có một nửa là phần mềm có thể chuyển đổi qua AI và đang hướng tới việc chuyển đổi thành 1 triệu chuyên gia AI. Nếu làm được như vậy thì như dự báo của ông Jensen Huang, Chủ tịch NVIDIA, Việt Nam sẽ đứng đầu tiên trên thế giới trong top các nước phát triển", ông Trương Gia Bình nói.
Ông Bình mong muốn các tập đoàn công nghệ hãy nhìn Việt Nam như một trung tâm nhân tài rộng lớn, nơi hội tụ những con người đầy khát vọng và tinh thần cầu tiến mạnh mẽ.
 |
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình phát biểu tại diễn đàn. |
Trong mục tiêu đào tạo 1 triệu nhân lực AI của Việt Nam, FPT cam kết chuyển đổi, đào tạo năng lực AI cho 500.000 người. Kỹ sư FPT thời gian qua ngày đêm học tập, nhận được gần một vạn chứng chỉ NVIDIA.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân sự bán dẫn vào 2030 và sẽ tiến đến hàng trăm nghìn nhân sự trong tương lai. Trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam đầu tư đào tạo nhân lực bán dẫn, ông Bình cho biết, FPT cam kết 2030 đào tạo 5.000 người và hiện đã có 1.600 sinh viên theo học ngành bán dẫn.
"Thời gian qua, hơn chục trường đại học hàng đầu đã nhanh chóng mở chương trình đào tạo về AI, bán dẫn. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lực lượng cho thế hệ chuyên gia mới, hòa mình vào dòng chảy công nghệ toàn cầu. Đây là một mỏ vàng chờ các doanh nghiệp quốc tế đến khai thác", Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho hay.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ban hành Nghị quyết 57 NQ/TW, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc lựa chọn đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong đó có AI và bán dẫn làm lộ trình phát triển tương lai. Chúng ta đang huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống.
Nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI được ban hành
Tại Việt Nam, AI ngày càng phát triển nhanh chóng và đang có những tác động không nhỏ đối với các ngành kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI đã được ban hành.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển AI ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của AI không chỉ mở ra cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị. Vấn đề về đạo đức AI, phát triển AI có trách nhiệm đang được các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm và thảo luận sôi nổi.
 |
Các đại biểu tham quan gian hàng tại sự kiện. |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26-1-2021); trong đó nêu rõ định hướng phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết thêm để triển khai định hướng này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN ngày 11-6-2024 hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm. Đây là văn bản đầu tiên ở Việt Nam nêu ra một số nguyên tắc chung cần chú ý trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm và khuyến nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân tự nguyện tham khảo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển cung cấp các hệ thống AI.
Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu này, theo Nghị quyết trên là việc hoàn thiện hành lang pháp lý đẩy mạnh ứng dụng AI trong các giải pháp phát triển các ứng dụng công nghệ số trong ngành, lĩnh vực, địa phương, gắn với công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm theo hướng đi tắt, đón đầu. Cùng với đó, phát triển các ứng dụng AI hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, hỗ trợ phân tích, cảnh báo về nguy cơ quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội...
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, AI đang phát triển vượt bậc, mang lại tiềm năng lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và y tế cộng đồng. Tuy nhiên, sự phát triển AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản trị, như nguy cơ mất cân bằng trong tiếp cận công nghệ, xâm phạm quyền riêng tư và thao túng thông tin...
Theo Trương Gia Bình, FPT đang nỗ lực cùng Việt Nam xây dựng hạ tầng AI tiên tiến. Tập đoàn đặt mục tiêu mở rộng quy mô lên 5 nhà máy AI trên toàn cầu vào năm 2030, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI quan trọng của khu vực và thế giới.
Để Việt Nam thật sự vươn lên trở thành cường quốc AI và bán dẫn, cần có sự chung tay của cả hệ sinh thái doanh nghiệp. Hy vọng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đáng tin cậy, đối tác chiến lược lâu dài.
HỒNG QUANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.